Trong khi nhiều chuyên gia, doanh nghiệp trong nước e ngại về triển vọng kinh tế Việt Nam thì các tổ chức, chuyên gia nước ngoài đồng loạt đánh giá cao và có cái nhìn tích cực về Việt Nam.

Bên ngoài lạc quan

Dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ giảm tốc vào 2017 nhưng nhìn chung Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa có cái nhìn khá tích cực về kinh tế có quy mô hơn 190 tỷ USD.

Ông Eric Sidgwick - Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2016 vẫn sẽ theo chiều hướng tích cực và được dẫn dắt bởi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cao, tiêu dùng và cầu trong nước gia tăng, cùng với các chính sách hỗ trợ tăng trưởng.

Ông Aaron Batten, chuyên gia kinh tế của ADB, tác giả chính của bản báo cáo nhận định, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,7% trong năm 2016, sau đó tăng chậm lại ở mức 6,5% vào năm 2017.

{keywords}
Các dự báo quốc tế lạc quan về kinh tế Việt Nam.

Dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể nói khá cao, so với dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới chỉ 1,5-3% của IMF, CitiGroup…

Trước đó, Bloomberg cũng rất lạc quan về kinh tế Việt Nam. Theo đó, kinh tế Việt Nam sẽ lọt nhóm tăng trưởng nhanh nhất thế giới với mức tăng GDP được dự báo gần 7% trong năm 2016. Kinh tế Việt Nam được dự báo tăng mạnh bất chấp các nền kinh tế lớn trên thế giới đang ì ạch và các nền kinh tế mới nổi lớn như Nga, Brazil và Trung Quốc đang chững.

ANZ khẳng định Việt Nam là điểm sáng trên thị trường mới nổi. Nền kinh tế Việt Nam có diễn biến vượt trội ở châu Á, với mức tăng trưởng 2015 vượt dự báo.

Hồi cuối 2015, ông Glenn Maguire thậm chí còn dự báo Việt Nam sẽ vào nhóm "nền kinh tế VIP", vượt tăng trưởng của Trung Quốc, với GDP có thể tăng trưởng tới 7% hoặc thậm chí cao hơn vào năm 2017. Theo ANZ, trong khu vực châu Á chỉ có 3 nền kinh tế hiếm hoi gồm: Việt Nam, Ấn Độ và Philippines sẽ ít chịu ảnh hưởng tiêu cực từ kinh tế thế giới.

Financial Times nhìn nhận nền kinh tế Việt Nam dưới góc độ thị trường BĐS hấp dẫn và có tiềm năng để bùng nổ. Còn tạp chí Forbes đánh giá tiềm năng của Việt Nam với động lực phát triển là dân số 94 triệu dân, phần lớn là dân số trẻ cùng với nỗ lực đổi mới nhanh chóng theo định hướng thị trường.

Straits Times thậm chí còn cho rằng, độ hấp dẫn của Việt Nam đối với giới đầu tư quốc tế trong thời gian tới sẽ chỉ có tăng, chứ không giảm, nhờ sự ổn định chính trị, giá nhân công rẻ và sự gia tăng về lượng của tầng lớp thu nhập trung bình. Hội nhập còn giúp Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn nữa.

Kinh tế Việt Nam thăng hoa?

Trái ngược với những đánh giá tích cực từ nhiều tổ chức và chuyên gia nước ngoài, đa số các chuyên gia và DN trong nước có cái nhìn tiêu cực hơn. Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc Gia (NFSC) lo ngại dư địa đầu tư phát triển cũng rất hạn hẹp và nguồn lực tài chính quốc gia hạn chế do nợ công gần chạm ngưỡng 65%.

PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế khẳng định, tình hình ngân sách năm nay đã gay go và năm sau cũng sẽ tiếp tục như vậy thì sẽ ảnh hưởng tới thị trường tài chính Việt Nam.

Chuyên gia này cho rằng, nền kinh tế nhìn từ ngoài như người mặc áo đẹp, cởi ra mới thấy có vấn đề.

{keywords}
Dư địa cải cách của Việt Nam không còn nhiều.

Nhiều chuyên gia cho rằng, trong vài năm gần đây, nền kinh tế có khá kết quả tốt đẹp nhưng nỗi lo tụt hậu vẫn thường trực.

Trên thực tế, theo số liệu từ GSO, trong 10 năm qua, GDP đã tăng trưởng 4 lần từ mức 1 triệu tỷ đồng hồi 2006 lên gần 4,2 triệu tỷ đồng năm 2015. GDP đầu người đã lên hơn 2,2 ngàn USD, gấp hơn 20 lần so với hồi 1990. Tuy nhiên, con số này mới chỉ bằng của Philippines, Indonesia, Malaysia, Thái Lan 5-20 năm trước đây. Việt Nam được đánh giá đi sau Thái Lan 20 năm, Hàn Quốc 35 năm.

Dự báo tốc độ tăng trưởng giảm nhẹ vào năm 2017 của ADB là điều đáng phải suy ngẫm. Đó là chưa kể tới những rủi ro và thách thức mà Việt Nam đang đối mặt.

Trên thực tế, không phải đánh giá của tổ chức nước ngoài đều có màu hồng. Trong báo cáo công bố ngày 30/3, ông Aaron đến từ ADB cho rằng, Việt Nam chịu rủi trước những bất ổn trên thị trường toàn cầu khi hội nhập sâu rộng. Theo đó, Việt Nam được đánh giá là dễ bị ảnh hưởng về thương mại nhất trong khối ASEAN khi nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại.

Cũng theo ông Aaron, nền kinh tế VN phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu. Đây là một thách thức lớn. Bên cạnh đó, áp lực nợ công, chi phí trả lãi nợ nước ngoài tăng nhanh, sự suy giảm cán cân thanh toán, dự trữ ngoại hối giảm, nợ xấu chưa được giải quyết thấu đáo (chủ yếu chuyển nợ cho VAMC), cải cách DNNN chưa sâu… có thể ảnh hưởng tới tăng trưởng của Việt Nam.

Ảnh hưởng từ sự suy giảm nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới cũng là điều đáng bàn. Thế giới tình hình chung kém đi, trong khi Việt Nam được cho là tốt lên, bơi băng băng là điều phải suy nghĩ.

Tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam vẫn dựa nhiều vào xuất khẩu và đầu tư. Tuy nhiên, xuất khẩu có thể bị ảnh hưởng vì thế giới. Đầu tư trong khi đó cũng có thể bị ảnh hưởng do FDI có nguy cơ chững lại, ODA cho Việt Nam cũng ngày càng hạn hẹp. Tới 2017, ODA ưu đãi từ WB sẽ bị chấm dứt, còn vốn ưu đãi từ ADB sẽ không còn từ 2019. Các chính sách hỗ trợ tăng trưởng của Chính phủ, thông qua các chính sách tài khóa và tiền tệ ngày càng bị bó hẹp do không còn nhiều dư địa.

Đây có lẽ là một bài toán khó để thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn nữa, giúp thu hẹp khoảng cách với các nước trong khu vực.

V. Hà