Mới đây, nhiều người dân phản ánh về một ứng dụng trên điện thoại có tên là BSC, được giới thiệu là ứng dụng thuộc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam. Qua ứng dụng này, đối tượng lừa đảo đã huy động được nhiều tiền của người dân tham gia và chiếm đoạt tiền của họ.

Chị Lan, người bị hại cho biết, trong đợt giãn cách vừa qua, chị nhận được lời chào mời của một người trên Zalo, xưng là nhân viên của Công ty BSC Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, giới thiệu cho cách thức đầu tư kiếm tiền.

Theo như chào mời, nếu chị nộp vào 150.000 đồng, sẽ nhận được lợi nhuận 46% trên số tiền đã đóng; nộp từ 300.000 đồng trở lên sẽ nhận được lợi nhuận 30%. Lợi nhuận sẽ được chuyển trong ngày sau khi chị nộp tiền. Để làm được điều này, chị phải cài đặt app có tên là BSC có đường link theo hướng dẫn. Tiền được chuyển vào một tài khoản cá nhân do họ chỉ định.

Mất cả trăm triệu đồng vì nộp tiền vào app mạo danh ngân hàng - Ảnh 1.

Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam xác nhận ứng dụng BSC là một app nhái tên, biểu tượng của công ty và mạo danh công ty để lừa đảo.

Điều đáng nói, sau khi chuyển tiền và nhận được lãi, chị đã được quản lý app BSC đưa vào một nhóm kín gồm trên 1.000 thành viên tham gia. Tại đây, ai cũng nhận được tiền lãi và phản hồi tích cực. Tin tưởng, chị đã tiếp tục tham gia nhóm có số tiền đầu tư cao hơn từ 200 triệu đến 1 tỷ đồng. Tuy nhiên tại đây, chị bắt đầu bị "mắc bẫy".

Phần lớn những người nộp tiền cho app này đều cho biết, do nghĩ đây là app của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam nên đã tin tưởng nộp tiền theo hướng dẫn của app. Tuy nhiên, Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam xác nhận đây là một app nhái tên, biểu tượng của công ty và mạo danh công ty để lừa đảo.

"Người ta nói không có bữa trưa nào miễn phí, nếu chúng ta nhận được lời mời chào kiếm tiền quá nhanh, bắt buộc phải nghi ngờ. Trong lĩnh vực đầu tư chứng khoán không có lợi nhuận tới 40 - 50% chỉ trong vòng một ngày hay một tích tắc như vậy cả. Cuối cùng khi mọi người quyết định, việc giao dịch trên Internet luôn phải đặt câu hỏi nếu bị lừa thì sao, liệu có đòi được tiền không? Nếu khách hàng chuyển tiền vào tài khoản, một tổ chức làm ăn đàng hoàng sẽ không bao giờ thực hiện giao dịch tài khoản cá nhân, tôi cho rằng mọi người cần hết sức lưu ý", Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam Lê Quang Huy nhận định.

Theo người bị hại, trong vụ việc này, để tạo dựng niềm tin, đối tượng lừa đảo đã trả ngay tiền lãi cho những người nộp ít tiền, sau đó đưa những người này vào cùng một nhóm để đua nhau khoe đã nhận được tiền, cùng cổ vũ niềm tin để tham gia nộp số tiền lớn hơn.

Đáng chú ý, khi nộp số tiền lớn và bị chiếm đoạt, các thành viên này lại không thể liên hệ với nhau do các chức năng tương tác riêng lẻ đã bị các đối tượng quản lý app khóa lại. Đó là lý do nhiều người bị lừa, nhưng không thể báo cho những người trong nhóm biết để phòng tránh.

(Theo VTV)

Mất sạch vốn vì đầu tư vào app kiếm tiền, bị lừa tiếp khi vay online

Mất sạch vốn vì đầu tư vào app kiếm tiền, bị lừa tiếp khi vay online

Không chỉ bị mất sạch khoản tiền vốn và lãi vào app (ứng dụng) kiếm tiền, người chơi còn bị lừa khi tiếp tục muốn vay tiền online để gỡ gạc.