Đồng loạt ưu đãi DN

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa công bố giảm ngay 0,5% lãi suất cho vay trong năm 2019. Theo đó, lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam ở mức tối đa là 6%/năm, tương đương giảm 0,5 điểm % so với mức trần quy định của NHNN, áp dụng cho tất cả các khoản vay đang còn dư nợ và các khoản vay mới phát sinh trong năm 2019. Ngân hàng này cũng giảm đồng loạt 0,5 điểm %/năm trong năm 2019 đối với các khoản vay trung dài hạn bằng VNĐ hiện tại của DN.

Chính sách ưu đãi lãi suất trên được áp dụng đối với các lĩnh vực: phát triển nông nghiệp, nông thôn; kinh doanh hàng xuất khẩu; DN nhỏ và vừa; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; DN ứng dụng công nghệ cao; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và DN khởi nghiệp.

{keywords}
Một loạt ngân hàng thương mại vừa công bố giảm lãi suất cho vay để chia sẽ gánh nặng với các DN (ảnh minh họa - Quang Phúc).

Vietcombank cho biết, việc giảm lãi suất lần này được áp dụng trên phạm vi rộng, chiếm tỷ trọng khoảng 30% tổng dư nợ cho vay bằng VND hiện hữu của ngân hàng.

Ngoài ra, một số ngân hàng khác như Nông nghiệp Việt Nam (Agribank), Công thương (Vietinbank), Đầu tư và Phát triển (BIDV), Việt Nam thịnh vượng (VPB),... cũng quyết định giảm lãi suất cho vay mức phổ biến là 0,5 điểm %/năm để hỗ trợ các DN giảm chi phí đầu vào.

Đây là một tin vui đầu năm với nhiều DN và nền kinh tế. Việc công bố giảm lãi suất cho vay của nhiều ngân hàng lớn sẽ có tác động đến mặt bằng lãi suất chung hiện nay.

Trong khi đó, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia dự báo, năm 2019 lãi suất có thể có những yếu tố thuận lợi. Đồng USD dự báo suy yếu làm giảm áp lực từ tỷ giá. Lạm phát trong nước có khả năng kiểm soát ở mức 4% do giá hàng hóa thế giới tăng không lớn... Những yếu tố này sẽ không gây áp lực lên lãi suất.

Lãi vay có giảm?

Tuy nhiên, ý kiến từ một số chuyên gia kinh tế cho rằng, việc giảm lãi suất cho vay mức 0,5 điểm % của một số ngân hàng chưa đủ sức nặng để kéo mặt bằng lãi suất cho vay giảm.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật Basico, không phải DN nào cũng được vay ưu đãi lãi suất thấp từ các ngân hàng. Việc lựa chọn khách hàng để cho vay ưu đãi rất khắt khe. Đó phải là những DN có uy tín, lịch sử tín dụng lành mạnh, có các hợp đồng và dự án kinh doanh hiệu quả. Thời gian qua, các ngân hàng thương mại đều có những khoản vay ưu đãi, lãi suất thấp từ 6,5-7%/năm, song rất ít DN được hưởng ưu đãi này. Nhiều DN đang phải chịu mức lãi suất dao động từ 8-11%/năm, thậm chí cao hơn.

{keywords}
Tuy nhiên, vốn ưu đãi không phải không có nhưng thực tế khó tiếp cận (ảnh minh họa - Minh Dũng.

Một DN sản xuất hàng xuất khẩu bày tỏ, để được vay vốn ưu đãi với lãi suất thấp, phải có hợp đồng kinh doanh tốt ký với các đối tác nước ngoài, phải cam kết bán ngoại tệ, chiết khấu bộ chứng từ, cùng những giao dịch quốc tế khác,... thông qua ngân hàng cho vay vốn ưu đãi. Vì vậy, vốn ưu đãi không phải không có nhưng thực tế khó tiếp cận. Đó còn chưa kể, các DN vẫn phải tốn thêm những chi phí không chính thức nữa, nên tính ra lãi suất chưa hẳn đã ưu đãi.  

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Nam Kim, với mức lãi suất cho vay ưu đãi giảm xuống còn 6%/năm đã khó có thể kéo mặt bằng lãi suất cho vay xuống thấp. Bởi lãi suất huy động của đa số các ngân hàng thời hạn từ 6 tháng trở lên, hiện ở mức từ 6% đến 8,6%/năm. Chỉ khi nào lãi suất huy động giảm thấp thì lãi suất cho vay mới có điều kiện để giảm.

Tuy nhiên, xu hướng giảm lãi suất huy động chưa nhìn thấy rõ. Theo quy định, từ ngày 1/1/2019, các ngân hàng phải giảm hệ số sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ mức 45% xuống còn 40%. Như vậy, sẽ phải cơ cấu lại nguồn vốn và tăng lãi suất huy động vốn trung dài hạn. Đặc biệt, với quy định này, các ngân hàng nhỏ sẽ gặp nhiều khó khăn về thanh khoản do tỷ lệ sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn thường cao hơn các ngân hàng lớn. Nếu những ngân hàng này cứ tăng lãi suất để huy động tiền gửi từ dân cư, thì khó hy vọng mặt bằng lãi suất huy động sẽ giảm.

Ngoài ra, tỷ lệ nợ xấu nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tại nhiều ngân hàng tăng cao trong năm 2018. Các ngân hàng phải chi hàng nghìn tỷ đồng để bù đắp cho nợ nhóm 5. Như vậy sẽ phải duy trì lãi suất cho vay cao.

Những yếu tố thuận lợi đối với lãi suất vẫn còn là ẩn số. Trên thế giới, giá dầu thô và tỷ giá USD vẫn có thể quay đầu tăng. Còn trong nước, chủ trương tăng giá một số mặt hàng cơ bản năm 2019 vẫn để ngỏ như: giá điện, giá dịch vụ y tế, giáo dục,... Các yếu tố này khiến áp lực lạm phát vẫn khá lớn.

Nhiều chuyên gia cùng có chung nhận định, lãi suất cho vay năm nay có thể không tăng hơn nữa, nhưng khó có chuyện sẽ đồng loạt giảm mạnh.

Trần Thủy

Ngân hàng đồng loạt tăng mạnh lãi suất: Lo biến động cuối năm

Ngân hàng đồng loạt tăng mạnh lãi suất: Lo biến động cuối năm

Hàng loạt ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn, theo hướng tiền gửi càng nhiều, kỳ hạn càng dài, lãi suất càng cao, chưa kể các "chiêu" khác để dụ khách gửi tiền.