- Khi công nghệ thay đổi thì qui định cũng phải thay đổi theo. Đây là quan điểm về xây dựng chính sách được nhiều chuyên gia ủng hộ khi tranh cãi về trường hợp GrabTaxi.

Áp dụng cho nhiều lĩnh vực

Mới đây, Chính phủ đã chấp thuận cho GrabTaxi thí điểm “Triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng” (GrabCar). Tính đến nay, GrabTaxi là đơn vị duy nhất thí điểm mô hình này tại 5 tỉnh, TP: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa và Quảng Ninh.

Ông Vũ Thế Bình, Tổng giám đốc Công ty CP Netnam, cho rằng, ứng dụng CNTT ở Việt Nam hiện còn thấp và chưa thể so sánh với các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia và đương nhiên không thể so sánh với Singapore.

“Việc thí điểm GrabCar sẽ thúc đẩy công tác quản lý theo kịp sự phát triển của xã hội. Sắp tới, sẽ có nhiều mô hình ứng dụng CNTT như thế và việc của các cơ quan quản lý nhà nước là thúc đẩy sự phát triển này để thuận lợi quản lý và tiện lợi cho người dân”, ông Bình nói.

Ông Trương Anh Tuấn, chuyên gia CNTT từ Công ty iWay, nhận định: "Tôi cho rằng, mô hình này có thể áp dụng tương tự trong nhiều ngành khác như khách sạn, nhà hàng, hay thậm chí sửa chữa, cứu hộ... và mang lại hiệu quả ngay lập tức cũng như lâu dài".

{keywords}

“Việc cho GrabTaxi thực hiện phần mềm quản lý sẽ thúc đẩy công tác quản lý theo kịp sự phát triển của xã hội".

Việc áp dụng những mô hình như GrabCar vừa giúp các cơ quan quản lý tốt hơn, vừa kiểm soát được chất lượng dịch vụ, mang lại lợi ích cho người dân.

Xu hướng không thể đảo ngược trên thế giới là ứng dụng CNTT để giảm giá thành và nâng cao chất lượng dịch vụ. Nguyên tắc của quá trình đó là quản lý nhà nước phải thay đổi để theo kịp phát triển xã hội.

"Thay vì thiết lập tổng đài tốn nhiều nhân công, thuê văn phòng, chi phí điện, điện thoại, mạng lưới liên lạc riêng... thì những mô hình kiểu như GrabTaxi chỉ cần một hệ thống máy chủ, phần mềm, mạng được vận hành ổn định, chi phí sẽ rẻ hơn rất nhiều. Hành khách được phục vụ tốt. Đặc biệt, khách hàng được quyền nhận xét, phản ánh tức thời về chất lượng dịch vụ; những lái xe kém sẽ phải tự thay đổi hoặc bị thải loại... những điều này khiến cho chất lượng dịch vụ chung ngày càng nâng cao", ông Tuấn chia sẻ.

Tất cả những việc này gần như là bất khả thi nếu không ứng dụng CNTT. Và chính điều đó tạo sức ép về minh bạch buộc ra quyết định nhanh hơn, phục vụ khách hàng tốt hơn. Và những mô hình như GrabTaxi dù còn nhiều tranh cãi nhưng đang đàn được nhân rộng ở nhiều TP lớn trên thế giới buộc các hãng taxi truyền thống đã phải thay đổi để cạnh tranh.

Taxi buộc phải thay đổi

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho hay: "GrabTaxi chia sẻ, bản thân tôi và các thành viên gia đình cũng thường xuyên sử dụng dịch vụ của GrabTaxi vì giá rẻ và cứ điều gì mang lại lợi ích cho người dân thì nên ủng hộ.

{keywords}

Các DN trong lĩnh vực vận tải phải cải tiến cách quản lý, điều hành, đưa công nghệ mới vào quản lý taxi, giảm chiều xe chạy rỗng… để hạ giá thành cước.

Trong khi đó, trước yêu cầu của Chính phủ về GrabCar, địa diện Grabtaxi cho rằng, đề án này được xây dựng với mục tiêu để góp phần làm sáng tỏ những vấn đề còn vướng mắc trong quá trình cung cấp giải pháp CNTT trong hoạt động vận tải, nhằm tạo cơ sở thực tiễn cho việc đưa ra các giải pháp chính sách phù hợp trong lĩnh vực này. Qua giải pháp này sẽ cập nhật danh sách các hãng xe kết nối dịch vụ, giúp các cơ quan chức năng giám sát nghĩa vụ thuế và trách nhiệm đối với hành khách.

Ông Bùi Danh Liên khuyến cáo, các DN trong lĩnh vực này phải cải tiến cách quản lý, điều hành, đưa công nghệ mới vào quản lý taxi, giảm chiều xe chạy rỗng… để hạ giá thành cước vận tải.

Ông Vũ Thế Bình cũng cho rằng: "Điều giá trị khi trải nghiệm dịch vụ GrabTaxi là sự minh bạch của nhà cung cấp dịch vụ. Điểm mấu chốt không phải là công nghệ, mà mấu chốt là người dùng có cơ hội hưởng dịch vụ tốt hơn với chi phí thấp hơn và chỉ có cạnh tranh và ứng dụng công nghệ, thì mới có thể đạt được điều đó".

Với các hãng taxi truyền thống, ông Bình nhận định, chính họ đang tích cực ứng dụng công nghệ vì từ lâu nay chi phí của các hãng không được tối ưu. Và công nghệ cũng giúp minh bạch, người dùng có tác động rõ ràng đến chất lượng dịch vụ hơn…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho biết: tôi cũng biết là cũng có chỗ này chỗ kia đề nghị hạn chế, thậm chí cấm đoán loại hình xe Uber hay Grab, nhưng nói chung là anh không nên lấy lý do này, lý do kia để hạn chế quyền tự do lựa chọn dịch vụ của người dân. Có thể về mặt luật pháp, cũng phải làm rõ để tạo khuôn khổ cho dịch vụ mới hoạt động được. Nhưng cơ bản, khoa học kỹ thuật phát triển thì qui định, chính sách cũng phải thay đổi theo. GrabCar là hoạt động theo cách thức, theo công nghệ mới thì qui định nào không phù hợp thì chúng ta phải sửa.

Việt Hà