Trên thực tế, việc chuyển đổi một phần diện tích trồng lúa sang trồng ngô đã được tiến hành tại nhiều địa phương trên cả nước suốt thời gian qua, đem lại hiệu quả rõ rệt, tuy nhiên để phát triển, mở rộng cây ngô hiệu quả còn là “bài toán” nan giải cần tính kỹ.

Lợi gấp mấy lần cấy lúa

ĐBSCL được xác định là vùng trọng tâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả nhằm giảm áp lực tiêu thụ lúa gạo, tăng sản lượng một số nông sản thị trường trong nước cần, nhất là ngô. Ngày 22-4-2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 580/QĐ-TTg hỗ trợ tối đa 2 triệu đồng/ha tiền giống để chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ngô, đậu tương, vừng, lạc, dưa, rau các loại từ vụ Xuân Hè 2014 đến hết vụ Đông Xuân 2014-2015 tại vùng ĐBSCL. Kết quả cho thấy, đến nay toàn vùng ĐBSCL đã thực hiện chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ngô, đậu tương, vừng, khoai lang, dưa, rau các loại đạt 53.332 ha. Cụ thể, diện tích các loại cây hàng năm chuyển đổi trên đất trồng lúa vùng ĐBSCL gồm: Ngô khoảng 5.690 ha, đậu tương 1.712 ha, vừng 11.358 ha,…

Tại nhiều vùng khác như các tỉnh phía Bắc, Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, việc chuyển đổi này cũng đạt được những kết quả tích cực. Nhìn chung, tất cả các mô hình chuyển đổi đều có hiệu quả kinh tế cao hơn 2-3 lần so với trồng lúa. Năng suất ngô trong nhiều mô hình quy mô hàng chục ha đã đạt 10-12 tấn/ha, có thể cạnh tranh được với ngô NK.

{keywords}
Chuyển đổi đất lúa sang đất ngô sẽ giúp Việt Nam hạn chế việc nhập khẩu ngô

Hà Giang là tỉnh miền núi được đánh giá có khá nhiều tiềm năng để phát triển cây ngô. Bà Phạm Thị Hà, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Giang cho biết: Từ năm 2014 đến 2016, Hà Giang đã triển khai thực hiện Dự án: “Xây dựng mô hình chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng ngô nhằm nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp vùng miền núi phía Bắc”. Qua 3 năm thực hiện, tổng số diện tích lúa xuân chuyển đổi sang trồng ngô là 90ha (30ha/năm) với số hộ tham gia và hưởng lợi là 432 hộ. Sau quá trình thực hiện cho thấy năng suất ngô bình quân trong mô hình tăng rõ rệt, đạt 68 tạ/ha.

“Với giá ngô thương phẩm hiện nay là 6.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí (giống, vật tư phân bón, thuốc trừ cỏ, thuốc bảo vệ thực vật, công lao động) 1ha sẽ cho thu nhập 7 triệu đồng. Việc so sánh nêu trên cho thấy việc chuyển đổi từ diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng ngô đã cho thu nhập tăng 4,5 triệu đồng/ha, hiệu quả kinh tế tăng 35% so với sản xuất lúa nước bấp bênh”, bà Hà nói.

Đánh giá về lợi ích của việc chuyển đổi, theo đại diện Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ninh (Sở NN&PTNT Quảng Ninh): Giai đoạn 2014-2016, Quảng Ninh đã triển khai thực hiện mô hình chuyển đổi đất lúa, màu kém hiệu quả sang trồng ngô với tổng qui mô 115 ha tại 12 xã thuộc 6 huyện, thành phố (Hải Hà, Ba Chẽ, Bình Liêu, Tiên Yên, Đầm Hà, TP Móng Cái) với sự tham gia của hơn 1.050 hô tham gia mô hình.

Năng suất ngô đạt từ 45 – 70 tạ/ha, cho thu nhập từ 42-50 triệu đồng/ha/vụ. Sau khi trừ các khoản chi phí cho lãi từ 6-10 triệu đồng/ha/vụ, còn cấy lúa hầu như không cho lãi.

Tăng chất lượng, giảm giá thành

Từ thực tế tại các địa phương cho thấy, mặc dù việc chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ngô đem lại hiệu quả rõ rệt, song muốn đẩy mạnh lại không phải điều đơn giản. Khó khăn trước hết đến từ việc chuyển đổi còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, chưa quy hoạch được các vùng tập trung quy mô lớn tại từng địa phương.

Bên cạnh đó, mùa vụ chuyển đổi ở mỗi vùng, mỗi nơi trong tỉnh và loại cây trồng chuyển đổi khác nhau nên khó khăn trong việc tính toán hỗ trợ theo chính sách. Thị trường tiêu thụ chưa ổn định, nông dân không an tâm khi chuyển đổi do có ít DN liên kết, ký hợp đồng với nông dân.

{keywords}
Lãnh đạo Bộ NN&NT cho rằng chuyển đổi là đúng nhưng cần tính toán kỹ để có hiệu quả cao sau khi chuyển bớt một phần từ đất lúa sang đất ngô

Ngoài ra, cơ giới hóa khâu trồng, thu hoạch, sơ chế, bảo quản sau thu hoạch chưa được đầu tư, nhất là đối với cây ngô vì điểm yếu nhất của ngô thành phẩm so với lúa là khả năng bảo quản tự nhiên sau thu hoạch ngắn không quá 3 ngày nếu không được sấy kịp thời cũng là một trong những lý do mấu chốt.

Theo ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT): Chủ trương chuyển đổi một phần diện tích trồng lúa sang trông ngô hiện nay là rất trúng nhưng muốn hiệu quả trước hết phải tổ chức lại sản xuất. Cụ thể, phải có những chính sách cho bà con nông dân đồn điền đổi thửa để có một diện tích tương đối lớn, từ đó áp dụng cơ giới hóa vào khâu làm đất sản xuất cây ngô.

Thứ hai, cây ngô làm ra với mục đích để bán. Muốn để ngô bán được thì phải có doanh nghiệp mua ngô của nông dân. Vì thế, cần tổ chức người nông dân thành các tổ hợp tác, các hợp tác xã. Hợp tác xã sẽ quản được quy trình sản xuất như việc sử dụng thuốc trừ sâu không tồn dư, không độc hại cho sản phẩm, từ đó tạo ra chất lượng sản phẩm đồng đều. Ngoài ra, khi doanh nghiệp vào mua ngô sẽ hợp đồng với tổ chức của người nông dân, tức là các hợp tác xã, nhờ đó doanh nghiệp đảm bảo được các điều khoản cam kết giữa hai bên.

“Vấn đề thứ ba, mặc dù hiện nay chúng ta có rất nhiều giống ngô mới, năng suất cao nhưng những giống ngô này hầu như chúng ta nhập nội, kể cả ngô lai và ngô biến đổi gen. Do vậy phải nghiên cứu, đẩy mạnh các giống ngô ở trong nước. Chúng ta có đủ khả năng làm ra giống ngô năng suất không kém gì ở nước ngoài nhưng giá thành rẻ hơn rất nhiều”, ông Trung nhấn mạnh.

Để đẩy mạnh sản xuất ngô trong những năm tới, Bộ NN&PTTN đã có quy hoạch, định hướng đến năm 2020 chuyển đổi 700-800 nghìn ha trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây trồng hàng năm khác, trong đó xác định cây ngô là cây trồng chuyển đổi chủ lực.

Bộ NN&PTNT đã và đang hướng dẫn các địa phương xây dựng quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi chi tiết, xác định rõ vùng, vụ chuyển đổi tập trung; cải tạo hệ thống thủy lợi cho phù hợp chuyển đổi sang trồng cây màu; ưu tiên đầu tư và khuyến khích DN đầu tư nghiên cứu xác định bộ giống, gói kỹ thuật, hệ thống máy móc cơ giới hóa đồng bộ cho chuyển đổi…

Theo Bộ NN&PTTN: Tại vùng Duyên hải Nam Trung bộ (DHNTB) và Tây Nguyên: Tổng diện tích chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây màu năm 2014 là 10.276 ha, trong đó các tỉnh DHNTB là 7.713 ha, Tây Nguyên là 3.870 ha. Trong năm 2015 toàn vùng chuyển đổi được 22.633 ha, trong đó DHNTB 18.147 ha, Tây Nguyên 4.487 ha, gấp 2 lần so với năm 2014. Kết quả các mô hình chuyển đổi cây trồng trên đất lúa ở các tỉnh DHNTB và Tây Nguyên có lợi nhuận từ 1,5 đến 3 lần so với trồng lúa, doanh thu hàng năm trung bình 100 triệu đồng/ha, cao hơn hẳn so với trồng lúa.

Đối với các tỉnh phía Bắc: Trong giai đoạn 2013-2015 đã chuyển đổi được khoảng 44 nghìn ha đất trồng lúa sang trồng các loại cây màu như ngô, lạc, đậu tương, rau các loại. Các tỉnh có diện tích chuyển đổi nhiều nhất là Hòa Bình (11,6 nghìn ha), Quảng Bình (6,8 nghìn ha), Hà Nội (4,7 nghìn ha), Nghệ An (4,2 nghìn ha). Nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, thu nhập gấp 5-10 lần so với trồng lúa, một số mô hình đạt 400-500 triệu đồng/ha, mang lại lợi nhuận cao cho nông dân.

Bảo Hân