Ngay sau quyết định thoái toàn bộ vốn Nhà nước tại Vinamilk, cổ phiếu này đã bứt phá rất mạnh, có lúc tăng trần hết biên độ cho phép.

Ngay sau khi nhận được thông tin Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh vừa ký văn bản 1787/TTg-ĐMDN cho phép Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) chọn thời gian thích hợp để thoái hết vốn tại 10 DN lớn, các cổ phiếu thuộc nhóm này đã tăng mạnh.

{keywords}

Theo đó, 10 DN mà SCIC được quyền chọn thời điểm thích hợp để trình phương án thoái vốn có Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk (VNM), Công ty Cổ phần FTP (FPT), Công ty Cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom), Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh (BMC), Bảo Minh (BMI)...

Trong đó, nổi bật là quyết định thoái toàn bộ 45,1% vốn Nhà nước tại Vinamilk. Tính theo thị giá, phần vốn Nhà nước tại Vinamilk hiện có giá trị gần 2,5 tỷ USD.

Mở cửa phiên giao dịch 14/10, cổ phiếu VNM đã tăng mạnh, có lúc tăng trần lên 109.000 đồng/cp. Hiện tại, VNM đang được giao dịch ở mức 107.000 đồng/cp, tăng 5.000 đồng/cp so với mức giá tham chiếu.

Cổ phiếu FPT tăng 1.700 đồng lên 47.200 đồng/cp, có lúc cổ phiếu này đã lên tới 47.900 đồng/cp; VNR và BMI tăng trần. Các cổ phiếu NTP, BMP… đều tăng mạnh lên sát trần….

Bên cạnh VNM, SCIC dự kiến thu về khoảng 500 triệu USD từ việc thoái vốn các DN còn lại. Tổng cộng nhà nước sẽ thu về khoảng 3 tỷ USD.

Cũng theo quyết định, Chính phủ cũng cho phép SCIC tiếp tục nắm giữ vốn đầu tư dài hạn đối với 9 công ty, gồm: Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư SCIC (SIC), Công ty TNHH Một thành viên Khai thác và Chế biến đá An Giang, Công ty Cổ phần Cảng Vũng Áng Việt Lào, Công ty Cổ phần Đầu tư Bảo Việt-SCIC, Tập đoàn Bảo Việt, Công ty TNHH Hai thành viên Đầu tư thương mại Tràng Tiền, Công ty Cổ phần Traphaco, Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu y tế Domesco.

6 tháng đầu năm 2015, doanh thu của SCIC đạt 4.936 tỷ đồng, tăng 62% so với cùng kỳ năm 2014 và lợi nhuận sau thuế đạt 3.585 tỷ đồng.

M. Hà