Phiên họp lịch sử

Đêm qua (giờ Việt Nam), Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã có cuộc họp đầu tiên kể từ khi Chủ tịch Jerome Powell công bố khuôn khổ chính sách mới: từ bỏ chiến lược nâng lãi suất trước để ngăn lạm phát.

Gần như toàn bộ các quan chức của Fed đã đồng lòng duy trì lãi suất thấp kỷ lục trong một thời gian dài và đã gạt bỏ thông lệ nâng lãi suất trước để phòng rủi ro vốn được duy trì trong 30 năm qua nhằm hỗ trợ thị trường lao động và nền kinh tế.

Kết thúc cuộc họp chính sách trong hai ngày 15-16/9, tất cả 17 quan chức Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), cơ quan lập chính sách của Fed, cho biết họ kỳ vọng giữ lãi suất gần mức 0% cho đến ít nhất là năm 2021. Trong đó, 13 quan chức dự báo lãi suất sẽ giữ nguyên ở mức này cho đến năm 2023.

Như vậy, Fed đã tiếp tục giữ nguyên lãi suất ở 0-0,25% như dự đoán trên thị trường. Mức lãi suất này sẽ được duy trì cho đến khi lạm phát tăng liên tục, trên đà “vượt mức trung bình” mục tiêu 2%.

{keywords}
Nước Mỹ nhiều khả năng sẽ duy trì lãi suất thấp kỷ lục trong nhiều năm tới.

Trước đó, hôm 27/8, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết, ông đã được “cái gật đầu” từ tất cả 17 quan chức của FOMC để gạt bỏ thông lệ được duy trì trong 3 thập qua về chính sách kiềm chế lạm phát.

Tại hội nghị trực tuyến chuyên đề thường niên Jackson Hole, ông Powell cho biết, Fed quyết định thay đổi cách tiếp cận, tìm cách đạt mục tiêu lạm phát trung bình 2% theo thời gian. Điều đó có nghĩa, cơ quan tạo lập chính sách tiền tệ của Mỹ chấp nhận có giai đoạn lạm phát tăng nóng, cao hơn mức này, miễn sao bình quân của một giai đoạn vẫn là 2%.

Fed không ngần ngại vạch ra rõ những điều kiện cho các động thái lãi suất trong tương lai. Theo đó, lãi suất 0% sẽ được duy trì “cho đến khi các điều kiện của thị trường lao động chạm tới mức toàn dụng lao động (maximum employment) - trạng thái của nền kinh tế mà tất cả mọi người thuộc lực lượng lao động (trong độ tuổi lao động, có khả năng lao động, có nhu cầu làm việc với mức lương hiện hành trên thị trường lao động) đều có việc làm và nền kinh tế chỉ tồn tại thất nghiệp tự nhiên.

Điều kiện tiếp theo để nâng lãi suất là: lạm phát tăng lên mức 2% và có thể vượt ngưỡng 2% ở mức vừa phải trong một khoảng thời gian (some time), ám chỉ tới lạm phát trung bình trong một giai đoạn.

Không những thế, cũng trong phiên họp Fed cam kết hỗ trợ thêm cho nền kinh tế Mỹ đang đối mặt với sự hồi phục không đồng đều từ đại dịch Covid-19.

Fed cũng cam kết sử dụng toàn bộ công cụ để vực dậy nền kinh tế. Ngân hàng này nhấn mạnh sẽ tiếp tục mua trái phiếu Chính phủ Mỹ (khoảng 80 tỷ USD mỗi tháng) và chứng khoán đảm bảo bằng khoản thế chấp “ít nhất là ở nhịp độ hiện tại để duy trì sự vận hành suôn sẻ của thị trường” (40 tỷ USD mỗi tháng).

Donald Trump bứt phá trước thời điểm quan trọng

Ngay sau cuộc họp của Fed, chỉ số công nghiệp Dow Jones của Mỹ tăng hơn 300 điểm. Chốt phiên chỉ số này hạ nhiệt nhưng vẫn duy trì được sắc xanh. Đây là phiên tăng thứ 3 liên tiếp.

Trong phiên đầu tuần, chứng khoán Mỹ đã bừng sáng trở lại và chấm dứt đợt hoảng loạn nhờ nhóm cổ phiếu công nghệ bứt phá trong bối cảnh tổng thống Mỹ Donald Trump cứng rắn với Trung Quốc và các ông lớn công nghệ Mỹ bứt phá.

Các cổ phiếu công nghệ như Tesla của tỷ phú nổi tiếng Elon, Apple của Tim Cook, Nvidia, Oracle, Micron và Skyworks… đều tăng vọt. Trong khi Oracle thu hút sự chú ý vì vụ hợp tác với TikTok thì Nvidia trở thành tâm điểm sau thông tin ông lớn công nghệ Mỹ này mua nhà sản xuất con chip Arm Holdings từ SoftBank của tỷ phú Masayoshi Son với giá 40 tỷ USD.

Sau cú Mỹ thâu tóm Arm Holdings, hãng cấp phép sản xuất chip cho gần như toàn bộ điện thoại smartphone trên thế giới, cùng với việc Mỹ sở hữu những công ty sản xuất phần cứng lớn nhất thế giới như: Intel, Apple, Broadcom, Qualcomm, Marvell, Nvidia, AMD… thì cán cân cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung đã khá rõ ràng. Tương lai công nghệ của Trung Quốc giờ đây phụ thuộc hoàn toàn vào Mỹ.

{keywords}
Chủ tịch Fed Jerome Powell mang tới nhiều thuận lợi cho ông Donald Trump.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia trên báo chí quốc tế, chính sách mới của Fed là thông tin tích cực đối với thị trường chứng khoán Mỹ. Chính sách siêu nới lỏng cùng tham vọng vực dậy vững chắc nền kinh tế số 1 thế giới khiến giá cổ phiếu Mỹ được dự báo còn tăng tiếp và có thể lập các kỷ lục cao mới.

Tính từ đáy 23/3 cho tới kết thúc phiên đêm qua (giờ Việt Nam), chỉ số công nghiệp Dow Jones của Mỹ đã tăng 51% từ mức 18.591 điểm lên trên 28.000 điểm. Chỉ số tầm rộng S&P 500 cũng tăng 51% từ mức 2.237 điểm lên 3.385 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 61% từ 6.860 điểm lên 11.050 điểm.

Vốn hóa của thị trường chứng khoán Mỹ tăng thêm vài chục nghìn tỷ USD trong giai đoạn này và túi tiền của người dân Mỹ cũng tăng vọt. Đây là yếu tố có lợi cho ông Donald Trump trong bối cảnh cuộc bầu cử đang đến gần, theo kế hoạch sẽ diễn ra vào ngày 3/11 tới.

Theo báo chí Mỹ, ông Donald Trump vẫn được cử tri Mỹ đánh giá cao về việc điều hành kinh tế bất chấp nền kinh tế Mỹ suy sụp vì đại dịch Covid-19 và theo đó tỷ lệ thất nghiệp lên mức 2 con số.

Một vấn đề còn vướng mắc là gói kích thích kinh tế bổ sung nhằm cứu trợ người lao động gặp khó khăn. Sự bất đồng giữa Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa khiến nhiều người không kỳ vọng thỏa thuận sẽ được ký kết trước khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Tuy nhiên, Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows tỏ ra lạc quan về việc 2 đảng tại Mỹ sẽ đạt được một thỏa thuận kích thích kinh tế này. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng gợi ý trong một dòng tweet rằng ông sẽ hỗ trợ một gói lớn hơn.

Trong báo cáo cập nhật, FOMC dự báo kinh tế Mỹ suy giảm 3,7% trong năm nay, thấp hơn dự báo giảm 6,5% đưa ra hồi tháng 6. Triển vọng tăng trưởng GDP năm 2021, 2022 và 2023 lần lượt giảm 4%, 3% và 2,5%. Tỷ lệ thất nghiệp vào cuối 2020 là 7,6%, thấp hơn mức 9,3% đưa ra trước đó.

M. Hà