Hàng loạt các ngân hàng tiếp tục không trả cổ tức 2015 và có kế hoạch không trả cổ tức năm 2016. Cổ phiếu ngân hàng cũng không tăng giá thậm giá còn ở mức rất thấp, bằng vài ba phần so với thời kỳ sôi động.


Đầu tư ngàn tỷ, không có đồng lãi

Đại hội cổ đông(ĐHCĐ) tổ chức hôm 23/4/2016 của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) có một nội dung được nhiều nhà đầu tư (NĐT) quan tâm chất vấn là: Ngân hàng (NH) tiếp tục không chia cổ tức 2015.

Các cổ đông đã chất vấn tại sao trong 5 năm qua NH không chia một đồng cổ tức cho các cổ đông và đã nhiều gắn bó lâu dài với NH nhưng không được hưởng thành quả. Theo đó, với khoản tiền họ đầu tư vào cổ phiếu NH nếu đem đi gửi tiết kiệm có thể thu về khoản lãi cố định. Trong khi đó, đầu tư vào cổ phiếu NH, làm cổ đông NH họ chưa được gì. Giá cổ phiếu thậm chí còn thấp đi hoặc giao dịch khá khó khăn do cổ phiếu chưa niêm yết trên TTCK.

{keywords}

Tại ĐHCĐ năm trước, lãnh đạo Techcombank cũng cho biết, dự kiến trong 3-5 năm sau đó sẽ tiếp tục không chi trả cổ tức. Điều đó có nghĩa, cổ đông nắm cổ phiếu Techcombank dài hạn có thể mất gần 10 năm đầu tư không được đồng lãi nào.

Rất nhiều NH thuộc diện tái cơ cấu như TPBank, VietABank, SCB, GPBank, OCB… đều thuộc diện không trả cổ tức. Quá trình tái cấu trúc được cho là còn kéo dài và điều đó có nghĩa là cổ đông NH sẽ còn phải chờ thêm để có thể thu được lợi tức từ các khoản đầu tư của mình.

Nhiều NH kinh doanh có lãi cũng không trả cổ tức bằng tiền mặt mà thay vào đó là cổ tức bằng cổ phiếu.

Gần đây, NHTMCP Công thương (VietinBank) cũng có phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu để cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR). NH Á Châu (ACB) cũng có kết quả kinh doanh ở mức khá với lợi nhuận sau thuế hơn ngàn tỷ đồng nhưng vẫn trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 10%. Theo kế hoạch, năm 2016, NH này tiếp tục trả cổ phiếu bằng cổ tức với tỷ lệ tương tự. Cũng như Techcombank, ACB giải thích lý do là để tăng vốn và chuẩn bị áp dụng Basel II.

Nhiều NH khác tiếp tục lặp lại điệp khúc không trả cổ tức như: Eximbank, MaritimeBank, VPB, BVB…

{keywords}
Đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng không bằng tiết kiệm bạc lẻ.

Giá thấp khó bán

Ông Nguyễn Hưng, một NĐT tại Hà Nội cho biết, ông giữ lô cổ phiếu của NH và tới giờ gần như đã quên mất có tổng cộng bao nhiêu cổ phần. Và cũng đã từ lâu ông không nhận được cổ tức từ NH này.

“Giá cổ phiếu quá thấp so với thời điểm mua vào. Mua cổ phiếu 7-8 năm qua mà giờ giá chỉ còn vài ba phần cho nên cũng không ngó ngàng tới nữa”, ông Hưng cho biết. NĐT này cũng chia sẻ, giờ đây niềm tin của ông đối với lãnh đạo các NH không còn nhiều.

“Hầu hết các lãnh đạo đều giải thích NH giữ lại tiền để nâng cao năng lực cạnh tranh, rồi “cơm không ăn gạo còn đấy”. Nhưng trên thực tế, cổ đông không những không nhận được cổ tức mà còn chứng kiến giá cổ phiếu giảm thê thảm”, ông Hưng chia sẻ.

Nhiều NĐT cho biết, một số NH chia tách cổ phiếu hoặc/và trả cổ tức bằng cổ phiếu khiến tổng số lượng cổ phần mà các cổ đông nắm giữ tăng lên. Nhưng tính chung, lỗ vẫn hoàn lỗ.

Trước đó, một số NĐT còn cho rằng, cổ phiếu NH thời buổi này làm của hồi môn không đắt. Giá hàng loạt các cổ phiếu NH chưa niêm yết trên TTCK được chào mua bán trên thị trường tự do ở mức chưa tới 10 ngàn đồng, tức chưa bằng mệnh giá.

Cổ phiếu TPBank gần đây được bán đấu giá thành công ở mức 8.900-9.200 đồng/cp và chỉ có hơn một nửa số cổ phần đem gia đấu giá được bán hết. Trước đó, Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) bán đấu giá cổ phần NH OCB và SCB với giá khởi điểm chưa tới 5.000 đồng/cp nhưng vẫn ế. Nhiều cổ phiếu như ABBank được giao dịch ở mức 4-5.000 đồng; TPBank ở mức 8.000 dồng/cp; BVBank 5.000 đồng/cp, VABank 4.000 đồng/cp, LVB 5.700-6.000 đồng/cp…

Trên thực tế, tình hình căng thẳng tại ĐHCĐ các NH không chỉ phải năm nay mới xuất hiện mà đã có từ các năm trước. Ngay trước mùa ĐHCĐ năm nay, các vấn đề cổ tức, trích lập dự phòng cho nợ xấu, tăng vốn điều lệ đã được đặt ra.

Nhiều chuyên gia, trong đó có ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam luôn lo lắng về tình hình sức khỏe của hệ thống NH, nhất là vấn đề nợ xấu. Theo đó, nợ xấu hiện mới chỉ được “xúc về, xích lại” (thông qua VAMC). Còn trên thực tế đây là điều đáng ngại.

Việc phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro hiện vẫn chưa minh bạch. Đó là chưa kể đến các loại nợ xấu đã được “giam” tại VAMC thì các NH vẫn phải cùng gánh vai giải quyết. Nếu theo các chuẩn mực mới, nhiều khả năng các NH sẽ đối mặt với khó khăn do phải trích lập nhiều hơn, chi phí nhiều hơn, lợi nhuận tụt giảm.

Đây có lẽ là lý do giải thích tại sao các NH nhiều năm liền không dám chia cổ tức và giá cổ phiếu cũng không thể ngóc đầu đi lên. Nhiều NH cũng chưa mặn mà với việc niêm yết cổ phiếu công khai trên các sàn chứng khoán.

V. Hà