Thông tin từ Vietjet cho biết, hãng hàng không này đã ký hợp đồng 100 máy bay với Boeing và bảo dưỡng động cơ với Tập đoàn General Electric, tổng trị giá 18 tỷ đô la Mỹ nhân Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều.

Trước đó, Vietjet cũng đã có 2 thương vụ mua báy bay với giá trị lớn kỷ lục, tổng cộng 200 chiếc, trong đó có đơn đặt hàng với 100 tàu bay B737 MAX vào năm 2016.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet, chia sẻ: “Hợp đồng mới 100 máy bay và các thoả thuận hợp tác cho 200 tàu bay B737 MAX là một trong các bước đi quan trọng của Vietjet trong kế hoạch mở rộng mạng bay quốc tế với hiệu suất vượt trội, mang lại cho khách hàng nhiều cơ hội trải nghiệm bay thú vị tới các điểm đến quốc tế mới. Hợp đồng ký kết dưới sự chứng kiến của nguyên thủ hai nước vào dịp Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra tại Hà Nội sẽ là dấu ấn đặc biệt trong chặng đường phát triển của hai doanh nghiệp.”

Cùng ngày, Vietjet và tập đoàn General Electric (Hoa kỳ) cũng đã ký kết thoả thuận về dịch vụ dài hạn bảo dưỡng động cơ LEAP-1B trị giá 5,3 tỷ USD theo giá công bố của nhà sản xuất. Thoả thuận bao gồm cung cấp động cơ dự phòng và gói dịch vụ nhằm trang bị cho các đơn hàng máy bay mới và hiện đại mà hãng đã đặt hàng. Như vậy, tổng giá trị các hợp đồng được ký kết dịp này giữa Vietjet và các tập đoàn doanh nghiệp Hoa kỳ lên tới 18 tỷ USD. 

{keywords}
VietJet ký kết hợp đồng mua 100 máy bay Boeing.

Cũng bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều, Hãng hàng không Bamboo Airways (thuộc tập đoàn FLC) của tỷ phú Trịnh Văn Quyết đã ký thỏa thuận mua 10 máy bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner trị giá gần 3 tỷ USD với Tập đoàn Boeing.

Chia sẻ trên trang cá nhân, ông Trịnh Văn Quyết cho rằng, đây là một vinh dự lớn đối với tập đoàn, khi sự kiện này được tổ chức ngay trước thềm cuộc hội đàm lịch sử tại Hà Nội giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un.

Năm ngoái, Bamboo Airways cũng đã đặt mua 20 máy bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner. Với thỏa thuận nói trên, đội bay Bamboo Airways dự kiến sẽ sở hữu 30 chiếc Boeing 787 Dreamliner. Những máy bay đầu tiên được phía Boeing bắt đầu bàn giao từ quý 3/2020.

Cũng theo ông Quyết, ngoài thỏa thuận nói trên, Bamboo Airways đang cân nhắc việc mua thêm 25 máy bay thân hẹp dòng 737 MAX của Boeing. Phía Boeing cũng sẽ hỗ trợ Bamboo Airways trong việc kết nối Việt Nam với các thị trường trọng điểm tại châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ.

Bamboo Airways dự kiến sẽ khai trương đường bay thẳng Việt - Mỹ vào cuối 2019 hoặc đầu 2020, đồng thời lập văn phòng đại diện tại Mỹ để chuẩn bị cho đội ngũ nhân sự, pháp lý và nhiều yếu tố hỗ trợ khác.

Nhu cầu mở đường bay thẳng Việt - Mỹ đã trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Các chuyến bay này không chỉ đóng vai trò thúc đẩy các hoạt động trong ngành du lịch, mà còn giúp tiếp tục phát triển các cơ hội đầu tư và thương mại song phương giữa hai đất nước đang có mối quan hệ ngày càng thân thiết. 

{keywords}
Bamboo Airways của tỷ phú Trịnh Văn Quyết đã ký thỏa thuận mua 10 máy bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner trị giá gần 3 tỷ USD với Tập đoàn Boeing

Thị trường hàng không Việt Nam phát triển bùng nổ trong thời gian qua. Nhiều khả năng, Việt Nam sẽ có hãng hàng không thứ 6 trong năm 2019. Theo kế hoạch, liên doanh hàng không giữa Việt Nam và AirAsia dự kiến sẽ có chuyến bay thương mại đầu tiên vào quý 2. Đây là một liên doanh giữa AirAsia và Thiên Minh Group.

Hiện tại, thị trường hàng không Việt Nam đã có 5 hãng hàng không, gồm Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways, Jetstar Pacific và VASCO (2 công ty con của Vietnam Airlines). VietJet hiện nắm khoảng 45% thị phần; Vietnam Airlines chiếm 38%, Jetstar Pacific 15%.

Trong một thông tin trên Bloomberg, Vietnam Airlines cũng tính mua 100 máy bay Boeing 737 Max và dự kiến bay thẳng Mỹ từ 2022.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), nhiều mã blue-chips tăng điểm giúp VN-Index đạt mốc 990 điểm.

Các mã cổ phiếu trụ cột tăng điểm bao gồm: Vinhomes, Vingroup; Sabeco, Vinamilk, Bảo Việt, Vinaconex, Cotecons…

Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn tích cực trong các dự báo.

Theo CTCK Bảo Việt, thị trường được dự báo sẽ có biến động hẹp theo hướng giằng co, đi ngang với các phiên tăng giảm đan xen. Áp lực điều chỉnh của thị trường vẫn đang hiện hữu khi dư địa giảm điểm của các cổ phiếu vốn hóa lớn chưa có dấu hiệu kết thúc.

Xu hướng ngắn hạn của thị trường vẫn được đánh giá tích cực. Do đó, các nhịp điều chỉnh của thị trường trong những phiên tới được xem là cơ hội để các nhà đầu tư xem xét mua lại các vị thế đã bán chốt lời trước đó. Tỷ trọng tổng danh mục giai đoạn hiện tại nên được khống chế tối đa ở mức 45-55% cổ phiếu.

Còn theo MBS, thị trường có phiên tăng phiên giảm là điều bình thường, xu hướng tăng trưởng của thị trường không có gì thay đổi. Các nhóm trụ đã quay lại nâng đỡ thị trường và dòng tiền cũng đang có mức lan tỏa tốt, mặt bằng cổ phiếu đang tăng trở lại. Với phiên tăng này, thị trường đã xác nhận phiên điều chỉnh hôm qua chỉ là bước tạo đà để thị trường quay về đỉnh cũ đầu tháng 10, còn trước mắt đường về mốc tâm lý 1.000 điểm vẫn đang rộng mở.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 27/2, VN-Index tăng 3,21 điểm lên 990,27 điểm; HNX-Index giảm 0,03 điểm xuống 107,63 điểm. Upcom-Index tăng 0,01 điểm lên 55,56 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 310 triệu đơn vị, trị giá 5,8 ngàn tỷ đồng.

H. Tú