Liên quan cổ phần hóa Tổng công ty Sông Đà, Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính đề nghị giảm tỷ lệ vốn nhà nước tại Tổng công ty Sông Đà từ 49% vốn điều lệ trở xuống. Thế nhưng Bộ Xây dựng vẫn muốn được duy trì tỷ lệ nắm giữ 51%.

Hiện phương án cổ phần hóa Tổng công ty Sông Đà đang được gấp rút xây dựng. Một điểm quan trọng là sau cổ phần hóa, Nhà nước sẽ nắm giữ bao nhiêu vốn tại Tổng công ty Sông Đà?

Tham gia góp ý về vấn đề này, Bộ Tài chính mạnh dạn đề nghị tỷ lệ nắm giữ vốn nhà nước từ 49% vốn điều lệ trở xuống trong cơ cấu phát hành cổ phần lần đầu. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đề nghị chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại Tổng công ty Sông Đà về Tổng công ty đầu tư kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thuộc Bộ Tài chính.

{keywords}
Tổng công ty Sông Đà từng được nâng cấp lên Tập đoàn Sông Đà.

Trong khi đó, Bộ KH-ĐT còn đề xuất một phương án dứt khoát hơn. Đó là bán toàn bộ phần vốn nhà nước ở Tổng công ty Sông Đà. Trường hợp không bán hết cổ phần, Bộ Xây dựng điều chỉnh lại cơ cấu vốn điều lệ, tiếp tục thoái vốn theo lộ trình và tiến tới thoái toàn bộ vốn nhà nước.

Ngoài ra, Bộ này đề nghị Bộ Xây dựng là cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với phần vốn nhà nước tại Tổng công ty Sông Đà - CTCP từ khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cổ phần hóa lần đầu đến khi quyết toán cổ phần hóa và bàn giao cho công ty cổ phần. Sau đó, Bộ KH-ĐT cũng đồng điểm với Bộ Tài chính trong việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu đối với phần vốn nhà nước tại Tổng công ty Sông Đà sang SCIC.

Tuy nhiên, Bộ Xây dựng lại có quan điểm hoàn toàn ngược lại.

Theo tin từ đại diện Bộ Xây dựng, Tổng công ty Sông Đà là một doanh nghiệp có quy mô lớn, đứng đầu thị trường xây dựng, lắp đặt trong một số lĩnh vực (EPC, thủy điện, công trình hầm, ngầm,... ), đặc biệt, Sông Đà đang phối hợp cùng với Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) thực hiện đồng bộ xây dựng và gia công, lắp đặt thiết bị tại các công trình lớn, công trình trọng điểm quốc gia về thủy điện, nhiệt điện, như: Thuỷ điện Hòa Bình, Thủy điện Lai Châu, Thủy điện Sơn La, Nhiệt điện Sông Hậu, hoặc một số dự án lớn tới đây (mở rộng Thủy điện Hòa Bình, Thủy điện Yaly,... ).

Hiện Tổng công ty Sông Đà đang chiếm 85% thị phần trong nước về thủy điện và mở rộng tham gia các dự án thủy điện của Lào, tham gia đấu thầu quốc tế, vừa sản xuất kinh doanh vừa góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Đại diện Bộ Xây dựng lý giải thêm: Tổng công ty Sông Đà đang nắm giữ khối lượng tài sản, vốn nhà nước lớn, số lượng lao động gần 20.000 người. Trong suốt quá trình thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia, nhất là các công trình thủy điện, tổng công ty đã phải huy động, đầu tư rất lớn về nguồn nhân lực, tài sản thiết bị đảm bảo tiến độ thi công theo yêu cầu của Chính phủ.

Do đó, tổng công ty còn có nhiệm vụ quan trọng là phải quan tâm, chỉ đạo giải quyết lao động “hậu Sông Đà”; đồng thời khai thác, sử dụng và thu hồi vốn từ tài sản, thiết bị máy móc đã đầu tư để thi công các công trình lớn.

Chính vì vậy, đại diện Bộ Xây dựng đã đề nghị Thủ tướng cho phép tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ là 51% vốn điều lệ tại công ty mẹ khi cổ phần hóa đến hết năm 2019. Năm 2020, điều chỉnh tỷ lệ vốn này xuống còn dưới 50% theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

L.Bằng