Ngày cuối tuần 25-8, giá vàng miếng SJC tại TP HCM được các doanh nghiệp niêm yết mua vào 42 triệu đồng/lượng, bán ra 42,3 triệu đồng/lượng, giảm khoảng 100.000 đồng/lượng so với ngày trước.

Tại Hà Nội, giá vàng SJC được giao dịch ở mức cao hơn, 42 triệu đồng/lượng mua vào, 42,6 triệu đồng/lượng bán ra, không thay đổi so với phiên trước.

Trên thị trường, giá vàng thế giới đóng cửa cuối tuần ở mức 1.526 USD/ounce, tương đương 42,7 triệu đồng/lượng, cao hơn giá vàng SJC.

Đây là diễn biến khá "lạ" của giá vàng miếng SJC thời gian qua, trong bối cảnh giá vàng trong nước đang ở mức cao nhất hơn 6 năm qua, và giá vàng bắt đầu "sốt" từ đầu tháng 6 đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Bởi những đợt sốt giá trước đây, giá vàng SJC thường xuyên cao hơn giá thế giới, thậm chí nhiều thời điểm cao hơn cả 1-2 triệu đồng/lượng.

{keywords}
Giá vàng SJC tăng mạnh nhưng người đi bán nhiều hơn.

"Người dân chủ yếu bán ra, khiến các công ty vàng phải cần lượng tiền mặt lớn để chi trả. Áp lực tiền mặt lớn buộc một số công ty phải giãn rộng biên độ chênh lệch giá mua vào - bán ra để phòng ngừa rủi ro, hạn chế nhu cầu bán vàng của khách hàng" - vị đại diện công ty này phân tích.Ghi nhận từ các công ty vàng, dù giá vàng trong nước tăng mạnh nhưng lực mua trên thị trường lại khá yếu, thậm chí xu hướng bán vàng ra từ người dân nhiều hơn. Đại diện một công ty vàng phân tích, khác với những đợt tăng giá mạnh nhiều năm trước là xu hướng người dân đổ xô mua vàng hoặc nhu cầu mua vào tăng mạnh, lần này, sức mua vàng từ thị trường khá yếu.

Trong khi đó, với lượng vàng miếng SJC mua được, các công ty sẽ chuyển thành vàng trang sức, nhẫn trơn các loại... Do đó, giá nhẫn trơn, trang sức có thời điểm cao hơn giá vàng miếng SJC là chi phí vốn của doanh nghiệp đã bỏ ra trước đó cao hơn. Đồng thời, lực mua vàng miếng từ thị trường không cao cũng khiến giá vàng SJC giảm nhanh hoặc giảm sâu hơn giá thế giới.

Dưới góc độ quản lý, Ngân hàng Nhà nước cũng đang lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2012 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn một số điều của Nghị định số 24/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

Theo đó, hiện thị trường vàng đã chuyển biến tích cực, doanh số giao dịch vàng miếng toàn hệ thống và sức mua vàng trong dân giảm. Do đó, cơ quan soạn thảo đã chủ trương giảm nhiều quy định về hồ sơ, thủ tục điều chỉnh Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng nhằm tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

(Theo NLĐ)