Cầm chắc tài sản trong tay nhưng thực tế diễn ra nhiều tình huống “con nợ” giỏi ăn vạ lại thắng. Ngân hàng hết sức chật vật nhưng chưa chắc đòi được nợ.

Đầu tháng 12, khi chủ nợ là Ngân hàng (NH) Việt Nam thịnh vượng (VP Bank) đẩy nhanh tiến độ xử lý tài sản đảm bảo gồm 8 bất động sản, lớn nhất là toà nhà số 5 Điện Biên Phủ (Hà Nội) thì con nợ là Công ty CP Đầu tư ATS lại gửi đơn thư tố cáo đi khắp nơi.

Đủ cách “ăn vạ”

Trong văn bản gửi đến các cơ quan chức năng, VP Bank khẳng định xử lý tài sản đúng luật thì doanh nghiệp lại cho rằng VP Bank muốn thôn tính toà nhà dưới hình thức cho vay, nên đã câu kết với cán bộ Toà án để làm sai, thiếu thủ tục... Vụ tranh chấp này đã kéo dài từ năm 2011 đến nay, khi công ty ATS vay vốn của VP Bank có thế chấp bằng bất động sản nhưng sau đó không có khả năng trả nợ đầy đủ, đúng hạn. Hai bên đã từng ngồi lại tìm biện pháp tháo gỡ nhưng sau đó không thực hiện được. Năm 2013, NH kiện doanh nghiệp ra toà và đến nay vẫn chưa xử lý dứt điểm.

Tranh chấp giữa VP Bank và ATS chỉ là một trong những ví dụ điển hình về sự bế tắc trong đoạn trường xử lý nợ xấu mà hầu như không nhà băng nào không phải đối mặt trong những năm qua. Phó GS Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng Viện NH – Tài chính trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội, cho biết để nghiên cứu giải pháp xử lý nợ xấu theo đặt hàng của Chính phủ, ông từng tham gia rất sâu vào quá trình đòi nợ của một số NH và nhận thấy có nhiều trường hợp, chủ nợ cảm thấy bất lực.

{keywords}

Cầm chắc tài sản đảm bảo trong tay nhưng ngân hàng muốn cưỡng chế đòi nợ hoặc phát mãi lại hết sức gian nan. Ảnh minh hoạ

Cụ thể, khi làm thủ tục phát mại tài sản là nhà đất của một khách nợ cả trăm tỉ đồng đã chuyển thành nợ xấu, con nợ khuân về két sắt chuyên dụng cao gần đầu người để giữa nhà, tuyên bố đầy thách thức rằng trong đó có rất nhiều tiền bạc và tài sản có giá trị. Theo luật bất thành văn, NH chỉ được siết nhà, không được đụng đến tài sản trong két sắt. Phía NH phải chùn tay vì lo con nợ sẽ tung tin bị mất tiền, tài sản trong két sắt khi NH vào tịch biên nhà.

Một luật sư nêu ví dụ về trường hợp khác, NH nhận được sự hỗ trợ của công an phường đến cưỡng chế và bỗng nhiên thấy con nợ mở quán trà đá trước cửa. Con nợ trình bày đang tạm kiếm kế sinh nhai mới để có thu nhập trả nợ 3 triệu đồng/tháng. Khi nào công việc kinh doanh chính thuận lợi sẽ trả đầy đủ, đúng hạn cả vốn và lãi theo tiến độ hợp đồng tín dụng và mong được sự hợp tác của ngân hàng. Không những vậy, chủ nhà còn kéo cả bố mẹ già, một số cháu chắt về sinh sống trong ngôi nhà thế chấp để gây áp lực, không đồng ý bàn giao nhà thế chấp cho NH phát mãi.

NH ngậm đắng nuốt cay

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch công ty Luật Basico, từng gắn bó với hoạt động pháp chế NH gần 20 năm qua, cho biết chưa bao giờ ông thấy hệ thống NH lâm vào cảnh bế tắc trong xử lý nợ xấu như hiện nay. Theo quy định, NH cho vay tối đa 70% giá trị tài sản bảo đảm. Giá trị tài sản cũng chỉ được định giá bằng khoảng 70% giá thị trường.

Về lý thuyết, khi khách hàng không trả được nợ, với tài sản bảo đảm, NH hoàn toàn có thể thu hồi được nợ mà không bị mất vốn. Nhưng trong thực tế, NH cầm chắc tài sản trong tay không có nghĩa là đã “nắm đằng chuôi” vì gặp phải sự chống đối của khách hàng trong khi hành lang pháp lý có lỗ hổng, không bảo vệ quyền của bên cho vay.

Về nguyên tắc, NH được phép thực hiện quyền xử lý tài sản bảo đảm theo ý chí của mình với điều kiện không trái các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, không lạm dùng quyền gây thiệt hại cho người khác. Nhưng quá trình này vướng nhiều điều khoản trong Luật bảo vệ thông tin người tiêu dùng và điều khoản bảo mật thông tin trong Luật các tổ chức tín dụng. Bộ luật dân sự 2015 sắp có hiệu lực (từ 1-1-2017) cũng chưa đề cập cụ thể về việc thu giữ tài sản bảo đảm để gỡ nút thắt cho xử lý nợ xấu. “Người làm NH có câu đứng cho vay, quỳ thu nợ. Nhưng bây giờ chấp nhận quỳ cũng khó mà thu được” - luật sư Trương Thanh Đức nói.

C46 sẽ hỗ trợ NH thu nợ

Trong một hội thảo gần đây do NH Nhà nước phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức, ông Nguyễn Trọng Long, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế và tham nhũng (C46), cho biết sẽ tích cực phối hợp với NH đẩy nhanh tốc độ thu hồi nợ xấu.

Cụ thể, những khách hàng rơi vào nợ nhóm 4 vẫn có nguồn thu, có nhà lầu xe hơi nhưng không hợp tác với NH để xử lý tài sản bảo đảm, luật đã quy định tội danh. Do đó, NH cần lập danh sách những khách hàng thuộc diện này, thông báo cho cơ quan điều tra để phối hợp. Đối với các NH có tài sản đảm bảo nằm trong các vụ án cơ quan điều tra đang kê biên cũng nên gửi công văn để C46 phối hợp xử lý tài sản đảm bảo, thu hồi nợ xấu.

(Theo NLĐ)