6 lần thất bại, thuyền mất hướng

Cho đến trước lần triệu tập Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) này, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) đã 6 lần ĐHCĐ không thành công, kéo theo đó là không ổn định được ban lãnh đạo, liên tục thay đổi chủ tịch, bỏ trống ghế tổng giám đốc khiến NH vốn là ngôi sao 1 thời nay như con tàu mất hướng.

Gần đây nhất, hôm 30/6, Eximbank phải hoãn cả ĐHCĐ thường niên 2020 và ĐHCĐ bất thường chỉ trong 1 ngày do số lượng cổ đông tham dự không đủ theo quy định.

Đây là hình ảnh lặp lại của năm 2019 khi ĐHCĐ thường niên của Eximbank liên tục bị hoãn và tạm dừng giữa chừng nhiều lần do bất đồng giữa các cổ đông.

{keywords}
Không có người đại diện pháp luật, ông Nguyễn Cảnh Vinh hiện là bổ nhiệm quyền Tổng giám đốc Eximbank.

Cụ thể, năm 2019, Exim bank 3 lần hoãn đại hội, trong đó lần 1 vào ngày 26/4 hoãn không đủ số cổ đông; lần thứ 2 dự kiến vào 26/5 nhưng không thực hiện vì chưa giải quyết xong các vấn đề nội bộ, lần 3 vào 21/6 tiếp tục không đại hội. Năm 2020, dự kiến ĐHCD ngày 5/3 nhưng hoãn vì lý do Covid-19. Và lần thứ 5, thứ 6 là ngày 30/6 cũng lý do không đủ điều kiện.

Trong 5 năm qua, Eximbank chỉ  thành công 1 lần duy nhất  là ĐHCĐ thường niên năm 2018. Nhưng kết quả của đại hội sau đó cũng nhanh chóng biến thành mây khói.

Do không tổ chức ĐHCĐ 2 năm liền nên Eximbank chưa báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh năm 2018, kế hoạch năm 2019 và một số nội dung khác do các ĐHCĐ đều bất thành. Giờ đây, kết quả 2019 cũng như kế hoạch 2020 cũng chưa thể được đại hội thông qua.

Vấn đề nóng nhất vẫn là tranh chấp chiếc ghế chủ tịch ở Eximbank và sự trống vắng của vị trí tổng giám đốc, đồng thời là đại diện pháp luật của ngân hàng. Trong khoảng 1 năm rưỡi qua, Eximbank liên tục chứng kiến sự thay đổi trong dàn lãnh đạo.

Mới đây, ngày 25/6, Eximbank đã tiến hành họp và thống nhất bầu ông Yasuhiro Saitoh - đang giữ vị trí Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) đảm nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT, thay ông Cao Xuân Ninh từ nhiệm theo nguyện vọng cá nhân.

Tuy nhiên, ngay trước thềm ĐHCĐ hôm 30/6, nhóm cổ đông lớn Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), hiện nắm 15% vốn tại Eximbank - đã yêu cầu bãi nhiệm ông Yasuhiro Saitoh. Theo  SMBC, tổ chức này đã chấm dứt tất cả các mối quan hệ pháp lý với ông Yasuhiro Saitoh kể từ 18/5/2019 nên ông này không đủ tư cách đại diện SMBC tham gia các chức vụ ở Eximbank

{keywords}
Được bầu làm chủ tịch HĐQT nhưng ông Yasuhiro Saitoh bị tố không đủ điều kiện

Tranh chấp chiếc ghế chủ tịch lên đỉnh điểm khi ngày 22/3/2019, 7 thành viên HĐQT Eximbank họp và bầu ra Chủ tịch HĐQT mới là bà Lương Thị Cẩm Tú thay cho ông Lê Minh Quốc dù ông Quốc chưa hết nhiệm kỳ. Bà Lương Thị Cẩm Tú được biết đến là một gương mặt đại diện của NamABank, từng là TGĐ NamABank. Bà Tú vào HĐQT Eximbank tháng 4/2018 tại ĐHCĐ thường niên 2018 của nhà băng này.

Ông Minh Quốc đã có đơn kiện và Tòa án TP.HCM đã áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nhưng. Tuy nhiên, ông Lê Minh Quốc sau đó có đơn xin rút yêu cầu khởi kiện và có đơn từ nhiệm khỏi vị trí chủ tịch HĐQT.

Ông Cao Xuân Ninh sau đó được bầu làm chủ tịch Eximbank thay cho 2 nhân vật đối đầu trong một cuộc chiến tranh giành chiếc ghế cao nhất tại Eximbank trong nhiều tháng trước đó.

Trong khi đó, chiếc ghế Tổng giám đốc hiện cũng đang bỏ trống. Hồi tháng 4/2018, Eximbank bổ nhiệm ông Nguyễn Cảnh Vinh vào Phó TGĐ của Eximbank. Tháng 5/2019, ông Vinh được bổ nhiệm quyền Tổng giám đốc Eximbank. Sau khi TGĐ trước đó là ông Lê Văn Quyết hết hạn hợp đồng và không được tái bổ nhiệm

Được biết,  HĐQT Eximbank cũng đã từng có Nghị quyết bổ nhiệm ông Nguyễn Cảnh Vinh làm Tổng giám đốc. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước đã không phê chuẩn do Nghị quyết bầu và hồ sơ trình lên không hợp lệ.

Bất ổn ở Eximbank bắt đầu nổ ra khi có nhóm cổ đông Nam Á xuất hiện. Hiện nay, ở Eximbank với các nhóm cổ đông cũ, nhóm mới từ Nam Á và cổ đông nước ngoài mâu thuẫn ngày càng gay gắt và kéo dài nhiều năm. Trong khi đó, nhóm cổ đông có gốc nhà nước khá nhỏ mà mờ nhạt.

Tranh chấp kéo dài, đi quá giới hạn khiến các bên đối đầu, không tin tưởng nên không thể ngồi lại với nhau. Hội đồng quản trị hiện tại cũng không thể hiện được vai trò và không có được niềm tin từ cổ đông phần lớn là từ nhiệm kỳ cũ hoặc các thành viên không có cổ phần hay không đại diện cho lợi ích của các nhóm cổ đông.

Ngôi sao tự đánh mất mình

Eximbank từng là 1 NHCP hàng đầu, được xem là ngôi sao với khối tài sản hàng trăm nghìn tỷ và huy động vốn hàng năm cũng hơn 100 ngàn tỷ đồng nhưng thật khó tin khi hiện nó không có chủ tịch đích thực cũng như không có TGĐ và không biết người đại diện theo pháp luật của Eximbank là ai?.

Bất ổn ở Eximbank bắt đầu lan rộng khi ĐHCĐ năm 2016 bất thành khiến cho hoạt động của NH ngày càng khó khăn, với tài sản tụt giảm và lợi nhuận lao dốc, thậm chí bị lỗ và cổ phiếu Eximbank bị đưa vào diện cảnh báo do lợi nhuận âm hai năm liên tiếp.

Eximbank  từng là gương mặt thường trực trong “câu lạc bộ nghìn tỷ lợi nhuận” của hệ thống ngân hàng, sau hai năm, Eximbank “rớt đài” tụt xuống 828 tỷ đồng trong năm 2013, rồi xuống 69 tỷ đồng trong năm 2014. Đến năm 2015, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối cuối năm này là âm 817 tỷ đồng.

Năm 2018, Eximbank trở nên ồn ào với sự “bốc hơi” 245 tỷ đồng tiền gửi của bà Chu Thị Bình (Thủy sản Minh Phú). Đây cũng là năm lợi nhuận của Eximbank điều chỉnh giảm 52% so với kế hoạch.

{keywords}
Bất ổn và tranh chấp, Eximbank ngày càng đi xuống.

Trong khi Eximbank lún sâu vào bê bối, thì hàng loạt NH khác lại có 5 năm tăng tốc. Nhiều NHTMCP từng là ‘đàn em’ của Eximbank đã vươn lên đạt lợi nhuận trên 10 nghìn tỷ đồng. Eximbank từ một ngân hàng top đầu, trở thành một nhà băng ở nhóm sau, với lợi nhuận thua xa nhóm dưới một thời như NamABank, TPBank, VIB, OCB...

Hành trình tụt dốc đã khiến Eximbank đánh mất mình. Đã đến lúc các nhóm cổ đông lớn cần gác lại các mâu thuẫn và ngồi với nhau để vực dậy thương hiệu này, đảm bảo lợi ích cho chính mình và ngân hàng. Để đạt được điều này không thể thiếu sự can thiệp của Ngân hàng nhà nước. Với cương vị là cơ quan quản lý ngành, Ngân hàng Nhà nước có thể tập hợp các cổ đông, lắng nghe ý kiến các bên, từ đó đề ra các biện pháp để giảm thiểu mâu thuẫn giữa các cổ đông trước thềm Đại hội cổ đông thường niên 2020.

Ngoài ra, việc Ngân hàng Nhà nước xem xét việc phê duyệt nhân sự dự kiến của HĐQT và Ban Kiểm soát để làm căn cứ cho các cổ đông bầu được người đại diện phù hợp và xem xét chấp thuận nhân sự dự kiến Tổng giám đốc, người đại diện pháp luật của Eximbank, sẽ giúp Eximbank có đà phát triển ổn định, góp phần hướng tới mục tiêu chung là an toàn, lành mạnh và minh bạch của cả hệ thống ngân hàng.

 V.Hà