Ngày 11.7.2019, các lực lượng Bộ Công an, Tổng Cục QLTT… phối hợp kiểm tra đột xuất 2 điểm bán hàng chuyên phục vụ tour “0 đồng” ở Móng Cái, gồm Cửa hàng mua sắm ASEAN và Thương trường Quốc tế Hồng Nguyên, phát hiện có nhiều sản phẩm nghi là hàng giả, hàng nhái trị giá trên 100 tỉ đồng. Dư luận cho rằng, mở rộng kiểm tra đột xuất gần 30 điểm bán hàng như vậy tại Hạ Long và Móng Cái sẽ còn thấy nhiều điều kinh ngạc nữa, đặc biệt là mức thuế mà những điểm bán hàng siêu lợi nhuận này nộp.

Thất thu cực lớn

Theo Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh, năm 2017, 14 điểm bán hàng chuyên phục vụ khách tour “0 đồng” tại TP.Hạ Long doanh thu đạt hơn 53 tỉ đồng, nộp thuế trên 1,3 tỉ đồng; trong khi 18 điểm ở Móng Cái đạt doanh thu hơn 12 tỉ đồng, nộp 258 triệu đồng tiền thuế.

Năm 2018, 14 điểm tại Hạ Long nộp hơn 10,5 tỉ đồng tiền thuế, với doanh thu hơn 174 tỉ đồng, trong khi 18 điểm ở Móng Cái nhích lên được 633 triệu đồng tiền đóng thuế. Trong đó, có cửa hàng chỉ nộp hơn 1 triệu đồng/tháng.

Chia sẻ với báo, một lãnh đạo TP.Hạ Long cho biết, để có được kết quả trên, các lực lượng liên ngành đã phải trải qua những đợt “đấu trí” với các chủ cửa hàng, bởi trước đó, các điểm bán hàng này chỉ nộp một khoản thuế ấn định/tháng nhưng rất thấp.

{keywords}
Một điểm bán hàng phục vụ khách Trung Quốc tại Bãi Cháy, Hạ Long.

Vậy tại sao 14 cửa hàng ở Hạ Long lại nộp thuế cao hơn rất nhiều so với 18 cửa hàng ở Móng Cái? Đại diện một số công ty lữ hành có trụ sở tại Quảng Ninh cho biết, điều này phụ thuộc vào quyết tâm của chính quyền địa phương. Không thể nói doanh thu của các điểm bán hàng ở Móng Cái thấp hơn được, thậm chí họ có nhiều thuận lợi hơn vì là điểm dừng chân đầu tiên khi khách nhập cảnh vào Việt Nam.

Tuy nhiên, tổng cộng số thuế của tất cả cửa hàng phục vụ tour “0 đồng” mới chỉ được hơn 11 tỉ đồng/năm là còn quá thấp, bởi các cửa hàng này được coi là “bầu sữa” chính nuôi tour “0 đồng”.

Theo Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh, mỗi năm có khoảng 400.000 khách tour “0 đồng” nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái. Với chi phí tối thiểu 3 - 3,5 triệu đồng/khách cho tour 3 đêm 4 ngày, tổng chi phí cho tổng số khách trên ít nhất là trên 1.200 tỉ đồng.

Theo ông Nguyễn Thế Huệ - Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Quảng Ninh - nộp thuế từ các điểm bán hàng tour “0 đồng” có tăng chút, nhưng chẳng đáng là bao so với doanh thu thực và thị trường vẫn phức tạp, thậm chí tinh vi hơn.

“Lực lượng chức năng cứ làm thêm vài vụ như ở Móng Cái hôm vừa rồi và mở rộng tới Hạ Long nữa thì hy vọng tình hình sẽ tốt hơn. Làm mạnh sẽ vừa bảo vệ được quyền lợi chính đáng của du khách, vừa tăng được nguồn thuế cho nhà nước” - ông Huệ nói.

Không kiểm soát được công ty lữ hành

Điểm mấu chốt để kiểm soát được thị trường khách tour “0 đồng” hiện nay ở Quảng Ninh chính là phải kiểm soát được các Cty lữ hành, bởi dòng khách này đi du lịch ở Việt Nam đều thông qua các Cty lữ hành. Trước đây, các Cty có trụ sở tại Quảng Ninh chiếm số đông, nhưng dần biến mất do phải tuân thủ quy chế đặc thù của UBND tỉnh Quảng Ninh, gồm: Đặt trụ sở, khai báo thuế tại Quảng Ninh; thực hiện tour trọn gói với giá 2,5 triệu đồng/khách/tour để áp thuế.

Đến nay, thị trường tour “0 đồng” hoàn toàn nằm trong tay các Cty ngoại tỉnh do không bị áp quy chế đặc thù, mặc dù UBND Quảng Ninh nhiều lần có công văn đề nghị các bộ, ngành cho áp dụng quy chế trên cho các Cty của Quảng Ninh và ngoại tỉnh nhưng bất thành. “Nhận lại khách với giá quá rẻ, thậm chí 0 đồng mà lại bị áp giá 2,5 triệu đồng/khách/tour 3 đêm 4 ngày theo quy định của tỉnh Quảng Ninh thì không Cty nào chịu nổi, ngoại trừ trốn thuế” - một HDV tiếng Trung cho biết - “Điều này thì chỉ các Cty ngoại tỉnh mới làm được. Khách tour “0 đồng” vẫn phải dùng các dịch vụ tối thiểu như ăn, ngủ, nghỉ… nhưng các Cty ngoại tỉnh sẽ không lấy hóa đơn và các chủ khách sạn, nhà hàng cũng xuất hóa hơn. Như vậy, chẳng thu được đồng thuế nào”.

Theo Sở Du lịch Quảng Ninh, lâu nay, luôn có gần 50 Cty lữ hành tham gia đón khách đường bộ Trung Quốc, nhưng đến nay chỉ còn trên 25 Cty ngoại tỉnh đang hoạt động. Tên các Cty ngoại tỉnh cũng liên tục thay đổi, nhất là sau những lần bị các đơn vị của Quảng Ninh xử phạt do vi phạm, bởi việc thành lập Cty lữ hành quá dễ.

Tuy nhiên, những người trong nghề và kể cả đại diện các cơ quan quản lý cho biết, dù khách nhập cảnh đều qua các Cty ngoại tỉnh, nhưng thực chất vẫn do những “gương mặt thân quen” có số má ở Quảng Ninh điều khiển. Thực chất đó là trò mua - bán “văn”. Theo đó, các Cty ngoại tỉnh chỉ đứng ra làm các thủ tục, giấy tờ để đón khách và nhận tỉ lệ phần trăm, còn việc điều hành do người khác làm. Điều tra việc này không khó, chỉ cần các cơ quan chức năng Trung ương và các địa phương đồng lòng vào cuộc.

Theo ông Phạm Ngọc Thủy - Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh - Quảng Ninh vẫn mong muốn Trung ương cho phép tỉnh này được áp dụng quy chế đặc thù đối với cả Cty trong và ngoài tỉnh để quản lý tốt hơn.

(Theo Lao Động)