Giao dịch “ngoài luồng” thường gọn, lẹ

Dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đến việc làm, thu nhập của người dân trên toàn thế giới nhưng kiều hối về TPHCM vẫn tăng đáng kể, đặc biệt là cuối năm. Đây là dịp các dịch vụ nhận chuyển tiền từ nước ngoài về hoạt động xôm tụ nhất. 

{keywords}
Chuyển tiền qua kênh chính thống thường qua nhiều thủ tục nhưng rất an toàn

Đại diện Vụ Quản lý ngoại hối, Ngân hàng (NH) Nhà nước Việt Nam cho hay, hiện kiều hối chuyển về Việt Nam qua bốn kênh: các NH thương mại (chiếm đến 72,6%), tổ chức kinh tế, hải quan và bưu điện. Các hình thức chuyển chui không được thống kê, hoạt động ngầm với lưu lượng khó đong đếm.

Chị Tina Nguyễn - định cư ở Singapore - cho biết để gửi tiền về cho người thân ở Việt Nam, chị phải di chuyển khá xa mới tìm được ngân hàng có chi nhánh ở quê để gửi. “Trước đây, mình chỉ chuyển 2.000 USD nhưng người nhà phải mất mấy ngày mới nhận được. Sau này, có người giới thiệu các dịch vụ không chính thức (chợ đen), mình chỉ thông báo số tiền cần gửi, sẽ có người ở Việt Nam mang tiền đến tận nhà người thân. Khi gia đình báo tin đã nhận, ở bên này, mình mới giao tiền, mức phí tương tự NH nhưng không phải mất nhiều thời gian đi lại, làm thủ tục” - chị Tina Nguyễn kể.

Chị Thu Trang - quê tỉnh Sóc Trăng - có người thân ở nước ngoài muốn chuyển về 200.000 USD để xây nhà cho cha mẹ, nhưng không chứng minh được nhiều thứ mà NH yêu cầu. Chị đành chọn kênh không chính thống dù số tiền lớn, người thân của chị phải chia thành nhiều lần gửi.

Ở chiều ngược lại, dịch vụ chuyển tiền ra nước ngoài qua kênh “chợ đen” cũng sôi động không kém. Qua Zalo và Facebook, chúng tôi làm quen với A. - người tự giới thiệu chuyên nhận chuyển tiền sang Mỹ. A. cho hay, chỉ cần cung cấp địa chỉ bên nhận và cách thức, A. sẽ liên lạc và chuyển tiền. Khi bên nhận thông báo đã nhận được tiền thì bên chuyển mới chuyển tiền cho A. và chịu mức phí từ 1 - 1,5% trên lượng tiền gửi. 

“Tôi được người quen mách nước chuyển tiền qua công ty xuất nhập khẩu. Các công ty này thường có hạn mức về ngoại tệ để trả tiền mua nguyên liệu ở nước ngoài. Khi cần, tôi sẽ đưa tiền cho công ty tại Việt Nam và trả thêm phí” - chị Trúc Chi, trú tại TP.Thủ Đức, chia sẻ về cách chị chuyển tiền cho con đang du học ở Mỹ.

Để kiểm nghiệm việc chuyển tiền qua kênh chính thống, chúng tôi đến một NH thương mại với lý do muốn chuyển cho người bạn đang mắc kẹt ở nước ngoài do COVID-19. NH yêu cầu phải cung cấp rất nhiều thông tin về người nhận, thậm chí cả giấy khám sức khỏe; người chuyển tiền cũng phải chứng minh nguồn gốc tiền này là hợp pháp. 

Theo chuyên gia tài chính NH, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, ngoài mất thời gian và rườm rà thủ tục, không linh hoạt, việc chuyển/nhận tiền qua NH còn tốn lệ phí khá cao, tối thiểu 60 - 70 USD/lần. Do đó, trong trường hợp muốn chuyển số tiền vài trăm USD, người ta thường không chọn chuyển qua NH.

Rủi ro rập rình

Hiện nhiều công ty có dịch vụ chuyển tiền nhanh, hoạt động 24/7, hoặc chuyển tiền online (không cần phải đến đại lý) với mức phí rẻ hơn khá nhiều so với NH. Tuy nhiên, với dịch vụ này, người gửi không thể kiểm tra hay theo dõi giao dịch thanh toán của mình, từ đó tạo cơ hội cho các hoạt động gian lận. 

Những hạn chế của dịch vụ chuyển/nhận tiền hợp pháp đã khiến nhiều người chọn dịch vụ “chợ đen” vì tiện lợi, mức phí hợp lý, nhưng cũng theo tiến sĩ Hiếu, hình thức chuyển tiền này chủ yếu dựa vào niềm tin nên ẩn chứa nhiều rủi ro. Rất nhiều trường hợp mất tiền đã xảy ra mà người mất không thể đòi lại được. Sự mập mờ về tỷ giá và thời gian chuyển tiền, cơ chế bảo mật lỏng lẻo cũng là những cái dở của dịch vụ chuyển tiền “chợ đen”.

Giám đốc một NH thương mại ở Q.3, TP.HCM còn cảnh báo về trường hợp cơ quan chức năng của quốc gia nơi tiền được chuyển đến tịch thu tiền, ngừng cấp visa nếu họ cho rằng đó là tiền bất hợp pháp, có dính líu đến tổ chức tội phạm. 

(Theo Báo Phụ Nữ TP.HCM)