Châu Âu: Ngày đỏ lửa lịch sử

Ngay sau tuyên bố chính thức của WHO về đại dịch Covid-19 vào thứ 4 ngày 11/3, Ngân hàng Trung ương Châu Âu ECB đã có đã có những phản ứng đáng chú ý để hạn chế sự đổ vỡ của nền kinh tế.

120 tỷ Euro đã được đồng ý bổ sung vào thị trường để mua lại nợ công và nợ tư nhân và sẽ được sử dụng từ giờ tới cuối năm. Đây được cho là một biện pháp giảm bớt gánh nặng nhằm khuyến khích các ngân hàng hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi đại dịch.

Tuy nhiên, thông báo trên là không đủ để có thể thuyết phục được các nhà đầu tư. Cùng với việc Mỹ bất ngờ đình chỉ các chuyến bay từ châu Âu, trừ Anh, đến Mỹ trong vòng 30 ngày, Kết thúc phiên thứ 5 ngày 12/3, thị trường chứng khoán châu Âu rơi tự do.

{keywords}
Thị trường Pháp kết thúc phiên tồi tệ nhất trong lịch sử. Ảnh: AFP

Từ New York đến Paris, chỉ số đóng cửa của các sàn giao dịch chứng khoán đều ghi nhận sự sụt giảm nghiêm trọng. Phố Wall mất gần 10%, trong khi đó CAC 40 ghi nhận mức sụt giảm 12,28%! Trong cùng một tuần, sàn chứng khoán Paris đã phải chứng kiến hai phiên giảm lớn trong lịch sử. Nếu như -8,39% của ngày đầu tuần đã là mức giảm lớn thứ hai kể từ năm 1988 thì con số ngày 12/3 được coi là mức đáy chưa từng được ghi nhận. Mức lao dốc của thị trường Pháp đã ghi nhận một kỷ lục mới.

DAX Frankfurt xuống sâu dưới mức 10.000 điểm (9.161,13), ghi nhận mức giảm 12,24%. Còn tại London, FTSE đóng cửa với 10,87% bốc hơi. Tại Italy, sự rạn nứt của hệ thống y tế khi phải đối mặt với sự bùng nổ về số lượng bệnh nhân và các ca tử vong do Coronavirus trên toàn quốc đã khiến cho thị trường chứng khoán nước này giảm 16,64%.

Khởi đầu 1 năm biến động hiếm có

Các chuyên gia nhận định chỉ số Dow Jones ghi nhận mức giảm hơn 5% vào thứ 4 ngày 11/3 đã đẩy phố Wall bước vào lãnh thổ của “thị trường gấu”.

Về mặt kỹ thuật, “thị trường gấu” xảy ra khi chỉ số chứng khoán giảm 20% kể từ mức đỉnh cuối cùng, phản ánh sự bán tháo của các nhà đầu tư nhằm thoát khỏi thị trường chứng khoán do những lo ngai về sự xấu đi của tình hình và sự thua lỗ lớn trong tương lai gần. So với mức cao nhất ghi nhận vào ngày 12/2/2019, chỉ số Dow Jones ngày 11/3 đã xuống thấp hơn 20,22%.

Chỉ số VIX index, hay còn gọi là “chỉ số sợ hãi” đã lên đến 75,47 điểm, tăng 40,02% trong ngày 12/3. Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 ghi nhận mức tăng của chỉ số này vượt quá 80 điểm. Các nhà phân tích nhận định, với tình trạng này, giá cổ phiếu có thể còn tiếp tục giảm.

Kể từ đỉnh cao cuối cùng vào thời điểm ngay trước cuối tháng 2, các thị trường châu Âu đã xóa sạch 4.000 tỷ USD vốn hóa thị trường, nhiều hơn toàn bộ nền kinh tế nước Đức.

Niềm tin của các nhà đầu tư rõ ràng đang lung lay sau khi phải trải qua quá nhiều các sự kiện lớn ảnh hưởng tới sự dao động của thị trường diễn ra trên thế giới chỉ trong 3 tháng đầu năm.

{keywords}
“Chỉ số sợ hãi” tăng mạnh

Mở đầu bằng sự leo thang vũ trang căng thẳng giữa Mỹ và Iran, đặc biệt là vụ đánh bom ám sát tướng Soleimani và các vụ tấn công trả đũa của Iran vào những ngày đầu năm.

Hơn một tuần sau đó, ngày 15/1, Mỹ và Trung Quốc ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, chiến tranh thương mại giữa hai nước tạm thời hòa hoãn.

Cuối tháng 1, Brexit chính thức có hiệu lực, kéo theo sự bất đồng quan điểm giữa Anh và Liên minh châu Âu trong các cuộc đàm phán về các lĩnh vực thuế quan, khung hợp tác an ninh nội bộ, quyền đánh bắt cá, biên giới Ireland...

Tại Trung Đông, dầu mỏ bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến giá giữa Ả rập Saudi và Nga. Các ngân hàng trung ương trên thế giới bắt đầu cuộc đua giảm lãi suất mong vực dậy nền kinh tế.

Song song đó, kể từ tháng 12/2019, dịch Covid-19 khởi đầu từ Vũ Hán đã lan rộng sang các tỉnh thành lân cận; trước khi bùng phát trên toàn thế giới. Dưới các biện pháp phòng chống mạnh tay của chính quyền Trung Quốc, các thành phố lớn cùng người dân bị cách ly khiến hàng loạt dây chuyền sản xuất tại "công xưởng của thế giới" bị đình trệ. Do phụ thuộc quá lớn vào quốc gia tỷ dân này, chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn nghiêm trọng. Các đơn hàng bị đình trệ không thời hạn. Nhiều công ty lớn đứng trước nguy cơ sụt giảm nghiêm trọng doanh số bán hàng, còn công ty vừa và nhỏ đi đến bờ vực phá sản.

Sự biến chủng và khả năng lây lan nhanh chóng của virus Corona khiến dịch bệnh bùng nổ trên toàn cầu. Ngành hàng không và du lịch thế giới thiệt hại nặng nề. Nhiều quốc gia đơn phương tạm dừng nhập cảnh đối với các nước đang là tâm dịch. Italy chính thức phong tỏa toàn quốc dưới áp lực bùng nổ các ca nhiễm mới cùng, đồng thời là quốc gia có số người tử vong do virus cao nhất bên ngoài Trung Quốc.

Số lượng gia tăng các ca lây nhiễm tại các quốc gia châu Âu vẫn đang tiếp tục tăng cao. Thủ tướng Đức Merkel lo ngại 60-70% dân số nước này có nguy cơ mắc Covid-19.

{keywords}
Tổng thống Emmanuel Macron phát biểu trực tiếp trên truyền hình ngày 12/3. Ảnh: Kênh France 2

20h ngày 12/3, tổng thống Pháp E. Macron đã thông báo trực tiếp trên sóng truyền hình, tuyên bố đóng cửa toàn bộ các nhà trẻ, các trung tâm giáo dục; cho phép người lao động làm việc từ xa và tuyên bố hỗ trợ các công ty và doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến khó lường.

Tổng thống Macron cũng khẳng định nước này sẽ tiếp tục phối hợp cùng ngân hàng Trung ương châu Âu, các nước G7 và G20 cũng như sẽ trao đổi với tổng thống Donald Trump để tìm cách chống lại cuộc khủng hoảng toàn cầu. 

Khánh Cường (Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu - AVSE Global)