Tại báo cáo này, Chính phủ đề ra mục tiêu thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên dự toán ngân sách nhà nước. Phấn đấu tiết kiệm 12% kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, họp, công tác phí, chi tiếp khách, khánh tiết, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm và tiết kiệm 15% chi đoàn ra, đoàn vào so với dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt...

Chính phủ đảm bảo 100% các dự án đầu tư công có đầy đủ thủ tục theo quy định. Thực hiện tiết kiệm 10% tổng mức đầu tư các dự án theo Nghị quyết số 89/NQ-CP ngày 10/10/2019 của Chính phủ (trừ các trường hợp quy định tại Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 03/8/2017 và Nghị quyết số 94/NQ-CP ngày 29/10/2019 của Chính phủ). Cắt 100% việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, khánh thành các công trình xây dựng, trừ các công trình quan trọng quốc gia, công trình dự án nhóm A, công trình có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của địa phương; quản lý, sử dụng 10% dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 theo đúng Nghị quyết của Quốc hội.

{keywords}
Chính phủ lên phương án tiết kiệm ngân sách

"Thực hiện đấu thầu qua mạng theo hình thức chào hàng cạnh tranh, đấu thầu rộng rãi đạt tối thiểu 50% số lượng gói thầu và 15% tổng giá trị gói thầu. Phấn đấu huy động tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 33-34% GDP", Chính phủ cho biết.

Chính phủ đặt mục tiêu chấm dứt việc sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết không đúng quy định. Thu hồi 100% nhà công vụ sử dụng không đúng mục đích, đối tượng, hết thời gian sử dụng theo quy định.

Ngoài ra, các doanh nghiệp nhà nước đăng ký với cơ quan đại diện chủ sở hữu và thực hiện tiết giảm chi phí quản lý từ 5% trở lên so với kế hoạch, trong đó, tiết giảm tối đa chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới, chi tiếp tân, khánh tiết, hội nghị, chi chiết khấu thanh toán, chi phí năng lượng.

"Phấn đấu giảm tối thiểu 2,5% đơn vị sự nghiệp công lập, đảm bảo mục tiêu đến năm 2021 giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015, có 10% đơn vị tự chủ tài chính, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách cho các đơn vị sự nghiệp công lập so với bình quân giai đoạn 2011- 2015", theo báo cáo của Chính phủ.

Theo đánh giá của Chính phủ, kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên các lĩnh vực tiếp tục có những chuyển biến tích cực hơn, có đóng góp quan trọng vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2019, tạo thêm và sử dụng có hiệu quả hơn các nguồn lực của đất nước để giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh, bảo đảm an sinh xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh...

Tuy nhiên, Chính phủ nhận xét vẫn còn tình trạng thực hiện chưa nghiêm túc ở một số bộ, cơ quan, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Thời hạn ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2019 theo quy định là ngày 21/3/2019, nhưng một số đơn vị đến tháng 5-6/2019 mới ban hành.

Nhiều đơn vị báo cáo công tác tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019 chậm so với thời hạn quy định (lập báo cáo sau ngày 28/02/2020), tổng kết đánh giá kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn sơ sài, không có thông tin, số liệu cụ thể về kết quả tiết kiệm kinh phí ngân sách nhà nước.

"Các tồn tại, hạn chế trên có những nguyên nhân khác nhau, song chủ yếu là do người đứng đầu bộ, ngành, cơ quan, địa phương, tập đoàn, tổng công ty chưa quan tâm đúng mức, chưa giao trách nhiệm cụ thể cho cơ quan tham mưu giúp việc làm đầu mối triển khai, thực hiện quy định của Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí", Chính phủ đánh giá.

H.Duy

Miễn, giảm, hoãn 200 ngàn tỷ tiền thuế, xoay 1 tỷ USD bù hụt thu

Miễn, giảm, hoãn 200 ngàn tỷ tiền thuế, xoay 1 tỷ USD bù hụt thu

Bộ Tài chính cho biết đang đàm phán với các nhà tài trợ này để có điều kiện vay ưu đãi nhất số tiền trị giá khoảng 1 tỷ USD do nguồn thu suy giảm.