Thu tiền tỷ nhờ ứng dụng công nghệ

Từ năm 2017, công ty của anh Nguyễn Hữu Nhượng (huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh) đã đầu tư xây trang trại trồng rau thủy canh và dưa lưới trong nhà màng theo hướng nông nghiệp sạch áp dụng công nghệ cao.

Đáng chú ý, công ty sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt tự động ứng dụng từ công nghệ thủy canh Israel được điều khiển bằng smartphone. Đây là hệ thống công nghệ tưới nước đến từng gốc cây, dưa phát triển đồng đều. Nhờ hệ thống này người lao động cũng có thể thuận tiện trong theo dõi sự sinh trưởng, phát triển của cây, kịp thời có những điều chỉnh phù hợp, tiết kiệm nước, phân bón, thời gian và nhân công chăm sóc.

Theo anh Nguyễn Hữu Nhượng, nhờ ứng dụng công nghệ vào sản xuất, mỗi ha dưa cho năng suất khoảng 60-70 tấn/năm, doanh thu hơn 3 tỷ đồng.

{keywords}
Mô hình tưới nhỏ giọt tự động ứng dụng từ công nghệ thủy canh Israel đã góp phần nâng cao hiệu quả trồng dưa lưới. Ảnh: báo Quảng Ninh

Nhiều mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ mới tại nhiều tại nhiều hộ dân ở huyện Đầm Hà cũng mang lại mức thu nhập cao 2 - 3 lần so với làm nông nghiệp truyền thống. Chỉ cần 1 chiếc điện thoại có kết nối mạng, vài thao tác là người nông dân có thể vận hành được hệ thống tưới tự động, ngay cả khi không có mặt tại vườn.

Tại thôn Chân Đèo, xã Thống Nhất (TP. Hạ Long), anh Nguyễn Văn Thêm cũng có thu nhập gần 1 tỷ đồng mỗi năm từ cây măng tây. Để có thành quả này, anh Thêm đặc biệt chú trọng tìm hiểu kỹ thuật, kinh nghiệm trồng, chăm sóc thông qua các diễn đàn mạng đồng thời đầu tư công nghệ hiện đại từ tưới tiêu tự động cho đến làm cỏ, bón phân vừa giúp tiết kiệm nhân lực, vừa nâng cao năng suất. Anh Thêm cho biết đang hoàn tất các thủ tục để thành lập HTX, đăng ký tham gia chương trình OCOP và tiếp tục cải tiến quy trình chăm sóc, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP.

Được biết, mỗi năm tỉnh Quảng Ninh dành 6-7% chi ngân sách thường xuyên mỗi năm, tương đương 600-800 tỷ đồng cho KHCN, trong đó có ngành nông nghiệp, đặc biệt là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Song song đó, các ngành, đơn vị cũng đang thực hiện việc chuyển giao những công nghệ, kỹ thuật mới, tiên tiến cho nông hộ để người dân thấy được tiện ích của khoa học kỹ thuật, giảm thiểu rủi ro, tiết kiệm thời gian, nhân lực, nâng cao giá trị nông sản. Ứng dụng công nghệ cao còn tạo nền tảng vững chắc giúp người nông dân giảm thiểu rủi ro, thay vì “trông trời, trông đất” như phương thức truyền thống.

Hiện Quảng Ninh có 2 khu ứng dụng công nghệ cao về nông nghiệp và thủy sản tại thị xã Đông Triều và huyện Đầm Hà đã đưa vào hoạt động với hệ thống khu sản xuất đầu tư đồng bộ, hiện đại. Ngoài ra, còn hàng chục mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong doanh nghiệp, nông hộ, hàng trăm nông sản có giá trị lớn...

Nông sản "lên sàn" đi muôn nơi

Công nghệ không chỉ tạo bước tiến lớn trong cải thiện năng suất và chất lượng cây trồng mà còn mở ra những cơ hội tiếp cận thị trường tiềm năng cho người nông dân thông qua mạng xã hội, sàn thương mại điện tử.

Như tại thị xã Đông Triều, đầu ra của nông sản trở nên “rộng cửa” hơn nhờ kết nối với 3 sàn thương mại điện tử là Sendo, Voso, Cuccu cùng sự ra đời của trang thương mại điện tử dongtrieumart.vn. “Điểm cộng” cho mô hình bán hàng này là giá cả hàng hoá ổn định hơn, không qua kênh trung gian, chính người dân được hướng dẫn tự xây dựng và quản lý gian hàng của mình. Người dùng cũng được hưởng lợi bởi giá thành và chất lượng bảo đảm như “mua tại vườn”.

{keywords}
‘Nông dân số’ ở Quảng Ninh: bấm điện thoại tưới cây, đưa nông sản lên ‘sàn’

Ngoài ra, tỉnh Quảng Ninh cũng đặc biệt chú trọng trang bị cho người dân các thông tin thị trường, dự báo nhu cầu và năng lực sản xuất nông sản… nhờ đó người nông dân giữ được thế chủ động trong hướng phát triển cây trồng, đáp ứng linh hoạt nhu cầu thị trường. Hiện tỉnh còn có chính sách ưu đãi khi mua sắm các sản phẩm, nguyên liệu, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất kinh doanh trên sàn thương mại điện tử.

Hiện sàn thương mại điện tử cũng là “cánh cửa” quan trọng giúp các sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Ninh vươn xa và đây cũng là một trong những chiến lược phát triển lâu dài của tỉnh. Đến nay có hơn 20 doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh thực hiện phân phối hàng hóa trên các sàn TMĐT trong nước. Còn theo Bưu điện tỉnh Quảng Ninh, hiện postmart.vn của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam đã có trên 100 sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Ninh tham gia giao dịch.

Tỉnh Quảng Ninh phấn đấu đến hết năm 2021 có 100% sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên được đưa lên sàn TMĐT Postmart.vn và Voso.vn và đến năm 2022 có thể đưa tất cả các sản phẩm OCOP đạt chuẩn lên sàn TMĐT.

Ngành Nông nghiệp Quảng Ninh đã có những bước tăng trưởng vượt bậc. 9 tháng năm 2021, tổng sản lượng lương thực toàn tỉnh đạt trên 103.000 tấn; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt trên 75.500 tấn tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2020; tổng sản lượng thuỷ sản trên 108.000 tấn tăng 5,3% so với năm 2020; tốc độ tăng trưởng toàn ngành đạt 4,02% (tăng 0,32 điểm % so với kịch bản tăng trưởng, tăng 0,92 điểm % so với cùng kỳ năm 2020).

H. Dũng