Tiểu thương N.T.T buôn bán nhỏ ở chợ Cuồi (xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) nhiều năm nay. Cách đây không lâu, bà tích góp, vay mượn được 60 triệu đồng nộp cho chủ hụi N.T.L (ngụ cùng xã). Mới đây, nghe tin dây hụi bị vỡ, bà đến gặp chị L. thì chị này cho hay không còn khả năng chi trả. "Có lẽ số tiền này mất trắng, mấy bữa nay tui ăn không ngon, ngủ không yên vì xót của" - bà T. buồn bã nói.

Sập bẫy

Còn chị Đ.H ở thôn Chợ Cuồi đã nộp cho các chủ hụi số tiền 390 triệu đồng. Vì nghe có đường dây hụi với lãi suất cao, chị bàn với chồng đánh liều thế chấp sổ đỏ vào ngân hàng để đóng tiền, kiếm bữa chợ. Mới đây, khi chị đến lấy tiền lãi thì nhóm chủ hụi lắc đầu.

Theo phản ánh, tại thôn Chợ Cuồi, nhiều trường hợp nộp tiền hụi chưa kịp lấy lãi có nguy cơ mất trắng như chị H.T.V (nộp 80 triệu đồng), chị N.T.L (140 triệu đồng), chị N.T.Th (800 triệu đồng)… Ngoài ra, đường dây hụi này có nhiều thành viên ở các vùng lân cận như chị N.T.H (ở thôn Tam Đa) nộp 535 triệu đồng; chị H.T.N (ở thôn Tân Hóa, xã Mai Hóa) nộp 1 tỉ đồng…

Từ khoảng 5-7 năm trước, đường dây hụi này đã xuất hiện ở thôn Chợ Cuồi. Một thành viên tiết lộ lúc mới thành lập chỉ có 25 thành viên, chủ yếu tại thôn và một vài người dân ở các địa phương lân cận góp hụi. Trong số này, 9 thành viên (người cầm cái - chủ hụi) có trách nhiệm ghi chép, lưu giữ sổ sách. Mỗi lần đấu hụi, những người này ngoài phần lãi được chia còn có thêm tiền thù lao.

Khi tham gia "chơi" hụi, các thành viên có thể góp mặt vào rất nhiều dây hụi. Lâu dần, những chủ hụi lôi kéo và phát triển lên đến khoảng 1.000 hội viên, mỗi chủ hụi lập ra 100 hội viên với số tiền hụi từ 10-500 triệu đồng. Sau đó, một số cá nhân hám lợi, tham gia nhiều dây hụi nên không có khả năng xoay vòng dòng tiền để góp hụi; đồng thời vay mượn, huy động bên ngoài dẫn đến không thể trả nợ.

{keywords}
Một thành viên (đề nghị giấu tên, che mặt) trong đường dây hụi bị vỡ tố cáo đến cơ quan chức năng

Chủ hụi cũng là nạn nhân

Bà T.T.H (ở thôn Tam Đa, xã Tiến Hóa) là thành viên giữ sổ sách ghi chép cho biết đến cuối tháng 9-2019 thì xảy ra sự cố do 4 chủ hụi cầm đầu trong đường dây này bỗng dưng "ôm" hụi với số tiền khá lớn nhưng sau đó lại tuyên bố không có khả năng chi trả.

Riêng bà H., ngoài việc giữ sổ sách, ghi chép thì bà cũng tham gia vào dây hụi như các thành viên khác trong nhóm với số tiền lên đến 2 tỉ đồng. Oái ăm thay, đường dây hụi bị vỡ đã biến bà H. vừa thành chủ nợ kiêm luôn nạn nhân!

"Số tiền góp hụi của cá nhân và những hội viên khác có được là do tích góp nhiều năm, vay của ngân hàng. Do đó, tôi mong các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ nguyên nhân số tiền thất thoát để trả lại công bằng cho tôi và các thành viên" - bà H. nói.

Ông Cao Văn Trúc, Chủ tịch UBND xã Tiến Hóa, cho biết địa phương đã đề nghị Công an huyện Tuyên Hóa vào cuộc làm rõ. Ngoài ra, xã cũng đã tuyên truyền, vận động người dân không tiếp tục góp hụi và cắt cử lực lượng ứng trực để hạn chế những hành vi tiêu cực có thể xảy ra.

Đại tá Đinh Quang Hiếu, Trưởng Công an huyện Tuyên Hóa, cho biết lực lượng chức năng đã mời những người có liên quan trong dây hụi đến để thống kê làm rõ. Số tiền ước tính ban đầu trong vụ này là khoảng 10 tỉ đồng.

Theo ông Lê Nam Giang, Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa, khi xảy ra vụ vỡ hụi ở xã Tiến Hóa, địa phương đã kiểm tra và xác định khoảng 1.000 người liên quan đến đường dây góp hụi này. Bước đầu đã xác định tại địa phương này có 3 người vừa là chủ hụi vừa là thành viên của các dây hụi. Do không có tiền góp hụi, những người này đã huy động, vay mượn tiền bên ngoài hơn 10 tỉ đồng. Các trường hợp này bao gồm: D.T.T.H (SN 1983, ở thôn Tam Đa, xã Tiến Hóa), T.T.L (SN 1975, ở thôn Cây Thị, xã Cảnh Hóa, huyện Quảng Trạch) và N.T.L (SN 1981, ở thôn Chợ Cuồi, xã Tiến Hóa). 

(Theo Người lao động)