Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa có báo cáo thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về việc đề nghị Quốc hội cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước.

Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, khai thác tài nguyên nước và đưa nội dung này vào Nghị quyết tại kỳ họp thứ 8.

Ủy ban Kinh tế nhận thấy, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định của Luật Khoáng sản và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo quy định của Luật Tài nguyên nước là khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước do cơ quan quản lý thuế thu “được gọi chung là thuế” theo quy định của các luật về quản lý thuế.

{keywords}
Chính phủ muốn miễn thu 5.000 tỷ do thiếu quy định.

Do đó, việc không thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (từ 1/7/2011 đến 31/12/2013 đối với khoáng sản và từ 1/1/2013 đến 31/8/2017 đối với tài nguyên nước) là một trong các “vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội” do Quốc hội quyết định theo quy định tại khoản 2 Điều 7 của Luật Tổ chức Quốc hội.

Do đó, Ủy ban Kinh tế tán thành với đề xuất của Chính phủ đề nghị Quốc hội đưa nội dung cho phép lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước vào “Nghị quyết kỳ họp” tương tự như việc Quốc hội quyết định các vấn đề có liên quan đến các khoản thu, nhiệm vụ chi hay bổ sung dự toán ngân sách.

Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc chậm ban hành hai Nghị định nêu trên là trái với quy định tại khoản 2 Điều 11 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nghị định 82 quy định thời điểm bắt đầu tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước là từ khi nghị định có hiệu lực cũng trái với quy định tại khoản 1 Điều 11 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và không phù hợp với Luật Tài nguyên nước vì khi Luật Tài nguyên nước có hiệu lực thì việc thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đã được xác lập trong mối quan hệ giữa Nhà nước và các tổ chức, cá nhân là đối tượng phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.

Việc quy định thời gian nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước bắt đầu từ khi Nghị định có hiệu lực đã làm mất hiệu lực của Luật với các đối tượng này trong giai đoạn từ khi Luật có hiệu lực đến khi Nghị định có hiệu lực (từ ngày 1/1/2013 đến ngày 1/9/2017).

Việc chậm ban hành hai nghị định nêu trên cũng đã làm cho các tổ chức, cá nhân được cấp quyền khai thác khoáng sản và tài nguyên nước không tính được số tiền để thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước và sẽ gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước gần 5.000 tỷ đồng nếu Quốc hội cho phép lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước.

“Đây là số tiền không nhỏ trong điều kiện ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn”, Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh.

Do đó, Ủy ban Kinh tế kiến nghị Quốc hội yêu cầu Chính phủ cần kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân trong việc chậm ban hành hai Nghị định nêu trên theo quy định tại Điều 7 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật  và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5-6/2020).

Trước đó, như VietNamNet đưa tin, Chính phủ vừa có tờ trình đề nghị Quốc hội cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước. Đồng thời, miễn thu trong khoảng thời gian chưa có nghị định hướng dẫn.

Lý do là 2 năm 6 tháng sau khi Luật Khoáng sản có hiệu lực, tháng 11/2013 Chính phủ mới ban hành Nghị định 203 quy định phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, có hiệu lực từ ngày 20/01/2014.

Và mãi tới 4 năm 8 tháng sau khi Luật tài nguyên nước có hiệu lực, ngày 17/7/2017, Chính phủ mới ban hành Nghị định số 82/2017/NĐ-CP quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.

Lương Bằng

Thiếu quy định không thu được tiền, Chính phủ muốn miễn 5.000 tỷ cho dân

Thiếu quy định không thu được tiền, Chính phủ muốn miễn 5.000 tỷ cho dân

Chính phủ vừa có tờ trình đề nghị Quốc hội cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước. Đồng thời miễn thu trong khoảng thời gian chưa có nghị định hướng dẫn.