Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng rót tỷ USD vào dự án Vinfast và đang triển khai rầm rộ kéo dài về hướng Cát Bà. Bất động sản vẫn là mảng sinh lời chủ lực cho Vingroup nhưng tập đoàn này cũng bắt đầu những dự án trăm tỷ đồng cho chiến lược tập đoàn công nghệ.

HĐQT Tập đoàn Vingroup (VIC) vừa thông qua phương án thành lập CTCP Đầu tư Phát triển Công nghệ VinDigix với ngành nghề kinh doanh chính là: Hoạt động dịch vụ công nghệ thông tin. VinDigix có vốn điều lệ 300 tỷ đồng, trong đó Vingroup góp 240 tỷ tương đương 80% vốn.

Đây công ty tiếp theo trong lĩnh vực công nghệ được Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng thành lập trong vài tháng qua sau khi doanh nghiệp của tỷ phú giàu nhất Việt Nam hồi tháng 8/2018 tuyên bố định hướng trở thành Tập đoàn Công nghệ - Công nghiệp - Dịch vụ đẳng cấp quốc tế trong vòng 10 năm tới, trong đó công nghệ chiếm tỷ trọng chính. 

{keywords}
Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng thành lập thêm 1 công ty công nghệ.

 Ngay sau khi công bố chiến lược mới với công nghệ là cốt lõi, thay vì gần như toàn bộ lợi nhuận đến từ bất động sản như hiện tại, Vingroup đã thành lập công ty VinTech để tập trung nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI), sản xuất các phần mềm và nghiên cứu phát triển các nguyên vật liệu thế hệ mới.

Vingroup cũng đã thành lập hai viện nghiên cứu là: Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn và Viện Nghiên cứu công nghệ cao Vin Hi-Tech (VHT).

Sau đó, Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng cũng liên tiếp thành lập 3 công ty công nghệ gồm Công ty TNHH Dịch vụ An ninh mạng VINCSS (20 tỷ đồng), Công ty TNHH Giải pháp và Dịch vụ Công nghệ VinConnect (300 tỷ đồng) và Công ty TNHH Sản xuất và kinh doanh phần mềm HMS (50 tỷ đồng).

Trong năm 2018, ông Vượng cũng đã lộ cứ điểm mới, đầu tư nhà máy sản xuất điện thoại thông minh Vsmart tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, thay vì ở chung cùng với Vinfast như hiện tại.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã gặp gỡ với 100 chuyên gia từ nước ngoài về, bàn về hợp tác làm việc, khởi đầu hành động tốt nhất cho những sản phẩm Made in Vietnam, Made by Vietnamese. Vingroup đã ký kết với 50 trường đại học của Việt Nam để xây dựng nguồn nhân lực và mở trung tâm công nghệ cao, đồng thời lập quỹ tài trợ cho các dự án ứng dụng công nghệ cao.

Gần đây, Vingroup huy động rất nhiều vốn và đang căng mình đầu tư vào rất nhiều lĩnh vực, từ hàng tỷ USD vào sản xuất ô tô, hàng loạt các dự án bất động sản mới, mở rộng mạng lưới bán lẻ, sản xuất điện thoại, cho đến đầu tư vào lĩnh vực công nghệ. 

{keywords}
Tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng.

Mặc dù công nghệ là trọng điểm tương lai của Vingroup nhưng mảng công nghiệp mới là điểm nổi bật trong thời gian gần đây. Dự án Tổ hợp sản xuất ô tô, xe máy điện VinFast tại khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải (Hải Phòng) có tổng giá trị đầu tư 3,5 tỷ USD. Tổ hợp này trải dài trên diện tích 335ha, trên tổng diện tích có thể lên tới 900ha, xây dựng trên vùng đầm phá sát biển.

Mảng bất động sản vẫn là mảng sinh lời chủ yếu cho Vingroup. Năm 2018, ông Vượng cũng đã tách mảng bất động sản thành thương hiệu Vinhomes (VHM) và đưa hàng tỷ cổ phiếu VHM lên sàn. Vinhomes trở thành DN địa ốc số 1 Việt Nam với tổng vốn hóa có lúc ước tính lên tới gần 15 tỷ USD.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), thanh khoản tiếp tục đứng ở mức thấp. VN-Index ở quanh ngưỡng 900 điểm. Các nhà đầu tư vẫn có dấu hiệu thận trọng trong bối cảnh thị trường không có thông tin gì thực sự tích cực.

Thị trường hiện đứng vững nhờ một số cổ phiếu lớn ổn định như Vinhomes, Vincom Retail, VietJet, FPT, GAS và nhóm cổ phiếu hủy sản, dệt may vẫn - tăng khá tốt nhờ hiệu ứng Hiệp định thương mại CPTPP.

Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.

CTCK Bảo Việt (BVSC) cho rằng, thị trường có khả năng sẽ có những phiên giằng co tăng giảm đan xen trong biên độ hẹp trong các phiên kế tiếp. Tỷ trọng danh mục tổng duy trì ở mức tối đa 20-25% cổ phiếu trong giai đoạn này. Hoạt động trading chỉ nên thực hiện trong các phiên biến động mạnh của thị trường và nên ưu tiên các vị thế có sẵn trong danh mục.

KIS cho rằng, VN-Index đang gặp khó tại vùng cản ngắn hạn quanh 903-907 điểm. Các nhóm cổ phiếu đang có xu hướng phân hóa trở lại. Để đi xa hơn, thị trường cần xuất hiện các yếu tố tích cực từ dòng tiền và sự đồng thuận cổ phiếu. Rủi ro trung hạn vẫn hiện diện vì vậy nhà đầu tư vẫn nên giữ vị thế quan sát trong bối cảnh hiện nay.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 14/1, VN-Index giảm 0,91 điểm xuống 901,8 điểm; HNX-Index giảm 0,29 điểm xuống 101,58 điểm. Upcom-Index giảm 0,05 điểm xuống 53,14 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 170 triệu đơn vị, trị giá 3,2 ngàn tỷ đồng.

H. Tú