Nhiều đại gia thủy sản lao đao sau một thời tung ngàn tỷ với tham vọng trở thành ông trùm. Có những DN sau kiểm toán từ lãi chuyển qua lỗ hàng trăm tỷ, nhiều ông lớn gánh khoản nợ cả ngàn tỷ đồng.

Dồn dập gặp khó

CTCP Hùng Vương (HVG) của ông Dương Ngọc Minh vừa có báo cáo giải trình giải trình các số liệu trên báo cáo tài chính kiểm toán năm tài chính 2016-2017 (kết thúc vào 30/9 năm sau). Theo đó, lỗ sau kiểm toán tăng gấp hơn 10 lần, lên trên 700 tỷ đồng, là do doanh thu tại một số doanh nghiệp con, doanh nghiệp liên kết giảm, trong khi đó giá vốn, chi phí, trích lập dự phòng, chênh lệch tỷ giá,... tăng mạnh.

Theo HVG, doanh thu tại AGF giảm mạnh hàng trăm tỷ, trong khi giá vốn tăng do trích lập dự phòng tăng vọt. Tại Thực Phẩm Sao Ta (FMC), doanh thu hoạt động tài chính giảm do cấn trừ chênh lệch tỷ giá...

{keywords}
 

Ảnh hưởng lớn nhất chính là chi phí quản lý HVG tăng hơn 540 tỷ đồng do điều chỉnh tăng dự phòng tại công ty mạ và tại Thủy sản An Giang (AGF), dự phòng Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng.

Đây đều đã là hoặc đã từng là những công ty con và công ty liên kết của Thủy sản Hùng Vương của ông trùm thủy sản một thời Dương Ngọc Minh.

Từ một ông trùm trong ngành cá tra với hàng loạt vụ thâu tóm khủng trong ngành thủy sản, Thủy sản Hùng Vương giờ ngập trong thua lỗ và nợ lần. Lỗ lũy kế của doanh nghiệp này đã lên tới hơn 420 tỷ đồng. Hùng Vương của ông Dương Ngọc Minh phải bán nhiều tài sản để trả nợ.

Không chỉ Hùng Vương, nhiều doanh nghiệp thủy sản khác cũng gặp khó khăn trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, xuất khẩu tăng đột biến trong năm 2017. Từ một doanh nghiệp ăn nên làm ra, Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng (VTF) bỗng dưng gặp khó dưới thời Hùng Vương.

Sau một thời kỳ hoàng kim với thị phần chi phối trong thị trường thức chăn nuôi thủy sản tại ĐBSCL, Việt Thắng cũng chìm trong nợ ngắn và dài hạn. Nợ của VTF tăng gấp 5-6 lần so với khoảng 3 năm trước đó. Số nợ đã gấp đôi vốn chủ sở hữu. bức tranh tài chính của VTF sau khi về với Hùng Vương trở nên u ám với hàng loạt dự án đầu tư lớn bằng tiền vay ngân hàng nhưng đang dở dang như: Long An, Sa Đéc - Lai Vung và Trại Heo An Giang và Bình Định.

Thủy sản An Giang - Agifish (AGF) tiếp tục kinh doanh bết bát với kết quả kinh doanh 2016-2017 (niên độ kết thúc 30/9/2017) sau kiểm toán chuyển từ lãi sang lỗ nặng, lỗ ròng gần 190 tỷ đồng. Doanh số bán hàng giảm hơn 30% so với cùng kỳ, trong khi chi phí quản lý quá lớn.

Đa số các doanh nghiệp ngành thủy sản chứng kiến một năm 2017 không mấy sáng sủa với doanh thu thấp và lãi giảm trong phần lớn thời gian của năm. Thống kê nửa đầu năm cho thấy, những gương mặt nổi bật như ABT, VHC, AGF, ICF, CMX,... đều báo lãi giảm so với cùng kỳ.

Ngược chiều kinh tế

Hầu hết các cổ phiếu thủy sản đều giảm hoặc tăng chậm hơn rất nhiều so với tốc độ tăng chung trên thị trường chứng khoán. Cổ phiếu HVG của Thủy sản Hùng Vương gần đây chứng kiến nhiều phiên giảm liên tiếp, trong đó có 3 phiên giảm sản, mỗi phiên giảm gần 7% và hiện đã xuống 7.400 đồng/cp.

{keywords}
 

AGF gần đây cũng liên tục giảm giá và chỉ còn 8.200 đồng/cp; Thủy sản Sao Mai (ASM) lình xình ở mức 11.000 đồng/cp; Thủy sản Ngô Quyền (NGC) thường xuyên không có giao dịch và hiện ở mức 8.800 đồng/cp.

Biến động tiêu cực của nhóm cổ phiếu thủy sản là ngược chiều với xu hướng chung trên thị trường chứng khoán và tình hình xuất khẩu ấn tượng của nền kinh tế nói chung và ngành thủy sản nói riêng.

Tổng kim ngạch xuất khẩu 2017 đạt khoảng 215 tỷ USD, tăng 21% so với năm trước. Xuất khẩu thủy sản đạt kỷ lục trên 8,3 tỷ USD, tăng khoảng 19%. Trong đó, xuất khẩu mặt hàng tôm tăng trên 21% (đạt 3,8 tỷ USD).

Nghịch lý giá cổ phiếu đi xuống, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trái ngược với tình hình tăng trưởng xuất khẩu chung của ngành thủy sản là do giới đầu tư lo ngại về triển vọng của doanh nghiệp trong ngành.

Đại diện một CTCK tại TP.HCM cho biết, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực thủy sản tiềm ẩn rủi ro lớn do ảnh hưởng của những biến động bất lợi trong ngành và cơ cấu vốn không hợp lý, với phần đi vay quá lớn.

Trường hợp Thủy sản Hùng Vương của ông Dương Ngọc Minh là một ví dụ, từ vị thế ông “vua cá tra” giờ đang gánh khoản nợ lên tới gần 11,4 ngàn tỷ đồng, trong đó  nợ ngắn hạn lên tới gần 10,7 ngàn tỷ, cao hơn rất nhiều so với vốn chủ sở hữu chưa tới 2,5 ngàn tỷ đồng. Vay nợ lớn, chi phí lãi vay và quản lý lớn đã khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Trên thị trường, chỉ một vài doanh nghiệp thủy sản duy trì được sức mạnh như Thủy sản Minh Phú. Tuy nhiên, doanh nghiệp lớn của bà Chu Thị Bình và ông Lê Văn Quang vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn do thị trường xuất khẩu thủy sản luôn biến động.

Trong vài năm gần đây, Mỹ và các nước châu Âu (hai thị trường nhập khẩu thủy sản chính của Việt Nam) còn liên tục đưa ra các chính sách bảo hộ, áp thuế nhập khẩu đối với các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam. Hàng loạt biến động bất lợi khiến các doanh nghiệp luôn trong tình trạng bị động và gặp rất nhiều khó khăn.

Với một khối nợ khổng lồ trên vai và “sống” trong tình trạng xuất khẩu bấp bênh, triển vọng của nhiều doanh nghiệp thủy sản được xem là không mấy sáng sủa, thậm chí còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

M. Hà