Báo cáo Chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) năm 2015 của Tổng cục Thống kê cho biết, TP HCM có chi phí sống rẻ hơn Hà Nội đến 2,61%.

Trong những chuyến công tác ra thủ đô, chị Trần Kim Anh (quận 6, TP HCM) cho hay, rất khó để kiếm được quán cơm bình dân với giá 20.000 đồng mỗi suất ở các quận trung tâm. Thông thường, giá một phần cơm dao động 30.000-60.000 đồng. Trong khi đó, theo lời chị, ở TP HCM, tìm được một suất cơm bình dân với giá 20.000 đồng ở quận trung tâm không khó.

Cũng từng là khách du lịch đến Hà Nội, anh N.Q.Duy (quận 3, TP HCM) chia sẻ, năm 2015, anh ra thủ đô. Tô miến gà có giá 50.000 đồng, cánh gà 40.000 đồng, trà đá 5.000 đồng một cốc. Tuy nhiên, bữa ăn có chất lượng không đến mức phải "xuýt xoa". Theo đánh giá của du khách này, giá bán như vậy là quá cao so với chi phí nguyên liệu đầu vào.

{keywords}
Chi phí sinh hoạt tại các quận trung tâm Hà Nội tương đối cao. Ảnh minh họa: Anh Tuấn.

Trong khi đó, một bộ phận khách hàng Hà Nội cũng đồng tình giá một số dịch vụ cùng loại ở các quận trung tâm TP HCM rẻ hơn so với Hà Nội.

Anh Nghĩa (Cổ Nhuế, Hà Nội) cho hay, từng đi công tác nhiều ở TP HCM. Tại các quận trung tâm như 1, 3, anh vẫn có thể tìm được hàng cơm bình dân. Tuy nhiên, nếu có nhu cầu dùng sản phẩm cao cấp hơn, anh cũng sẵn sàng được đáp ứng.

Tuy nhiên, ở Hà Nội, nếu không tính các quận trung tâm mà "cào bằng" giá cả cả ở các quận vùng ven, dịch vụ cũng không quá đắt đỏ. Song yếu tố được nhấn mạnh là chênh lệch giá giữa khu vực trung tâm và vùng ven, có khi lên đến 2-3 lần.

Dù gánh nặng về chi phí mặt bằng cũng xảy ra với người kinh doanh tại TP HCM, song áp lực không quá lớn.

“Nếu cùng một phần mỳ Ý tại các quán ở quận 1 có giá 100.000 đồng thì ở các khu quận 4, quận 5 sẽ không tới 60.000 đồng, mặc dù độ ngon thật sự không hoàn toàn chênh lệch”, chị Nguyễn Thanh Phương Thy (nhân viên văn phòng, quận 1 TP HCM) chia sẻ.

Theo chị Thy, người TP HCM ngoài việc quan tâm đến giá cả, họ còn quan tâm đến điểm đến, lựa chọn những nơi có không gian đẹp, thuận tiện di chuyển, gặp mặt bạn bè và đặc biệt đồ ăn thức uống phải phù hợp với khẩu vị cũng như cung cách phục vụ của nhân viên.

"Bước chân vào một quán cà phê tại quận 1 với không gian sang trọng, thơm tho sẽ tự động thấy đồ uống ngon lành, dù một ly nước 60.000-70.000 đồng thì cũng thấy bình thường”, khách hàng này chia sẻ.

Vì sao chi phí sống ở TP HCM rẻ hơn Hà Nội?

Lần công bố chỉ số SCOLI năm 2010-2014, khi chọn Hà Nội là gốc so sánh, TP HCM có chỉ số cao nhất giai đoạn 2010-2012. Chỉ số này cao hơn Hà Nội 1,2% vào 2010 và 0,8% vào 2011. Nhóm học phí ở TP HCM cao hơn Hà Nội 40%.

Các năm sau đó là 2013-2014, TP HCM vẫn xếp thứ 4 và thứ 6 cả nước về mức độ đắt đỏ. Giá một số mặt hàng, trong đó có lương thực, thực phẩm, đồ uống rẻ hơn Hà Nội. Dù vậy, nhóm giáo dục, thiết bị đồ dùng gia đình và hàng hóa dịch vụ khác vẫn cao hơn Hà Nội 4-7%.

{keywords}
Giá dịch vụ tại TP HCM rẻ hơn Hà Nội do thực hiện bán hàng bình ổn giá. Ảnh minh họa: Anh Tuấn.

Còn kết quả năm 2015 cho thấy, chi phí sinh hoạt tại TP HCM, đặc biệt với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, may mặc, đồ uống… không tăng đột biến và thấp hơn Hà Nội từ 1-8%.

Lý giải về sự chênh lệch giá của TP HCM và Hà Nội, ông Vũ Vĩnh Phú, Chủ tịch Hiệp hội các siêu thị ở Hà Nội cho biết, về khách quan, Hà Nội được biết đến là một đô thị rất lớn so với TP HCM. Hà Nội cũng hầu như không sản xuất hàng hóa. Hơn nữa, hàng hóa tại đây cũng thường ngon nhất, tốt nhất, sản vật thường tập trung tại địa bàn này.

Thứ hai, theo ông Phú, nguồn hàng của Hà Nội như rau, củ, quả... thường từ phía Nam đổ về. Chi phí vận chuyển những mặt hàng như vậy đã cộng thêm mấy phần trăm, khiến giá đến tay người tiêu dùng bị đội lên.

Về chủ quan, theo ông, hệ thống phân phối của Hà Nội rất kém. Việc mua bán hàng hóa Hà Nội không hình thành chợ đầu mối như TP HCM, nhiều khâu, qua nhiều thương lái nên cộng thêm khoảng 10% vào hàng hóa.

"Môi trường kinh doanh của Hà Nội chậm hơn, không nhanh nhạy trong buôn bán như TP HCM. Cách làm ăn còn chịu ảnh hưởng bởi bao cấp, nhiều quá, hàng hóa không bán công khai gia, chỉ công khai ở siêu thị... Một sản phẩm cạnh tranh, méo mó và ví dụ một lô hàng rau từ các tỉnh miền núi đổ về thủ đô phải qua rất nhiều trạm kiểm soát. Còn người dân có sản phẩm nhưng họ không biết tiêu thụ ở đâu", ông nói.

Tuy nhiên, việc đánh giá chênh lệch trong chi phí sống tại các quận trung tâm ở Hà Nội, TP HCM còn cần dựa vào tập quán sinh hoạt từng vùng.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê đã công bố báo cáo Chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) năm 2015 thì Lai Châu là địa phương có mức giá sinh hoạt cao nhất cả nước trong năm 2015 (cao hơn 0,3% so với Hà Nội), tiếp đến là Hà Nội, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, TP HCM…

Trong khi đó, Trà Vinh là tỉnh có chỉ số giá sinh hoạt rẻ nhất cả nước (rẻ hơn Hà Nội 19,28%). Đặc biệt, tại Trà Vinh, giá nhóm hàng thuốc và dịch vụ y tế thấp nhất, rẻ hơn Hà Nội tới 26,23%; ăn uống rẻ hơn 18,61%. Xếp sau Trà Vinh về giá rẻ là Thái Bình, Vĩnh Long…

Theo báo cáo Trà Vinh là tỉnh có mức phí sinh hoạt dịch vụ thấp nhất cả nước, ngoài các nhóm hàng thuốc, dịch vụ y tế,… thì giá cả sinh hoạt quán xá, tiêu dùng, hàng chợ cũng thấp.

Theo Zing