Tinh giản 40 nghìn người

Số lượng người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách khoảng 11 triệu người, bao gồm cả các đối tượng chính sách. Đó là con số chính thức được cung cấp tại Hội nghị “Chính phủ và Chính quyền địa phương” do Bộ Nội vụ tổ chức ngày 28/8/2018 (cập nhật đến tháng 3/2018).

Bộ máy cồng kềnh, chi ngân sách để nuôi bộ máy chiếm tỷ trọng lớn... là những vấn đề được đặt ra từ lâu. Vậy nên, thời gian qua, nhiều bộ ngành địa phương đã tiến hành sắp xếp, tổ chức lại bộ máy theo hướng tinh gọn hơn.

Báo cáo thực hành tiết kiệm chống lãng phí của Chính phủ cho thấy, một số bộ, địa phương đã đạt được kết quả về rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy trong năm 2018, như: Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, tỉnh Long An, tỉnh Kiên Giang, tỉnh Bắc Ninh,...

{keywords}
Chi ngân sách cho bộ máy còn rất lớn.

Đơn cử, Bộ Công an đã giảm 6 Tổng cục, 55 đơn vị cấp cục, 20 đơn vị Cảnh sát phòng cháy chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và giảm 819 đơn vị cấp phòng (trong đó, cơ quan Bộ giảm 287 phòng; Công an địa phương giảm 532 phòng).

Về đội ngũ cán bộ, ở cơ quan Bộ Công an giảm 35 lãnh đạo cấp Tổng cục, 55 Cục trưởng và tương đương, 287 Trưởng phòng và tương đương. Ở công an địa phương giảm 14 Giám đốc Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy tỉnh, thành phố; 174 Trưởng phòng và tương đương; 524 Đội trưởng và tương đương.

Còn Long An, sau sắp xếp cũng đã giảm 95 đầu mối tổ chức trực thuộc các sở, ngành, huyện; giảm 84 lãnh đạo quản lý (49 cấp trưởng và 35 cấp phó); giảm 192 đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập trên toàn tỉnh và giảm 175 lãnh đạo quản lý tại các đơn vị này (128 cấp trưởng và 47 cấp phó).

Liên quan đến việc tinh giản biên chế, báo cáo của Bộ Nội vụ ngày 24/12/2018 về tình hình thực hiện công tác cải cách hành chính năm 2018 cho thấy: Kết quả tinh giản biên chế, tính từ năm 2015 đến ngày 15/10/2018, tổng số biên chế cả nước đã được tinh giản là 40.500 người. Trong số đó, chiếm phần lớn vẫn là người hưởng chính sách về hưu trước tuổi với 34.948 người (chiếm gần 86,3%).

Thế nhưng, xem xét kỹ hơn sau con số báo cáo đó, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội thấy rằng: Việc tinh giản biên chế các cơ quan hành chính nhà nước, đẩy mạnh tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập để giảm chi ngân sách còn bất cập, cụ thể: Bộ máy nhà nước còn cồng kềnh, số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách còn nhiều.

“Qua giám sát cho thấy, việc tinh giản biên chế có nơi chưa gắn với cơ cấu lại cán bộ, công chức, viên chức mà giảm mang tính cơ học”, Ủy ban Tài chính ngân sách đánh giá. “Còn một số cơ quan hành chính nhà nước được hưởng cơ chế tự chủ tài chính như các đơn vị sự nghiệp công lập là chưa phù hợp”.

Sửa luật có giảm được người hưởng lương?

Để bộ máy tinh gọn hơn, Quốc hội đang thảo luận dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Dự thảo Luật nhằm đưa ra các quy định để hiện thực hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW của Đảng, kế hoạch 07 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

{keywords}
Giảm số lượng lãnh đạo đang nhận nhiều ý kiến khác nhau.

Một trong những điểm nổi bật của dự thảo Luật là Chính phủ đề xuất quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện và tiêu chí thành lập, số lượng biên chế tối thiểu, số lượng lãnh đạo cấp phó tối đa. Dự thảo giao Chính phủ quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, huyện (sở ngành, phòng ban).

Bộ Nội vụ cho rằng việc này được thực hiện trên tinh thần đảm bảo số biên chế tối thiểu cần phải có của một tổ chức để khắc phục tình trạng manh mún trong tổ chức và tình trạng “số lượng lãnh đạo nhiều hơn số người không giữ chức vụ lãnh đạo” như hiện nay.

Tuy nhiên, nhiều nội dung của dự thảo vẫn nhận được các ý kiến trái chiều, nhất là việc giảm số lượng cán bộ lãnh đạo.

Cụ thể, vấn đề khiến các Đại biểu Quốc hội tranh luận nhiều là Chính phủ đề xuất giảm số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện và giảm số lượng Phó Trưởng ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh

Ngay lập tức, vấn đề này có hai luồng ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị giảm số lượng lãnh đạo kể trên từ 2 người xuống còn 1 người. Loại ý kiến thứ hai đề nghị giữ nguyên số lượng 2 Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, không quá 2 Phó Trưởng ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh như quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành.

Chính phủ thống nhất với loại ý kiến thứ nhất, tức giảm số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện và giảm số lượng Phó Trưởng ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh.

Song, khi thẩm tra dự thảo Luật này, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội lại cho rằng Chính phủ cần có đánh giá tác động thật kỹ đối với các vấn đề nêu trên để đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng công việc chứ không chỉ nhằm mục tiêu giảm biên chế.

“Việc đánh giá tác động cần làm rõ nếu giảm số Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, số Phó Trưởng Ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh thì trên toàn quốc sẽ giảm được bao nhiêu biên chế và số lượng cán bộ dôi dư này sẽ sắp xếp, bố trí vào vị trí công việc nào cho phù hợp; đồng thời, chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND tăng lên hay giảm đi”, Ủy ban Pháp luật nêu ý kiến.

Trong khi đó, trên diễn đàn Quốc hội, nhiều ý kiến đã tỏ rõ sự không đồng tình. Có ý kiến cho rằng đi kèm với tinh giản biên chế thì phải gắn với nâng cao chất lượng hoạt động.

“Giảm số lượng có làm giảm chất lượng hoạt động của bộ máy không? Phải đánh giá cho được hiệu quả hoạt động thế nào, giảm có hiệu quả khi giảm số lượng không”, Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) nêu vấn đề.

Hà Duy