Quán ăn có tên Thúy Linh nằm trên đường Trần Văn Đang, bên bờ kè kênh Nhiêu Lộc là một trong những quán ăn đặc biệt nhất nhì Sài Gòn bởi nhân viên đều là những người thuộc giới tính thứ ba.

Vất vả gây dựng

Thúy Linh là tên của quán ăn này như bao địa điểm ăn chơi khác của dân Sài Gòn về đêm, bao gồm dân nhậu và cả những người thích khám phá ẩm thực. Cái tên "Lẩu pê-đê" được đặt không phải bởi khách là dân đồng tính mà bởi nhân viên của quán. Họ tự gọi mình là "pê-đê", ăn vận phục sức như nữ giới cùng dáng điệu uyển chuyển khiến quán dần có biệt danh đó. Tuy nhiên với điểm đặc trưng dị biệt, cách gọi vô cùng bình dân "lẩu pê-đê" truyền tai nhau khiến người ta nhớ nó hơn là cái tên mỹ miều kia.

Là nơi mưu sinh của một nhóm người thuộc giới tính thứ 3, quán Thúy Linh khởi đầu là một quán ăn lề đường ở bờ kè kênh Nhiêu Lộc cách đây trên dưới 10 năm do chị Lê Thị Thu Thủy lập ra, cốt tìm con đường mưu sinh cho những người thân trong gia đình vốn thuộc giới tính thứ ba. Trong xã hội thời đó, việc nhìn nhận giới tính này còn vô vàn khó khăn, người "trót" phải mang phận "bóng gió" - như cách gọi nôm na của dân trong giới với nhau - rất khó kiếm được công ăn việc làm như người thường.

{keywords} 

Hầu như cách duy nhất để họ mưu sinh là trông chờ vào việc buôn bán vặt hoặc cay đắng đánh đổi thân xác để mua vui trong các đám tiệc. Để gây dựng nên quán ăn lề đường này là cả một cố gắng lúc bấy giờ, khi người ta không muốn phải tuyệt đường sa vào tệ nạn xã hội. Chính nơi đây đã tạo công việc mưu sinh cho nhiều người. Ban đầu, lượng khách của quán đa phần là người quen, người trong giới đến để ủng hộ nhau, để gặp gỡ và tìm một nơi để thỏa lấp tâm sự về phận mình.

Từ quán nhỏ chỉ có ba người phục vụ, sau thời gian gây dựng họ đã có hẳn hoi một quán ăn có đầy đủ nhân viên phục vụ từ khâu đón khách đến bãi xe, dọn chỗ, bưng bê rồi chạy bàn. Tuy nhiên, theo chị Thủy, nhân viên quán ít ai trụ lại được. "Giới này như vậy mà em, họ đến được thì đi được mấy hồi, không có gì níu họ lại được", chị Thủy chua chát. Thời gian đầu, chủ yếu người thân trong gia đình phụ việc buôn bán.

{keywords} 

Khi làm ăn tiến triển một chút thì mới có việc nhân viên "ra, vô" như bây giờ, chị Thủy cho biết. Nguồn thu nhập chỉ đủ sống, chủ yếu để có nơi thoải mái bộc lộ bản ngã con người thật của mình, quán Thùy Linh bao nhiêu năm mở quán là bấy nhiêu thời gian dung dưỡng cho nhiều phận người. Họ có thể đến vì ham thích nhất thời, vì mưu sinh, nhưng cũng dễ dàng ra đi khi đã không còn cảm thấy yêu thích.

"Món ăn" lạ mắt

Một đồn mười, mười đồn trăm, người ta kháo nhau kéo đến quán "lẩu pê-đê" bởi tò mò. Nơi đây không chỉ có những "cô gái" bưng bê bình dân mặc váy, tô phấn son, quần hồng áo nhung, mà dần dà, nó trở thành nơi lui tới như một địa điểm ẩm thực hấp dẫn. Khách của họ dần dà là những bạn sinh viên, dân văn phòng, khách quen, không chỉ riêng những tay "bợm nhậu" hay những kẻ hiếu kỳ.

Chưa đến 4 giờ chiều, đường ray bên bờ con kênh Nhiêu Lộc gió hiu hiu, từng dãy bàn sắp dài trên hè phố đã được nhân viên quán líu ríu bày biện. Thi thoảng một vài chiếc xe máy tấp vào í ới gọi người ra bưng bê. Trên bờ kè con kênh được cải tạo thoáng đãng đẹp như mơ này khiến người ta càng có lý do chiều chiều kháo nhau ra đây tụ tập. 6 giờ chiều, mấy chiếc bàn đã từ từ được lấp, nhiều người còn nguyên bộ quần áo công sở, kéo nhau từng tốp dập dìu ra vào. Phía trong bếp, không khí nóng ran thúc giục, gần mười con người liên tục ra vô để thay nhau chế biến món ăn phục vụ khách.

Tầm sau 7 giờ tối trở đi, quang cảnh nơi đây nhộn nhịp, náo nhiệt cả một khúc đường. Hàng chục lượt khách ra vào. Bước vào quán, thực khách được bủa vây bởi một bầu không khí vô cùng vui nhộn, lạ mắt, thậm chí có phần "quá nhí nhảnh", như lời Thanh Viên, một nhân viên văn phòng ở quận 1 hào hứng nhận xét. Nhiều người đến quán lần đầu, nếu không để ý, khi nhìn thoáng qua có thể tưởng họ là những nữ phục vụ vô cùng duyên dáng, khéo léo.

Nhưng khi nhìn kỹ và nhất là khi nghe giọng nói của họ cất lên, nhiều người không khỏi nhạc nhiên. "Không biết gọi họ là 'anh' hay 'chị' nữa khi muốn nhờ phục vụ. Tuy nhiên tinh ý một chút thì sẽ dễ biết họ luôn thích mình được gọi như một cô gái, dĩ nhiên là luôn muốn được khen đẹp", anh Minh Tuấn, ngụ quận 3, nháy mắt. Không khí tấp nập hơn nữa khi có phần "phụ họa" của những "nghệ sĩ đường phố" - những người bán kẹo kéo, hát rong, biểu diễn ảo thuật xua bớt cái không khí có phần ngột ngạt của một quán ăn đông khách.

Bỏ ngoài những định kiến, thực khách đến Thúy Linh đều dành những lời khen cho món ăn ở đây, hoặc rất thích thú với sự hiện diện của những nhân viên ở đây. Trên các trang mạng về ẩm thực, địa điểm, quán luôn được ưu ái xuất hiện như một địa điểm thú vị, đôi phần kỳ lạ.

Một bạn có tên TrungThong87 dí dỏm kể câu chuyện vui khi đến quán: "Có lần mình đi ăn, ngồi ngay bàn mà mặt bàn bị cong, lồi lõm không để nồi lẩu lên được. Xin chuyển sang bàn khác thì một "bé" phục vụ nói, 'công chúa' ngồi đỡ đi, cái mặt bàn này nó cong như là eo của em vậy đó, không có sao đâu".

"Thực ra không ai muốn lựa chọn giới tính cho mình hay muốn bị người đời phê phán. Miễn họ mưu sinh đàng hoàng, kiếm tiền bằng công sức thì tôi luôn muốn ủng hộ họ. Trên hết, việc mưu sinh của họ cho tôi có cái nhìn khách quan, thông cảm hơn với người đồng tính", bạn Hồng, sinh viên đại học Văn Lang, chia sẻ khi đang ngồi cùng bạn bè trong quán.

Phận người ở "lẩu pê đê"

Một tay cầm chai bia, thoáng chút ngà ngà, vị khách nọ độ tuổi trung niên với tay kéo một "em" nhân viên bông đùa. Ở phía bếp, một "cô gái" khác tay nướng đồ ăn, tay lui cui sắp xếp chén dĩa. Khách luôn đông đến nỗi họ ít có thời gian để ngẩng mặt lên, cứ luôn tay với bếp núc, khói lửa, mồ hôi tuôn nhễ nhại. Tiếng gọi nhau, hối thúc đôi lúc vang lên chói tai. Những khi vắng khách, họ túm tụm bông đùa những chuyện làm đẹp, phấn son như bao cô gái khác. Nếu không biết đây là nơi mưu sinh của cộng đồng giới tính thứ ba, chắc hẳn không ai ngờ được những "cô gái" e thẹn kia từng là đấng nam nhi.

{keywords} 

Nhân viên của quán khá đông, họ quy tụ nhiều thành phần. Ấn tượng của thực khách đến quán là rất thích thú, thậm chí phấn khích với sự "hồn nhiên" của các "cô em" ăn vận, thời trang nơi đây. Không chỉ diện những bộ cánh sặc sỡ, đôi khi có khách gọi, họ tung tăng nhảy chân sáo đến tiếp khách, hoặc bông đùa gọi khách là "người đẹp", là "công tử" khiến không khí vừa vui nhộn vừa ồn ã.

Có những người ban ngày còn là chàng thanh niên bình thường của gia đình, ban đêm đã là "Ánh Hồng" hay là "Jennifer" lướt thoăn thoắt giữa các dãy bàn. Cũng có đôi người đã biệt giao hoàn toàn với quá khứ, sống trọn vẹn với hình hài và cuộc sống mới trong cơ thể một cô gái. Họ cũng có rất nhiều tên, tùy vào khách muốn gọi gì.

Thu nhập của các nhân viên tại quán cũng thất thường. Chủ quán cho biết đã bao ăn ở và trả lương cứng nhưng thu nhập chính vẫn tùy thuộc vào tiền "tip" (tiền boa) của khách. "Họ ra vô thất thường, có lúc có 6-7 nhân viên, có lúc chỉ còn 2-3 người". Hỏi thu nhập của họ có đủ sống không, chị Thủy thở dài: "Nếu muốn thì bao nhiêu cũng là đủ, còn nếu không thì bao nhiêu cũng là không đủ".

Ngoài sự hiếu kỳ thì việc món ăn ở đây tương đối ngon. "Lẩu nêm nếm rất vừa ăn, đậm đà" là nhận xét chung của hầu hết những khách hàng đã từng đến thử món tại Thúy Linh. Quán bán đồ ăn rất phong phú, từ món chính là lẩu, đến các món nướng, phổ biến nhất vẫn là các món ốc mà "thượng đế" vô cùng ưa chuộng.

Xuân, một nhân viên ngân hàng 28 tuổi hồ hởi cụng ly cùng nhóm bạn quanh bàn, cho biết: "Ban đầu mình nghe bạn bè rỉ tai nhau nên tò mò đến thử. Sau này thì mình thấy bình thường, họ mưu sinh lương thiện nên chẳng có gì đáng phải soi mói, vả lại món ăn thì cũng ngon nên bạn bè cùng đồng nghiệp mình cứ kéo tới ủng hộ hoài".

Hiếm hoi có được một phút rảnh tay giữa hàng chục khách giờ cao điểm, Lan Anh hí hửng tung váy chạy một vòng khi nghe có khách gọi. Quệt mồ hôi trên má, nở nụ cười rạng rỡ, cô nói: "Em cũng mới vô làm. Mình làm ăn kiếm tiền đàng hoàng nên không sợ ai chê bai, dè bỉu".

Để chuẩn bị cho mỗi đêm làm tại quán, Lan Anh cũng như các "chị em" khác ở quán phải cất công thay đồ cho thật đẹp, trang điểm, đôi khi phải ngồi chung với khách để chiều lòng họ. Có khi khách đòi họ ngồi lại cho "hết chầu", hay phải uống cho hết mấy chai, hoặc rớt vào những tình huống dở khóc dở cười khi khách trong cơn say đòi tỏ tình. "Loại khách gì cũng có", một đồng nghiệp khác của Lan Anh ngang qua, tiếp lời.

Khi được hỏi có biết biệt danh "lẩu pê-đê" mà người ta đặt cho các cô không, bị gọi như vậy thì có buồn không, Lan Anh cười xòa chia sẻ: "Ai cũng cần phải kiếm sống. Như tụi mình cũng khó xin việc làm nhưng nhiều khi nghĩ lại, sống bằng chính sức lao động của mình thì cũng không có gì phải buồn". Dứt lời, cô đứng dậy rồi lại lao vào bếp. Cuộc mưu sinh của họ có lẽ quá nửa đêm…

(Theo CSTC)