Mặc dù công dụng cũng như mùi vị không khác mấy so với quất Việt, song, do tâm lý sính ngoại và e sợ hàng giá rẻ không an toàn nên giới nhà giàu Việt vẫn quyết tâm lùng mua bằng được loại quất của Nhật Bản, Hàn Quốc để về làm đồ uống giải nhiệt mùa hè dù giá của chúng lên đến nửa triệu đồng/kg.

Chưa đến hè, thời tiết Hà Nội những ngày này vẫn còn khá lạnh, nhưng chị Nguyễn Kim Thoa ở Liễu Giai (Ba Đình, Hà Nội) đã đặt mua hẳn 5kg quất của Nhật Bản về để làm siro cho gia đình uống giải nhiệt mùa hè.

Chị Thoa chia sẻ, loại siro quất pha nước uống giải nhiệt mùa hè cực tốt và thơm ngon. Thế nhưng, khoảng 3 năm trở lại đây, năm nào vào khoảng thời gian này chị cũng tìm mối đặt mua cho bằng được loại quất của Nhật Bản để về làm siro mặc dù giá của chúng đắt gấp cả chục lần quất Việt hay quất Thái.

"Quất Việt có giá khá rẻ, nhưng chính điều đó lại khiến tôi e sợ chúng có nhiều chất bảo quản độc hại. Do đó, tôi cứ phải chọn mua quất Nhật cho yên tâm", chị Thoa nói.

Cùng quan điểm nên chị Nguyễn Ánh Hồng ở Trung Kính (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng phải mua vài ký quất về vắt lấy nước đun cùng đường phèn để làm siro uống giải nhiệt trong những ngày hè oi bức. Tuy nhiên, từ khi biết làm món siro quất, chị chưa bao giờ chọn mua hàng giá rẻ (loại quất của Việt hay Thái vẫn được bán ngoài chợ) mà luôn phải chọn mua các loại quất là hàng xách tay từ Nhật Bản hay Hàn Quốc. 

{keywords}
Dân giàu lùng mua loạt quất Nhật Bản, Hàn Quốc về làm siro uống giải nhiệt mùa hè

"Quan điểm của tôi là hàng đắt tiền đồng nghĩa với chất lượng tốt và được đảm bảo. Thế nên, cứ loại quất nào có giá đắt thì tôi mua", chị Hồng chia sẻ.

Theo chị Hồng tâm sự, khoảng 5 năm trở lại đây, chị luôn bị ám ảnh nặng về chuyện hoa quả bị ủ ướp đủ các loại hoá chất, nhất là các loại hoa quả của Trung Quốc. Cứ thấy loại hoa quả nào mà giá rẻ rẻ thì chị suy nghĩ ngay ra chuyện người trồng chắc phun lắm thuốc, cây đậu nhiều quả nên giá bán mới rẻ thế. Cũng chính từ lý do đó mà chị thường xuyên chọn mua các loại hoa quả nhập ngoại.

Trao đổi với PV, anh Phạm Văn Minh, chủ một cửa hàng chuyên bán hoa quả ngoại tại Láng Hạ (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, thời điểm hiện tại đang vào mùa đặt hàng loại quất ngoại về làm siro giải nhiệt mùa hè. Theo đó, cửa hàng của anh mỗi ngày nhận được khoảng vài chục đơn hàng đặt hàng quất Nhật Bản với số lượng quất lên đến hàng tạ.

Tuy nhiên, khi hỏi về chất lượng của loại quất có xuất xứ từ Nhật Bản cũng như loại quất Hàn Quốc có khác gì so với quất Việt, Thái, anh Minh phải thừa nhận rằng, chúng chỉ khác mỗi nhau về giá cả. Loại quất nội giá chỉ tầm 30.000 đồng/kg, quất Thái thì đắt hơn xíu, còn quất của Nhật, Hàn luôn có giá từ 400.000-500.000 đồng/kg tuỳ loại.

"Hình dáng thì không khác gì nhau, trái đều thon dài, vỏ có vị ngọt, còn ruột (múi) có vị chua, mùi thơm cũng như nhau", anh Minh tiết lộ.

Song, theo anh Minh, dân Việt có tâm lý sính ngoại, đặc biệt là giới nhà giàu. Lúc nào họ cũng ưu tiên chọn hàng ngoại mặc dù giá của chúng cao gấp cả 10-20 lần giá trái cây nội.

Theo anh Minh, giới nhà giàu vẫn thường nghĩ, hàng đắt thì tính an toàn cao hơn, chất lượng quả ngon hơn, ít dùng thuốc bảo quản độc hại hơn. Nhưng điều này cũng chỉ đúng một phần, bởi phần lớn hàng được gắn "mác ngoại", do phí vận chuyển cao nên về Việt Nam mọi người chấp nhận phải mua với giá đắt đỏ như vậy.

Đơn cử như quả bơ cũng vây. Vào mùa bơ Việt chính vụ, hàng được đảm bảo ngon sạch, không dùng thuốc thang gì thì loại ngon giá cũng chỉ có 40.000-60.000 đồng/kg, thời điểm đầu vụ và cuối vụ giá lên đến 80.000-100.000 đồng/kg. Nhưng tại cửa hàng, khách vẫn không mua bơ nội, cứ chọn bơ Mỹ với giá gần 400.000 đồng/kg.

Hay như thời điểm này, quất tại của Việt Nam khá rẻ nhưng khác vẫn lùng mua quất có xuất xứ từ Nhật, Hàn với giá gần nửa triệu đồng/kg để về làm đồ uống giải nhiệt mùa hè dù chất lượng của chúng không chênh nhau là mấy, anh Minh cho hay.

Như Băng