Tại Hội nghị Tổng kết nhiệm vụ triển khai công tác thuế năm 2019 ngày 10/1, ông Trần Ngọc Tâm, Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, cho biết năm 2018, cơ quan thuế thành phố đã ban hành 45.986 quyết định cưỡng chế thuế. Tuy nhiên, số nợ thuế đến cuối năm là 8.486 tỷ đồng.

Năm 2018, cơ quan này cũng đã truy thu được 4.915 tỷ đồng tiền thuế. Tính đến 31/12/2018, số nợ đã thu chiếm 3,33% dự toán ngân sách giao.

Xung quanh vấn đề nợ thuế của Sabeco và Unilever, Cục Thuế TP.HCM kiến nghị Tổng cục Thuế có ý kiến chỉ đạo cụ thể vì vấn đề này nằm ngoài tầm quản lý của cục.

{keywords}
Cục Thuế TP.HCM xin chỉ đạo vụ truy thu thuế với Sabeco. Ảnh minh họa.

Trước đó, Cục Thuế TP.HCM đã thông báo về số tiền chậm nộp thuế và tiền nộp vi phạm hành chính của Sabeco là hơn 3.140 tỷ đồng, bao gồm tiền chậm nộp thuế tiêu thụ đặc biệt từ năm 2007 đến 2015 hơn 2.645 tỷ đồng, tiền phạt vi phạm hành chính hơn 494 tỷ đồng.

Do Sabeco không nộp thuế theo thông báo nên Cục Thuế TP.HCM đã ra quyết định cưỡng chế nộp phạt những ngày cuối tháng 12/2018. Tuy vậy sau đó, Thủ tướng giao Bộ Tài chính và UBND TP.HCM chỉ đạo Cục Thuế chưa thực hiện cưỡng chế. Trên cơ sở này, Cục Thuế TPHCM đã ra quyết định dừng thực hiện cưỡng chế thuế đối với Sabeco.

Còn trường hợp của Unilever Việt Nam, Kiểm toán Nhà nước đã có công văn đề nghị Tổng cục Thuế có biện pháp truy thu thuế với Unilever số tiền 575 tỷ đồng. Cục Thuế TP.HCM cũng lấy báo cáo của Kiểm toán Nhà nước làm cơ sở để gửi công văn nhiều lần cho Unilever yêu cầu cung cấp thông tin về tài khoản để thực hiện cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản, phong toả tài khoản theo quy định.

Sau đó, phía Unilever đã có văn bản kiến nghị gửi lên Thủ tướng xin không thực hiện cưỡng chế doanh nghiệp để chờ kết luận của các cấp có thẩm quyền. Doanh nghiệp này cho rằng hành động của phía thuế đặt họ vào tình thế khó khăn, ảnh hưởng lớn đến hoạt động và uy tín tại Việt Nam.

Unilever cho rằng vấn đề thuế thu nhập doanh nghiệp liên quan tới đầu tư mở rộng của Unilever đã được Chính phủ đề cập đến trong Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 6/10/2018. Theo đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phối hợp báo cáo phương án giải quyết thoả đáng vướng mắc của doanh nghiệp do có sự khác nhau giữa Luật Đầu tư và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp giai đoạn trước năm 2014 theo đúng nguyên tắc không hồi tố các quy định pháp luật.

Unilever cũng cho biết thực hiện Nghị quyết 124, công ty này đã chủ động giải trình Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính. Đồng thời, kiến nghị cơ quan thuế chưa thực hiện hay ra bất kỳ quyết định nào ảnh hưởng bất lợi cho doanh nghiệp trong thời gian Chính phủ xử lý vụ việc

Liên quan đến hoạt động ngành, Tổng cục Thuế cho biết trong năm 2018, ngành đã thực hiện gần 90.400 cuộc thanh tra, kiểm tra, với tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 17.300 tỷ đồng. Trong đó, thanh tra, kiểm tra được 593 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết và truy thu, truy hoàn, phạt gần 1.640 tỷ đồng, giảm lỗ 4.800 tỷ đồng; điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế xấp xỉ 7.300 tỷ đồng.

“Nếu như so với năm 2017, số thu ngân sách của ngành thuế tăng đến 12%. Điều này thể hiện thực lực của nền kinh tế. Yếu tố thu có ý nghĩa nhiều hơn trong điều kiện phạm vi thu ngân sách quản lý cả ngành thuế mở rộng với hơn 700 nghìn doanh nghiệp, hơn 2 triệu hộ kinh doanh có đăng kí với cơ quan thuế. Tính trong 10 năm qua, tổng thu của ngành thuế tăng hơn 3,4 lần. Tuyệt đại bộ phận cục thuế địa phương đã hoàn thành định mức, trong đó có tới 48 địa phương hoàn thành vượt 7,2%. Đây là một kết quả tích cực”, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định.

Ông cũng đề nghị, năm 2019, ngành Thuế phải cải cách và hoàn thiện thể chế pháp luật có liên quan đến ngành. Từ thành tựu của năm 2018 là giúp Bộ Tài chính hoàn thiện dự án luật quản lý thuế sửa đổi, sang năm 2019 Quốc hội sẽ xem xét và thông qua dự kiến vào kì họp đầu tiên.

(Theo Zing)