Ngân hàng đã ứng xử ra sao với khách hàng trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát?

Công ty Cổ phần Thuỷ sản Sạch Việt Nam vừa có văn bản do Tổng Giám đốc công ty kí tên, đóng dấu với nội dung: “Được biết mục tiêu lợi nhuận của ngân hàng năm 2021 là khá cao nên công ty chúng tôi xin không nhận phần giảm lãi này”.

Hình ảnh trang trại của . Ảnh: http://cleanfood.com.vn/

Hình ảnh trang trại nuôi tôm của Công ty Cổ phần Thuỷ sản Sạch Việt Nam. Ảnh: cleanfood.com.vn

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Lao Động, nguyên nhân khiến doanh nghiệp từ chối việc ngân hàng giảm lãi suất là do trước đó, doanh nghiệp đã có văn bản đề nghị ngân hàng giảm lãi suất cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, ngân hàng thuộc nhóm "Big 4" này đã không trả lời, khiến ông chủ của doanh nghiệp cho biết sẽ khiếu nại.

Sau đó, chi nhánh Đồng bằng sông Cửu Long của ngân hàng "Big 4" này đồng ý giảm lãi suất với mức 0,1%-0,2%/năm. Theo ông chủ doanh nghiệp thuỷ sản, “mức giảm quá nhỏ, nhận chi cho mang tiếng nên tôi từ chối”.

Công ty Cổ phần Thuỷ sản Sạch Việt Nam hiện có địa chỉ tại Lô F Khu Công nghiệp An Nghiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng. Đây là một trong những doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm hàng đầu Việt Nam. Doanh nghiệp này chuyên chế biến và xuất khẩu tôm thẻ chân trắng và tôm sú cho các kênh bán lẻ và dịch vụ thực phẩm trên khắp Nhật Bản, Châu Âu, Bắc Mỹ và các khu vực khác trên thế giới. Doanh nghiệp có trang trại rộng lớn với sản lượng thu hoạch hàng năm từ 2.000 đến 3.000 tấn.

Theo tìm hiểu của phóng viên, dịch COVID-19 bùng phát đã khiến chi phí đầu vào của doanh nghiệp này tăng cao. Sau khi áp dụng sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” và Chỉ thị 16 khiến chi phí tiếp tục tăng trong khi sản lượng lại giảm 50%.

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính ngân hàng nhận định: “Đến mức độ doanh nghiệp từ chối “món quà” hạ lãi suất của ngân hàng, nghĩa là ngân hàng cần nhìn lại. Ngân hàng nên đối xử với doanh nghiệp như người bạn đồng hành, cần tôn trọng khách hàng và tôn trọng từ cách cho”.

“Khi dịch bệnh xảy ra, trên mối quan hệ hợp tác cùng có lợi, ngân hàng nên chia sẻ thế nào để giữ được những bạn hàng tốt. Đây là thời điểm cần đồng hành với doanh nghiệp, ngân hàng đừng nghĩ chỉ câu chuyện lãi suất không”, chuyên gia này nói.

“Cách xử lý chỉ giảm 0,1% - 0,2% cho thấy ngân hàng này không có tầm, không đi cùng doanh nghiệp”, vị chuyên gia này nhận định.

Chuyên gia này cho rằng ngân hàng cần suy nghĩ giải pháp tài chính tổng thể cho doanh nghiệp thay vì chỉ giảm 0,1-0,2% lãi suất.

Cụ thể, nên xem xét các yếu tố dòng tiền chậm hay nhanh, vòng quay vốn chậm hay nhanh, cho vay dài hay ngắn. Giả sử trong bối cảnh dịch COVID-19 phức tạp, losgistic tắc nghẽn, trước đây container đi 3 tháng xuất khẩu hàng một lần, doanh nghiệp trước đây 3 tháng trả tiền lãi thì do container tắc nghẽn có thể cân đối 6 tháng trả một lần cả gốc lẫn lãi. Ngân hàng có thể làm việc với đối tác nước ngoài, hỗ trợ giảm chi phí. Thêm vấn đề nữa là hàng tồn kho, vòng quay vốn chậm vì năng lực sản xuất dù tốt nhưng container không có, hàng tồn kho nằm nhiều thì ngân hàng nên có giải pháp. Đó mới là cái doanh nghiệp cần, chứ dù vốn có rẻ nhưng hàng tháng vẫn bắt trả nợ trong bối cảnh dịch bệnh không xuất khẩu được hàng thì doanh nghiệp "chết".

(Theo Lao Động)

Dư tiền tỷ, chọn ngân hàng lãi suất cao gửi ăn lãi

Dư tiền tỷ, chọn ngân hàng lãi suất cao gửi ăn lãi

Đầu tháng 8, lãi suất huy động tại một số ngân hàng có sự điều chỉnh tăng, giảm nhẹ ở một số kỳ hạn. Hiện OCB có mức lãi suất huy động cao nhất là 8,2%/năm với khoản tiền từ 500 tỷ đồng ở kỳ hạn 13 tháng.