Bên cạnh các nhóm thay đổi lớn, dự thảo còn điều chỉnh nhiều vấn đề có tính thiết yếu trong quan hệ lao động như: Hợp đồng lao động, quyền chấm dứt hợp đồng, thời gian thử việc… 

Chỉ còn 2 loại hợp đồng lao động

Theo đó, dự thảo sửa đổi Luật Lao động quy định: Hợp đồng lao độngphải được giao kết theo một trong 2 loại: Hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn.

Cụ thể: Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là loại hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng.

Hợp đồng lao động xác định thời hạn là loại hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng nhưng không quá 36 tháng.

Loại hình hợp đồng lao động theo mùa vụ đã không còn được sử dụng trong dự thảo lần này.

{keywords}
 

Thay đổi khái niệm về mức lương tối thiểu

Dự thảo sửa đổi đã đưa ra khái niệm ngắn gọn hơn so với Luật Lao động hiện hành về lương tối thiểu, đó là: “Mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn trong điều kiện lao động bình thường”.

Trong khi đó, khái niệm về lương tối thiểu trong Luật Lao động hiện hành, ngoài thông tin trên còn được bổ sung thêm nội dung: “...phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ”.

Thay vào đó, nội dung “đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ” đã được Dự thảo chuyển thành 1 trong 5 tiêu chí mới xác định, điều chỉnh lương tối thiểu.

Cụ thể, tiền lương tối thiểu được xác định và điều chỉnh căn cứ vào 5 yếu tố sau đây: Mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tương quan giữa lương tối thiểu và mức lương phổ biến của người lao động trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp.

Thên thời gian thử việc cho người quản lý

Điểm mới của dự thảo là việc bổ sung thời gian thử việc của người quản lý , cụ thể: Không quá 6 tháng đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo luật doanh nghiệp.

Chi tiết hơn về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

Theo đó, Dự thảo quy định chi tiết hơn việc người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong những trường hợp sau đây:

Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động và bị lập biên bản từ 2 lần trở lên trong thời hạn 60 ngày;

Người lao động bị ốm đau, tai nạn lao động đã điều trị 06 tháng liên tục đối với người làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, đã điều trị quá nửa thời hạn hợp đồng đối với người làm theo hợp đồng lao động xác định thời hạn mà khả năng lao động chưa hồi phục…

Do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, địch họa hoặc di dời, thu hẹp địa điểm sản xuất kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền  mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc.

(Theo Dân trí)