Mới đây, một fanpage đã đăng tải một clip và ghi chú là cảnh nông dân sản xuất gạo giả khiến dư luận hoang mang. Tuy nhiên, sự thật đằng sau clip này khiến nhiều người ngỡ ngàng.

Một fanpage nổi tiếng trên mạng xã hội Facebook vừa mới đây đăng tải một clip gây xôn xao dư luận với dòng trạng thái: "Người nông dân bây giờ họ sản xuất gạo nhanh quá bà con ạ".

Trong clip, một người phụ nữ đảo đều cát trong chiếc chảo gang nóng, chỉ trong vài giây những hạt màu trắng như gạo nở đầy trong chảo, người phụ nữ chỉ việc lấy dụng cụ gạt hạt gạo ra ngoài. Những động tác điêu luyện của người phụ nữ khiến nhiều người phải thốt lên: "Ảo quá", "Cứ như ảo thuật ấy". Ngay khi đăng tải, clip này nhanh chóng nhận được hơn 7 trăm nghìn lượt xem và hơn 17.000 lượt chia sẻ.

{keywords}

Clip đăng tải với nội dung nghi vấn đây là hành động làm gạo giả khiến cộng đồng mạng tỏ ra hoang mang.

Trước đó, sự việc gạo giả làm từ nhựa xuất hiện ở Trung Quốc đã từng gây chấn động dư luận các nước châu Á trong đó có Việt Nam. Bởi vì gạo được coi là nguồn lương thực chủ yếu của nhiều nước. Nếu gạo bị làm giả thì người dân không còn biết mình nên lựa chọn thực phẩm nào nữa. Bởi vậy, clip được cho là cách người ta làm gạo giả ngay lập tức gây ra hoang mang trong dư luận.

Tuy nhiên, sự thật đằng sau clip làm gạo giả này lại khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng. Nếu những ai đã từng trải qua tuổi thơ ăn bỏng gạo hoặc chứng kiến cảnh người dân rang thóc, nổ thành bỏng gạo thì có lẽ sẽ không thấy những hình ảnh trong clip trên lạ lẫm. Bởi thực tế, đây chỉ là clip ghi lại cảnh một người phụ nữ nổ bỏng gạo mà thôi. Tuy nhiên những cảnh rang gạo đã được cắt ghép tạo thành một clip "làm gạo giả" nhanh như đang "ảo thuật".

Theo đó, người ta sẽ rang một nắm thóc cùng với cát trong một chiếc chảo nóng. Với nhiệt độ cao, những hạt thóc sẽ nổ để trở thành bỏng gạo. Nhờ cho thêm cát mà những hạt gạo nổ ra không bị cháy, nở đều hạt hơn. Đây là cách làm nổ bỏng truyền thống của nhiều nước trong đó có Việt Nam, trong miền Tây người ta gọi đây là rang cốm.

{keywords}

Khi clip này đăng tải, nhiều người cũng đã tinh mắt và đoán ra sự thật này. Nhiều ý kiến bình luận đã chỉ ra rằng fanpage này đưa ra thông tin hoàn toàn không đúng sự thật.

Tại Ấn Độ, người ta cũng từng đăng tải một clip ghi lại quá trình nổ bỏng ngô. Người dân nơi đây cũng sử dụng cát cùng hạt ngô rang đều trên chiếc chảo gang nóng. Một lúc sau, những hạt ngô này sẽ nổ thành bỏng ngô trắng đều mà chúng ta vẫn thường ăn.

Có thể thấy, đây lại là một trường hợp đăng thông tin thất thiệt và sai lệch, gây hoang mang dư luận thường thấy tại một số diễn đàn trên mạng xã hội hiện nay, lợi dụng việc người dân đang rất lo lắng về thực phẩm bẩn hay thực phẩm giả. Trước đó một vụ việc tương tự như trên đã xảy ra. Những hình ảnh về xưởng sản xuất làm giả Coca Cola rất bẩn thỉu được đăng tải trên một fanpage đã thu hút tới hơn 50.000 lượt chia sẻ và hàng nghìn comments, khiến nhiều người vốn là tín đồ của loại đồ uống này hoang mang. Tuy nhiên, thực tế, đây hoàn toàn không phải là hình ảnh ở Việt Nam mà là những hình ảnh được lấy từ một đợt truy quét hàng giả của chính quyền thành phố Gujranwala, Pakistan.

Đã quá nhiều trường hợp cảnh báo về thói quen like, share một cách vô tội vạ, khi sự việc chưa hề được kiểm chứng khiến cho cộng đồng mạng và dư luận xã hội hoang mang. Vì vậy, trước mỗi nguồn thông tin trôi nổi, người dùng mạng ở Việt Nam cần hết sức tỉnh táo, tránh để mình trở thành nạn nhân bất đắc dĩ của thế giới ảo.

Hành vi cung cấp thông tin không đúng sự thật trên internet là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt hành chính.

Cụ thể tại Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 11 năm 2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, Điều 64 khoản 3 điểm a quy định hành vi Cung cấp nội dung thông tin sai sự thật sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000đ – 30.000.000đ (Đối với tổ chức vi phạm) và từ 10.000.000đ – 15.000.000đ (Đối với cá nhân vi phạm).

“Việc cung cấp thông tin không đúng sự thật làm ảnh hưởng đến an ninh, an toàn thông tin, khiến cho người tiếp nhận thông tin hoang mang, lo lắng dẫn đến trật tự xã hội không được đảm bảo. Vì vậy để tránh tình trạng này, trước khi đưa thông tin lên mạng internet, mạng xã hội, người đưa thông tin cần tỉnh táo, thận trọng kiểm tra mức độ chính xác của nguồn tin. Nếu thông tin không đảm bảo, nửa vời, nhất quyết không sử dụng thông tin đó để vừa không làm ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội, vừa tránh nguy cơ bị pháp luật xử lý.

(Theo Trí thức trẻ)