Tăng giá giữa biến động

Liên tục trong 10 phiên qua, cổ phiếu SHB có 8 phiên tăng điểm, trong đó có 4 phiên tăng trần (mỗi phiên khoảng +10%) và nhiều các phiên tăng 6-7%. Riêng tuần qua, SHB đã tăng với tổng giá trị hơn 52%. Tính từ đầu tháng 2/2020 tới nay, SHB đã tăng 100% từ mức 6.000 đồng/cp lên 12.000 đồng/cp.

Giao dịch của cổ phiếu này cũng sôi động với khối lượng khớp lệnh rất lớn, lên tới hàng chục triệu đơn vị, trị giá hàng trăm tỷ đồng mỗi phiên. Không chỉ SHB, hàng loạt cổ phiếu ngân hàng dường như cũng “miễn nhiễm” với tác động tiêu cực của dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 và tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam.

{keywords}
Dòng tiền dồn dập đổ vào nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Trong khi VN-Index lùi từ mức 990 điểm về 890 điểm vì Covid-19 thì cổ phiếu Ngân hàng Vietinbank (CTG) tăng từ mức 21.000 đồng hồi đầu tháng 1/2020 lên mức 26.500 đồng/cp như hiện tại.

Cổ phiếu Sacombank (STB) của ông Dương Công Minh cũng đi ngược xu hướng chung trên TTCK, tăng từ mức 10.000 đồng hồi đầu tháng 1 lên mức 12.500 đồng/cp như hiện tại, tương đương mức tăng 25%.

Cổ phiếu VPBank (VPB) của ông Ngô Chí Dũng cũng tăng giá khá ấn tượng, từ mức 20.000 đồng hồi đầu tháng 1 lên 27.150 đồng/cp như hiện tại. Mức tăng giá là gần 36%.

Hàng loạt cổ phiếu các ngân hàng khác như Vietcombank (VCB), BIDV (BID), Ngân hàng Á Châu (ACB), Techcombank (TCB), MBBank (MBB), HDBank (HDB)... đều ghi nhận mức tăng trưởng ít nhiều.

Thông thường, xu hướng chung của thị trường sẽ có sức ảnh hưởng mạnh đến biến động giá của các cổ phiếu riêng lẻ. Tuy nhiên, dòng tiền vẫn liên tục vận động và có xu hướng tìm đến các cổ phiếu có triển vọng tốt. Trên thực tế, kể cả khi khủng hoảng, vẫn vẫn có khoảng 10% cổ phiếu đủ sức chống chọi và lội ngược dòng thị trường. Trong dịch Covid-19, lần này, nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng nằm trong 10% trên.

Lợi nhuận thực chất, trụ đỡ cho thị trường

Cổ phiếu ngân hàng tăng cao và đi ngược xu hướng giảm chung trên thị trường là bởi sức “đề kháng” mạnh của nhóm cổ phiếu này. Dòng tiền vẫn đang tìm đến nhóm cổ phiếu ngân hàng và đây chính là trụ đỡ cho TTCK. Sau nhiều năm tái cấu trúc, các ngân hàng đang bước vào một thời kỳ tăng trưởng ổn định với lợi nhuận cao và triển vọng tốt khi gánh nặng nợ xấu đã giảm.

Năm 2019, SHB đạt lợi nhuận đạt 3.077 tỷ đồng, ROE đạt 17,56%, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đạt 11,7%. Tính đến 31/12/2019, tổng tài sản của SHB đạt 366 ngàn tỷ đồng, tăng 13,5% so với cuối năm 2018. Vốn điều lệ đạt 14.551 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh về mức 1,8%. Hiện SHB là Top 5 các ngân hàng TMCP tư nhân lớn nhất Việt Nam, xét về quy mô và thị phần khách hàng.

{keywords}
Cổ phiếu ngân hàng, bệ đỡ cho khối tài sản 150 tỷ USD

Năm 2019, SHB cũng mua lại 5.773 tỷ đồng trái phiếu VAMC trước thời hạn và trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ 100%. Từ đó, SHB có đủ điều kiện để chia cổ tức theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), với tỷ lệ 20,9% của 2017 và 2018 theo chấp thuận của NHNN cuối năm 2019.

Trước đó, SHB đã hoàn tất phát hành hơn 250 triệu cổ phiếu trả cổ tức năm 2017 và 2018. Số lượng cổ phiếu này dự kiến sẽ được giao dịch trong tháng 3, nâng tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành từ hơn 1,2 tỷ cổ phiếu lên hơn 1,45 tỷ cổ phiếu, tương đương vốn điều lệ 14.546 tỷ đồng. SHB cũng có phương án phát hành 300,78 triệu cổ phiếu ưu đãi cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 4:1. Trong tổng số hơn 5.500 tỷ đồng vốn điều lệ tăng thêm.

Cổ phiếu VPBank tăng mạnh sau khi ngân hàng này hoàn thành 3 trụ cột Basel II và cũng như SHB hay một số ngân hàng tư nhân khác được kỳ vọng là 1 trong 2 các ngân hàng được phép nới room ngoại lên 49% theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục dẫn dắt thị trường còn là bởi kỳ vọng việc đáp ứng chuẩn Basel II sẽ giúp các ngân hàng này có điều kiện đẩy mạnh tín dụng để tiếp tục đạt lợi nhuận cao trong năm nay. Hai ông lớn, Vietinbank cùng Vietcombank dự kiến sẽ được dành khoảng 10 ngàn tỷ đồng để tăng thêm vốn điều lệ. Điều này sẽ giúp Vietinbank sớm được công nhận đáp ứng chuẩn Basel II.

Với BIDV, tăng được vốn nhờ phát hành cổ phiếu cho KEB Hana Bank, giúp ngân hàng có điều kiện để tăng trưởng tín dụng, cải thiện lợi nhuận trong năm 2020.

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB) có lợi nhuận trước thuế hợp nhất lũy kế năm 2019 đạt 4.082 tỷ đồng, tăng trưởng 49%. Lợi nhuận trên vốn (ROE) ở mức 27,1%. Tính đến ngày 31/12/2019, tổng tài sản VIB gần 185.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu giảm từ 2,2% đầu năm xuống còn 1,7% và không có nợ VAMC. Trong 2019, VIB đã công bố hoàn thành cả ba trụ cột Basel II, sớm hơn một năm so với quy định của Ngân hàng Nhà nước. Đây là một trong hai ngân hàng được công nhận cho áp dụng sớm Basel II từ ngày 1/1/2019.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng cho rằng, chưa bao giờ lợi nhuận ngành ngân hàng lại thực chất như thế. Lợi nhuận đến từ việc thu hồi từ xử lý nợ xấu; tăng cường quản trị, ứng dụng công nghệ làm giảm chi phí hoạt động. Đặc biệt, các ngân hàng đã gia tăng dịch vụ, đẩy mạnh cho vay tiêu dùng.

Đại diện SHB cho biết, NH này cũng đang triển khai chiến lược hiện đại hóa hướng tới NH số với các nhà tư vấn chiến lược hàng đầu thế giới thông qua với các ban chiến lược phát triển trực tiếp nhận lệnh từ lãnh đạo cao nhất.

Theo nhóm nghiên cứu tại Công ty Chứng khoán SSI, dịch bệnh sẽ tác động tiêu cực trong ngắn hạn đối với ngành ngân hàng. Dù vậy, SSI cho rằng, triển vọng của ngành ngân hàng năm 2020 nói chung vẫn là tích cực.

Đại diện PSI cho rằng, cổ phiếu NH vẫn hấp dẫn NĐT trong ngắn, trung và dài hạn nhờ vào tiềm năng tăng trưởng của nhóm này trong bối cảnh chung của thị trường và nền kinh tế Việt Nam. Ngân hàng cũng chính là nhóm ngành phù hợp với phương pháp đầu tư giá trị và đó là yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức chuyên nghiệp trong thời gian tới.

V. Hà