Nếu như cho vay lãi nặng theo kiểu “truyền thống”, một kẻ cho vay chỉ hoạt động ở một khu vực nhất định thì cho vay qua app có thể tiếp cận “con mồi” ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước.

Cặp vợ chồng cho nhiều người vay nặng lãi lấy tiền xài

Mới đây, Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an TP Hồ Chí Minh vừa triệt phá băng nhóm cho vay lãi nặng qua app với lãi suất lên đến 90%/tháng. Chỉ trong vòng chưa đầy 6 tháng hoạt động, đường dây này đã có đến 60.000 khách hàng ở 63 tỉnh, thành; tức bình quân hơn 330 người vay qua app mỗi ngày. Nhưng đây chỉ là một băng nhóm, trong khi đó, chỉ cần lướt mạng đã có vô số app cho vay tiền xuất hiện với những lời mời gọi đường mật, thủ tục đơn giản, có tiền ngay… đã làm xiêu lòng rất đông người đang túng thiếu…

{keywords}
5 đối tượng bị khởi tố trong băng nhóm của Li và Miao.

Những kẻ giấu mặt ở bên kia biên giới

Theo lãnh đạo Phòng CSHS Công an TP Hồ Chí Minh, hầu hết các đối tượng cầm đầu băng nhóm cho vay lãi suất “cắt cổ” qua app đều ở Trung Quốc và điều hành nhân viên của công ty ở Việt Nam qua điện thoại. Ngay cả máy chủ thu nhận thông tin người vay cũng đặt ở nước ngoài. Vì thuê người làm, mướn trụ sở để hoạt động nên khi gặp bất trắc các đối tượng này thường không bị hề hấn gì.

Như trong băng nhóm vừa bị triệt phá, hai đối tượng cho vay có tên là Li và Miao vẫn chưa lộ mặt. Li và Miao sang Việt Nam vào tháng 3/2019. Để thực hiện ý định hình thành app “tín dụng đen”, Li và Miao thuê 3 người Việt Nam là D.B.C, T.T.H và V.H.T đứng ra thành lập 3 công ty TNHH là V.F, B.T và Đ.P, trụ sở đặt tại số 148 đường 28 và số 88, đường 30, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân để có tư cách pháp nhân.    

Để thuận lợi trong việc chỉ đạo, Li và Miao thuê hai người đồng hương là Tu Long (SN 1992) và Yuan Dang Hui (SN 1993) làm quản lý với mức lương 35 triệu đồng/tháng. Hai đối tượng này có trách nhiệm quản lý nhân viên thẩm định hồ sơ và nhắc nợ, đòi nợ. Ở bộ phận phiên dịch Li và Miao thuê 3 người Việt Nam là Chề Ngọc Trinh (SN 1995; quê quán Định Quán, Đồng Nai) làm kế toán kiêm phiên dịch với mức lương 15 triệu đồng/tháng.

Còn Lâm Cẩm Quyền (SN 1990; ngụ quận 5, TP Hồ Chí Minh) và Lài Thế Hùng, SN 1994, ngụ quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) được thuê mới mức lương 10 triệu đồng/tháng để làm phiên dịch riêng cho Tu Long và Yuan Deng Hui. Ngoài ra, Quyền còn được giao thẩm duyệt hồ sơ cho vay và Hùng đảm nhận nhiệm vụ quản lý danh sách người vay đến hạn thanh toán để giao cho bộ phận nhắc, đòi nợ.

Chuẩn bị nhân sự xong, Li và Miao tạo ra các ứng dụng trên ĐTDĐ hệ điều hành Android để cho vay tiền mang tên “vaytocdo”, “Moreloan” và “VD online”. Các app này được quảng cáo trên internet, mạng facebook để người vay tự liên lạc với mức lãi suất cho vay là 3%/ngày, tức 90%/tháng. Tiền chi phí là 16%/8 ngày, mỗi ngày con nợ phải gánh thêm lãi suất hơn 2%. Tính ra tổng cộng tiền lãi là 5%/ngày, 150%/tháng.

{keywords}
Căn nhà nơi các đối tượng hoạt động cho vay lãi nặng.

Tương tự, một băng nhóm cho vay nặng lãi qua app bị Công an quận 2, TP Hồ Chí Minh triệt phá trong tháng 9/2019 cũng do các đối tượng người Trung Quốc điều hành. Kẻ giấu mặt này cũng đã thuê người Việt Nam thành lập 2 công ty rồi thuê 3 người Việt Nam và 6 người Trung Quốc (gồm Song Yu Jie, Yan Ze Feng, Han Chao, Zang jin Chen, Qian Ying Jie, Qian Liang Yo) điều hành đường dây. Hai công ty hoạt động kinh doanh từ ngày 9/5/2019 tại một căn hộ ở phường Bình Khánh, quận 2.

Nhưng do bị động, đến ngày 30/7, người chủ chuyển sang thuê một căn nhà ở khu phố 2, phường An Phú, quận 2 tiếp tục hoạt động cho đến khi bị cơ quan Công an phát hiện. Lãi suất mà hai công ty này cho vay cũng lên tới 4%/ngày, 120%/tháng. Nếu cộng cả tiền phí dịch vụ 24% trên số tiền vay trong 6 ngày thì lãi suất lên đến 8%/ngày, tức 240%/tháng.

Vòng xoáy app "đen"

App của công ty nào cũng vậy, khi khách hàng có nhu cầu vay thì ứng dụng sẽ yêu cầu người vay tạo 1 tài khoản bằng cách cung cấp thông tin cá nhân (hình ảnh, CMND, địa chỉ nhà, số tài khoản ngân hàng, số điện thoại người thân) và phải đồng ý cho ứng dụng truy cập danh bạ, dữ liệu trên máy ĐTDĐ.

Sau khi có thông tin thì nhân viên công ty sẽ điện thoại cho người vay để xác minh thông tin bằng các “câu hỏi nghiệp vụ” mà kẻ cho vay soạn sẵn. Sau đó, nhân viên này sẽ gọi lại cho thân nhân người vay để xác minh lại lần nữa trước khi quyết định có cho vay hay không. Nếu hồ sơ được thông qua thường trong vòng khoảng 30 phút là tài khoản người vay nhận được tiền.

Chính vì dễ dàng như vậy nên khi túng thiếu, cần giải quyết công việc đột xuất, nhiều người nghèo đã chấp nhận vay với suy nghĩ “cứ liều trước rồi tính sau”. Đến khi nhận tiền thì họ mới ngã ngửa vì bị trừ thêm phí dịch vụ bằng với cả lãi suất vay.

Cụ thể, vay qua ứng dụng “Vaytocdo” thì được vay tối thiểu là 1,7 triệu đồng và tối đa là 2,75 triệu đồng. Tuy nhiên, với mức vay 1,7 triệu đồng nhưng người vay chỉ nhận được 1,42 triệu đồng vì trừ phí dịch vu hết 272 ngàn đồng. 8 ngày sau, người vay phải trả vốn lẫn lãi là 2,04 triệu đồng. Tính ra người vay phải trả số tiền lãi là hơn 600 ngàn đồng chỉ sau 8 ngày vay.

Đó là chưa kể nếu trả chậm 1 ngày sẽ bị phạt 102 ngàn đồng. Vì vậy, người vay chỉ cần trễ hẹn trả 8 ngày là coi như số lãi đã bằng với vốn. Do bị đe dọa, lại sợ người thân, bạn bè, đồng nghiệp biết chuyện người vay chọn giải pháp theo gợi ý của kẻ đòi nợ là vay app khác trả cho app này.

Và mỗi lần vay như vậy thì lại càng lún sâu hơn trong nợ nần. Chị H, (ngụ quận Bình Thạnh) vay có 3 triệu đồng, đã trả đến 200 triệu đồng mà vẫn còn nợ hơn 100 triệu. Bà L, ở quận 8 vay 2,7 triệu đồng, đã trả 85 triệu, vẫn còn nợ hơn 30 triệu… Bế tắc, nghĩ quẩn, nhiều người còn chọn giải pháp tự tử để giải thoát, may mà có người nhà phát hiện kịp thời…

Ở chiều ngược lại, theo một điều tra viên Đội 4, Phòng CSHS Công an TP Hồ Chí Minh, rất nhiều người vay có ý định quỵt nợ ngay từ đầu. Bởi họ nghĩ cùng lắm thay sim điện thoại khác thế là xong. Tuy nhiên, do phía chủ nợ đã lấy được danh bạ, hình ảnh lưu trong điện thoại nên “theo nguyên tắc” nhân viên công ty này sẽ áp dụng “biện pháp mạnh” là gọi điện cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp người vay để chửi bới, dọa nạt tứ tung.

Đỉnh điểm nhất là dùng hình ảnh của người vay “quăng” lên mạng xã hội bêu rếu, thóa mạ. Nhiều người vì chịu không thấu buộc phải kiếm tiền trả, nhưng cũng không ít người vì đã lỡ mất hết sĩ diện nên tức giận “bùng” (quỵt nợ) luôn. Bên cạnh đó, cũng có một số thành phần nghiện ma túy, nghiện game dùng CMND giả, sim rác, đóng giả người thân người vay… lấy tiền tiêu xài và… “bùng”.

Chính vì vậy mà theo lời khai của hai quản lý Tu Long và  Yuan Dang Hui, số nợ bị quỵt cũng lên đến 20-30%. Họ cho rằng chính vì cho vay qua app đầy rủi ro như vậy nên phải lấy lãi suất cắt cổ thì mới có lời.

Theo cơ quan điều tra, với 6.000 hồ sơ vay trong 6 tháng đã tất toán, người cho vay đã thu 3,4 tỷ đồng tiền lãi. Với 60.000 hồ sơ, nếu tính bình quân sẽ kiếm được 34 tỷ đồng sau 6 tháng cho vay. Một khoản lãi kếch xù mà khó có ngành nghề kinh doanh chân chính nào làm ra được.

Trực tiếp tiếp tay cho kẻ giấu mặt ở nước ngoài “cắt cổ” các nạn nhân hầu hết đều là người Việt Nam. Bất ngờ hơn là với công việc có phần bất nhân, vô đạo đức đó nhưng họ lại nhận mức lương khá rẻ mạt là 6 triệu đồng/người/tháng. 30 người làm việc cho băng nhóm của Li và Miao có nhiệm vụ chửi bới để đòi nợ đa phần là phụ nữ và người đồng tính nam. Hàng ngày, họ phải dùng hết sức lực để la hét, mắng chửi với lời lẽ không thể tục tĩu hơn đối với người lớn tuổi hơn cả cha mẹ, ông bà mình. Họ chửi mãi dần dà thành thói quen, cứ có người nghe máy là chửi.

Bởi đó như là một thứ quyền năng để giúp họ đạt được mục đích, chứ cho vay qua app dạng này không sử dụng vũ lực để đòi nợ như kiểu cho vay lãi nặng “truyền thống” mà chỉ có chửi và chửi. Khi bị tạm giữ, nhiều người cảm thấy hổ thẹn vì làm cái nghề này. Nhưng cũng có người tỏ ra dửng dưng xem như là chuyện bình thường, ai thuê thì làm. Đơn giản hơn, họ nghĩ vì người bị chửi không biết họ là ai nên họ không có tội.

Trái ngược lại với số này, 8 người ở bộ phận xét duyệt hồ sơ vay tiền, khi liên lạc với người vay phải nói năng nhỏ nhẹ, mềm mỏng, thậm chí pha chút “đạo đức” để “ru ngủ” nạn nhân.  Họ “từ tốn” như vậy nhưng vẫn bị xem là có tội khi tiếp tay cho tội phạm. Còn người vay nợ cũng vậy, có người đáng thương nhưng cũng có người đáng trách khi tự mình “đưa cổ vào tròng”.

(Theo Cảnh sát toàn cầu)