Đại hội cổ đông thường niên lần thứ 35 của Eximbank, tổ chức lần thứ 3 trong năm 2019 của Eximbank, đã đạt đủ số lượng cổ đông theo quy định. Theo đó, có đến 230 cổ đông tham gia, đại diện cho 94,03% số cổ phần có quyền biểu quyết.

Tuy nhiên, khi bỏ phiếu thông qua Quy chế tiến hành họp Đại hội của Eximbank, chỉ 39,85% cổ đông đồng ý thông qua quy chế, trong khi có đến 55,09% không đồng ý. Điều này đồng nghĩa với việc Đại hội cổ đông lần thứ 2 trong năm không thể diễn ra (trước đó không tổ chức được vì không đủ tỷ lệ cổ đông tham dự).

{keywords}
Cổ đông không thông qua Quy chế họp ĐHCĐ

Ông Trần Ngọc Dũng, Trưởng ban Kiểm soát, sau đó xin ý kiến cổ đông, đề nghị chỉ ra những gì không đồng ý để sửa lại để đại hội được phép diễn ra. Một số cổ đông cho rằng cần xem xét bầu lại chủ tọa Đoàn vì mỗi lần tổ chức đại hội rất khó.

Đại diện của SMBC, cổ đông Nhật Bản, bình luận, tỷ lệ này cho thấy đại hội không có sự tin tưởng với chủ tọa đoàn. Tuy nhiên, đại diện SMBC vẫn ủng hộ tiến hành đại hội với điều kiện cho phép cổ đông quyền bầu lại vị trí Chủ tịch (mà vị trí thích hợp là Phó Chủ tịch), cho phép cổ đông kiến nghị chương trình họp. “Trước đó, SMBC kiến nghị 3 lần nhưng chưa được chấp nhận”, đại diện SMBC cho biết.

{keywords}
 Cổ đông liên tục “cướp” diễn đàn

Ông Nguyễn Cảnh Vinh, quyền Tổng Giám đốc Eximbank vừa được bổ nhiệm hồi tháng 5, cho hay, theo thể thức tiến hành ĐHCĐ, các ý kiến muốn thay đổi nội dung đại hội phải được trình 3 ngày trước khi diễn ra Đại hội, hoặc phải được 100% cổ đông tham gia đồng ý.

Nhiều tranh cãi nảy lửa cũng diễn ra ngay từ đầu buổi họp, trong đó có các ý kiến trái chiều về tính hợp pháp của vị trí Chủ tịch HĐQT, nhiều ý kiến đòi phải bầu đại diện khác lên thay.

Theo ông Đặng Anh Mai, Phó Chủ tịch HĐQT, ông và ông Hoàng Tuấn Khải (thành viên HĐQT) đã triệu tập cuộc họp HĐQT vào ngày 15/5. Tuy nhiên, Nghị quyết 231 được ban hành, ký bởi ông Lê Minh Quốc (giữ chức danh Chủ tịch HĐQT) khi cuộc họp chưa có biên bản và chữ ký của các thành viên tham gia. Nghị quyết này có nội dung chấm dứt Nghị quyết 112 ban hành ngày 22/3, vốn là để bãi nhiệm chính ông Quốc.

{keywords}
Ông Nguyễn Chấn nêu tâm tư, các mâu thuẫn

“Quyết định 112 tiếp tục có hiệu lực từ 14/5 nên ông Quốc không có thẩm quyền ký Nghị quyết 231, trái quy định của pháp luật và Eximbank”, ông Mai nói. Sau đó, cuộc họp ngày 20/5 đã bầu Chủ tịch mới là ông Cao Xuân Ninh, bổ nhiệm Tổng Giám đốc.

Cũng theo ông Mai, cơ quan giám sát của Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu rà soát lại các văn bản đã ban hành. Ngày 20/6, HĐQT đã tiến hành cuộc họp rà soát lại các văn bản này, có đến 6/8 thành viên HĐQT tham gia đánh giá Nghị quyết 231 là nghị quyết hợp lệ và nhất quán.

Đáng chú ý, tại đại hội cổ đông, ông Nguyễn Chấn, chồng bà Tư Hường (đã mất), đứng lên nêu những mâu thuẫn, tranh chấp nội bộ của tập đoàn gia đình Hoàn Cầu. Đại diện ông Chấn đề nghị phong tỏa, ngăn chặn quyền của một nhóm cổ đông lớn có liên quan đến con trai Nguyễn Quốc Toàn, ngân hàng Nam Á.

{keywords}
Ông Cao Xuân Ninh hiện ngồi ở ghế Chủ tọa đoàn, vị trí có nhiều tranh cãi.

Nội dung phát biểu không chỉ nói về những mâu thuẫn nội bộ gia đình, mà còn liệt kê nhóm cổ đông lớn này nắm giữ số cổ phần là bao nhiêu trong ngân hàng Eximbank. Nhiều cổ đông đứng lên phản đối đòi chấm dứt bài phát biểu.

“Đây là trách nhiệm của cơ quan chức năng, HĐQT không có thẩm quyền xử lý nhưng sẽ hợp tác với cơ quan chức năng khi cần thiết. Tỷ lệ sở hữu không rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của cổ đông đang ngồi đây”, ông Nguyễn Cảnh Vinh phản hồi.

Dù cổ đông phát biểu rất nhiều, nhưng Đại hội cổ đông Eximbank lần 2 vẫn không thể thực hiện được.

“Chúng tôi chia sẻ ý kiến đóng góp của cổ đông và sẽ sửa đổi trong thời gian tới nhằm thay đổi quản trị điều hành của Eximbank cũng như tăng cường đoàn kết, trở lại vị trí vốn có của ngân hàng. Tỷ lệ bầu không phản ánh đúng quyền của cổ đông, không đủ tỉ lệ phiếu để thông qua quy chế tiến hành đại hội. Việc này rất đáng tiếc. Ngân hàng sẽ tổ chức vào thời gian thích hợp theo đúng quy định pháp luật” ông Cao Xuân Ninh kết luận.

Dũng Nguyễn