Trao đổi với chúng tôi, chị H. (quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết mình không hề vay nợ ai nhưng vẫn bị đưa ảnh lên Facebook để đòi nợ khiến cuộc sống bị đảo lộn.

Bỗng dưng... bị đòi nợ

Chị H. cho biết: “Bữa trước, mẹ nuôi tôi có đăng một bài viết trên Facebook thì một người lạ vào bình luận. Người này được ảnh thông báo đòi nợ, trong đó có ảnh của tôi. Mẹ tôi thấy hết hồn, hỏi tôi sao dính đến dân xã hội đen để giờ bị đòi vậy. Tôi nói là không có mượn nợ, mẹ tôi gửi cái ảnh đòi nợ qua cho tôi xem” - chị H. kể lại.

Tấm ảnh có nội dung: “Truy tìm đối tượng lợi dụng lòng tin vay tiền trốn nợ. Mọi người lưu ý đề cao cảnh giác với đối tượng trên ảnh”. Trên đó là năm bức ảnh rõ mặt in của năm người khác nhau cùng nội dung cảnh báo lừa đảo.

Tìm hiểu ra chị mới biết là một người quen của chị đã vay nợ 65 triệu đồng.

{keywords}
Không mượn nợ nhưng chị H. vẫn bị bêu ảnh lên Facebook đòi nợ.

Người mượn nợ bị đăng lên Facebook đầy đủ CMND, hộ khẩu, số điện thoại. Bốn người khác trong tấm ảnh chẳng vay mượn gì cũng bị nêu rõ địa chỉ, tên. Trong bốn người đó có chị H.

Nội dung trên tấm ảnh chỉ rõ: Do người mượn nợ không có động thái trả nợ, trốn tránh nên họ “bắt buộc phải đăng tải thông tin nhằm ngăn chặn đối tượng lợi dụng lòng tin đi chiếm đoạt tài sản, vay mượn khắp nơi tránh thất thoát tiền bạc, của cải. Mong mọi người chia sẻ rộng rãi và đề cao cảnh giác”.

Nội dung trên tấm ảnh này còn ghi rõ: “Kể từ sau 24 giờ từ thời điểm đăng tin, nếu đối tượng không liên hệ để giải quyết, sẽ tiến hành đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng và phát tờ rơi tại địa phương để thu hồi nợ”.

Ngay khi đọc thông tin, chị H. gọi ngay theo số điện thoại trên và được biết đó là một địa chỉ thu hồi nợ.

“Tôi nói rõ là tôi không có mượn nợ ai và yêu cầu gỡ ảnh xuống mà người đàn ông đã đăng ảnh nói ông ta không làm sai, còn thách thức tôi đi thưa công an” - chị H. bức xúc cho biết.

Xử lý ra sao?

Trao đổi với chúng tôi về câu chuyện này, luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết rõ ràng hành vi đăng ảnh với nội dung sai sự thật như vậy là hành vi vi phạm pháp luật. “Đây là hành vi bịa đặt, xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của chị H.” - luật sư Chánh nói.

Tùy vào tính chất, mức độ hành vi mà người đăng thông tin trên Facebook bị xử phạt hành chính về hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân theo điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020.

Mức phạt tiền cho hành vi này là từ 5 triệu đến 10 triệu đồng đối với cá nhân, còn với tổ chức thì mức phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng.

Về trách nhiệm hình sự thì người thực hiện hành vi bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của cá nhân có dấu hiệu của tội vu khống.

Khung hình phạt nhẹ nhất thì bị phạt tiền từ 10 triệu đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm theo điểm a khoản 1 Điều 156 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)...

Chị H. có thể kiện ra tòa

Theo Điều 32 BLDS thì cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Trừ một số trường hợp đặc biệt khác mà luật đã quy định thì việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.

Trong trường hợp này, việc đăng ảnh của chị H. với nội dung tiêu cực, không đúng sự thật mà không được sự đồng ý của chị H. là hành vi vi phạm.

Chị H. có hai cách để giải quyết: Một là gửi đơn đến cơ quan Sở TT&TT nơi cá nhân, tổ chức đó cư trú yêu cầu giải quyết; hai là gửi đơn yêu cầu tòa án giải quyết.

(Theo Pháp Luật TP HCM)