Theo đó, với phương án điều chỉnh từ ngày 1/7/2021, mức tăng dự kiến sẽ là 10%. Trong khi đó, với phương án điều chỉnh từ ngày 1/1/2022, mức tăng dự kiến sẽ là 15%.

Trước đây, tăng lương hưu thường được kết hợp với tăng lương cơ sở. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, nhất là do ảnh hưởng của COVID-19, kế hoạch tăng lương cơ sở từ 1/7/2020 đã phải tạm lùi khiến việc cải cách tiền lương hưu cũng chưa thực hiện được.

{keywords}
Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam năm 2020 là khoảng 6,7 triệu đồng/tháng. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Theo các chuyên gia, phương án tăng lương hưu từ tháng 7 năm nay có tính đáp ứng kịp thời do khó khăn chung, nhưng mức tăng lại thấp. Còn nếu điều chỉnh từ ngày 1/1/2022 thì so với thời điểm 1/7 là chậm đi 6 tháng, tuy nhiên người lao động sẽ có thời gian tăng thêm mức hưởng.

Mức đề xuất tăng 15% cũng bảo đảm bù đắp trượt giá để duy trì giá trị của khoản lương hưu, trợ cấp của người thụ hưởng, do tác động từ yếu tố lạm phát và chia sẻ một phần thành quả từ phát triển kinh tế của 3 năm trước và do trong năm 2020, 2021 không thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội.


Thống kê từ Cục Quan hệ Lao động và Tiền lương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam năm 2020 là 3.521 USD/người/năm (tương đương 6,7 triệu đồng/tháng); năm 2021 dự kiến 3.700 USD/người/năm (tương đương 7 triệu đồng/tháng).

Mức lương tối thiểu vùng năm 2021 bình quân 3,71 triệu đồng/tháng. Mức chuẩn nghèo của giai đoạn 2022 - 2025 dưới 2 triệu đồng/tháng ở khu vực thành thị và dưới 1,5 triệu đồng/tháng ở khu vực nông thôn. Do đó, mức 2,5 triệu đồng/tháng bằng 36% mức thu nhập bình quân đầu người của năm 2021 và bằng 67,4% mức lương tối thiểu vùng.

Nguồn thực hiện cải cách tiền lương có 2 nguồn là ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội. Với những người về hưu trước năm 1995 sẽ dùng ngân sách nhà nước (số này không nhiều), còn những người về hưu từ sau năm 1995 sẽ do quỹ bảo hiểm xã hội chi trả.

(Theo VTV)