- Một ngày mùa hè 1963, ông Nguyễn Đức Phương, Chủ nhiệm hậu cần của Sư đoàn 308, nhận nhiệm vụ từ Đại tướng Võ Nguyên Giáp: chỉ huy đoàn công tác 763 (thành lập tháng 7 năm 1963), gồm 30 người vào vùng ngã ba biên giới ở Bắc Kontum, liên lạc với tỉnh ủy Attapeu của Lào để tạo nguồn hàng dự trữ, cung cấp cho các đoàn quân giải phóng tiến vào Miền Nam.


Mở đường khó khăn

Ông Nguyễn Đức Phương đề nghị Bộ Quốc phòng duyệt cấp cho Đoàn 30 con dao rựa to bản thật sắc và 10 cân hạt rau giống các loại. Bởi dao để chặt cây làm lán, đốn củi để nấu, vũ khí chống lại thú dữ, để phát nương làm rẫy; Hạt giống ươm trồng cung cấp cái ăn. Trong hồi ký của mình ông Nguyễn Đức Phương kể lại như vậy. Chính ông cũng không ngờ, với hành trang như thế nhưng sau ông lại là người cầm cả hàng chục triệu đô la, trở thành “ông chủ lớn” trên đất Chùa Tháp với nhiệm vụ tạo nguồn cung cấp cho chiến trường đánh Mỹ.

Trước ngày xuất quân, bức điện từ chiến trường cho biết phía trước chưa sẵn sàng đón đoàn, bởi tình hình cực kỳ khó khăn, mỗi người chỉ có được 200 gam gạo/ ngày, chủ yếu rau rừng củ mài trừ bữa. Từng chủ nhiệm hậu cần của sư đoàn, ông Đức Phương hiểu rõ gian khổ của đường hành quân giữa mùa mưa Trường Sơn, nhưng không thể không lên đường. Bởi tháng 10 là mùa thu hoạch ở Lào, khởi hành muộn hơn sẽ không kịp thu mua lương thực.

Sau hai tháng hành quân, 30 cán bộ chiến sĩ Đoàn 763 đã đến vùng đất Nam Lào. Trưởng đoàn Đức Phương nhanh chóng đặt vấn đề thu mua lúa gạo. Qua quá trình vận động, các bạn Lào hiểu và cùng hành động. Ông Thoong Đăm, Bí thư tỉnh ủy Attapeu đã ký 40 giấy giới thiệu cho phép cán bộ, chiến sĩ của Đoàn 763 lấy danh nghĩa bộ đội Pathet Lào tỏa về các bản làng thu mua lúa gạo. Đến cuối tháng 10 năm 1963, Đoàn 763 điện ra Bộ Quốc phòng thông báo “đã lập được 3 kho với 100 tấn lúa dự trữ”.

{keywords}

Di ảnh ông chủ lớn Đức Phương

Thóc gạo vùng Attapeu có hạn, để có thêm nhiều lương thực phải vươn đến khu vực đồng bằng Champasac, ven sông Mekong, nhưng đây lại là vùng đất do phải hữu Lào kiểm soát. Trong vai những người buôn vùng Phathet kiểm soát, những cán bộ nằm vùng lâu năm, thông thạo tiếng Lào đã giúp Đoàn 763 đi vào thị trấn Pakse, giáp ranh giữa Lào, Thailan và Campuchia tiếp xúc với vợ của Khăm Lượm, Quân khu phó, đồng thời là em gái Hoàng thân Bun Ùm, nhân vật thế lực lớn nhất Hạ Lào, bàn tính chuyện thu mua thóc gạo. Việc “buôn bán” diễn ra khá thuận lợi, nhưng do đề phòng địch thăm dò lực lượng của ta nên phải dừng.

Tuyến hàng chiến lược cho Tây Nguyên

Trước tình hình đó, ông Đức Phương liền xin cấp trên cho mở hướng thu mua sang Campuchia, đến đầu năm 1964 được chấp thuận. Đơn vị mới được thành lập có mật danh Ấp 97 (sau đổi thành K20). Hàng mua được chở về lấy bí danh là tuyến đường C4.

Để thực hiện nhiệm vụ, ông Đức Phương quyết định đóng quân ở khu rừng giáp biên giới Việt - Lào - Campuchia, cách đồn Đôn Phầy (Campuchia) 3km. Để làm quen, ông Đức Phương mở bữa nhậu với đồn trưởng Sun. Qua bữa rượu ta đã nắm bắt được tâm tư bất mãn của viên đồn trưởng phải chịu cảnh rừng thiêng nước độc lại không có thu nhập gì thêm. Sau đó cán bộ, chiến sĩ K20 trổ tài đóng tặng ông ta con thuyền lớn, rồi nhờ các đồng chí Pathet Lào mua sản vật rừng bán chịu cho Sun, xui Sun cho hai lính giỏi sông nước, đưa hàng về Phnom Penh bán, lấy tiền mua máy nổ gắn vào thuyền và kéo theo hai thuyền buôn mang hàng chạy ngược lên Đôn Phầy.

{keywords}

Chuyến đi thắng lợi, mang đến cho đồn trưởng Sun khoản khá nhưng cả sếp và quân không biết rằng họ đang thực hiện cú thử nghiệm mở đường của ông chủ Đức Phương. Sau chuyến đi ông kết luận “Có thể dùng đường thủy để vận chuyển hàng lên Đông bắc Campuchia, Hạ Lào”.

Tuyến vận tải được mở, Đại úy Kim Sinh, cán bộ Đoàn 17 của, Cục Hậu cần B2, người sắm vai ông chủ của của Công ty Quách An ở Campuchia, được lệnh đưa đoàn tư sản Hoa kiều từ Phnom Penh lên thảo luận việc buôn bán.

Từ đây, Trung tá Nguyễn Đức Phương, Đoàn trưởng Đoàn 763 trong vai ông chủ lớn chuyên thầu hàng cho Pathet Lào với lý lịch: bố mẹ người Việt sang sinh sống ở Sầm Nưa, đã có vợ hiện cũng là chủ hiệu buôn ở Sầm Nưa, cũng là người Việt sống ở Lào đã lâu. Cách mua bán cũng thật chặt chẽ, phía thương nhân người Hoa mang theo gạo mẫu, sau khi được đồng ý, sẽ cho gạo vào hai lọ thủy tinh, cùng ký tên vào tờ giấy niêm phong, mỗi bên giữ một lọ. Sau này căn cứ vào mẫu gạo trong lọ để nhân hàng, bên mua, bên bán không có quyền bắt bí nhau, còn tiền được thanh toán qua công ty Quách An với vai trò môi giới.

Hàng của các thương nhân từ Stueng Treng, Kratie, Phnom Penh ùn ùn kéo về Đôn Phầy bán cho “Ông chủ lớn”, thấy làm ăn được một số quan chức của Campuchia cũng tổ chức mang hàng lên bán.

Tuy vậy, thác Măng Dẻ dài hơn 2km, thác Chabun cao hơn 2 mét trên sông Sekong đã ngăn cản, không thể vận chuyển được nhiều. Để nâng lượng thu mua lên hàng ngàn, hạng vạn tấn, “ông chủ’ Đức Phương quyết định mở đường ô tô nối Siem Pang lên Đôn Phầy.

Để tiến hành công việc Trung tá Đức Phương kết nối với nhà quan quan huyện Xiêng Pạng. Ông chủ lớn Đức Phương hứa sẽ cho cu-li của mình (thực chất là Trung đoàn công binh 98) sang Xiêng Pạng làm giúp con đường, không nhận một xu thù lao nào. Thấy có món lời lớn, vì có quyền bỏ túi toàn bộ kinh phí làm đường, quan huyện chấp thuận. Các chiến sĩ Trung đoàn 98 công binh nhanh chóng hoàn thành con đường con đường 60km cho ô tô chạy Lần đầu tiên, C4 nhận được ngót 40 tấn hàng trong một ngày. Gạo dự trữ tăng vùn vụt, từ 100 tấn lên 2.000 rồi 3.000 tấn...

Từ đây nhiệm vụ Trung đoàn Công binh 98 thay đổi: một tiểu đoàn làm nhiệm vụ bốc vác, một tiểu đoàn xây dựng, bảo vệ kho và một tiểu đoàn làm đường, vận chuyển hàng về tuyến sau.

Nói về nguồn hàng C4, Đại tá Đặng Văn Khoát, nguyên Cục phó Cục Hậu cần Tây Nguyên: “Nhờ anh Đức Phương mà khoảng 4 vạn cán bộ, chiến sĩ ở mặt trận Tây Nguyên chúng tôi đã sống và chiến đấu được trong gần 7 năm! Anh Đức Phương cung cấp cho chúng tôi từ lương thực, thực phẩm đến thuốc chữa bệnh, văn phòng phẩm, dao, cuốc v.v...”. Sau khi mặt trận Tây Nguyên được thành lập, đường chi viện từ Hà Nội vào bị máy bay Mỹ đánh phá dữ dội, thì tuyến đường C4 đã kịp thời, thay thế bảo đảm bộ đội đỡ khó khăn, đủ sức chiến đấu, giành chiến thắng.

Nam Khánh