- Không chỉ đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt về hàng hóa, dịch vụ khi gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), các DN Việt Nam sắp tới còn vất vả trong việc lôi kéo và giữ chân người tài và nguồn nhân lực chất lượng cao.

Nhân lực giỏi lần lượt ra đi

Phần lớn các DN tham dự Diễn đàn doanh nhân (Leader Talk 2015), do VCCI tổ chức mới đây, đều cho hay, vấn đề lo lắng nhất hiện nay là sự thiếu hụt nguồn nhân lực có chất lượng.

Ông Nguyễn Đình Quang, Giám đốc một DN nhỏ, chuyên sản xuất hóa chất tại Cầu Diễn (Hà Nội), kể rằng, cả thời gian dài công ty ông muốn tuyển một kế toán trưởng với mức lương 10 triệu đồng/tháng nhưng không được. Những lao động có chất lượng, đều có tâm lý không muốn làm cho DN nhỏ. Đấy chưa nói đến những vị trí chủ chốt khác như phụ trách marketing hay sản xuất, rất khó tìm được nhân lực vừa ý. Điều này khiến cho các kế hoạch của DN gặp khó khăn, đình trệ do thiếu nguồn nhân lực đủ trình độ đảm nhiệm.

Theo ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch HĐQT tập đoàn Phú Thái, nguồn nhân lực đang là mối quan tâm và sự đau đầu lớn của tất cả các DN. Chính vì không có nguồn nhân lực tốt nên Việt Nam không có được các tập đoàn lớn.

{keywords}
Việt Nam xuất khẩu lao động chất lượng cao sang một số quốc gia, trong đó có Nhật Bản

“Chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của ta hiện nay không cao, trong khi nhân lực giỏi thường hướng đến các tập đoàn đa quốc gia và làm việc tại nước ngoài. Hiện phần lớn DN Việt Nam là DN nhỏ và siêu nhỏ, tất cả đều gặp khó khăn trong việc tìm kiếm những nhân lực có chất lượng”, ông Đoàn nhận xét.

Bà Vũ Mỹ Lan, Chủ tịch Công ty TNHH Giáo dục và Đào tạo VinAcademy, cho biết, nhiều DN trải lòng rằng rủi ro lớn nhất với họ hiện nay là thiếu nguồn nhân lực có trình độ để thực hiện các kế hoạch phát triển trong tương lai, nhất là những nhân sự cấp cao, tìm "đỏ mắt" không ra.

Một khảo sát mới đây tại TP.HCM cho thấy, tình trạng thiếu hụt trầm trọng lao động có trình độ cao đứng đầu là trong ngành công nghiệp. 67% DN trong lĩnh vực này cho rằng họ không được đáp ứng nhu cầu về cán bộ quản lý. Tiếp đến là lĩnh vực dịch vụ, với 51% số DN được hỏi cho biết thiếu cán bộ quản lý có chất lượng. Các DN cũng thông báo họ phải đào tạo lại hầu hết mọi lao động khi nhận vào làm việc ở mọi cấp bậc, từ công nhân kỹ thuật đến các cử nhân, thạc sỹ,... do chất lượng đào tạo yếu kém.

Nhân sự đã thiếu hụt, phải đào tạo lại, nhưng không ít người trong số đó, sau một thời gian làm việc tích lũy được kinh nghiệm, có kỹ năng lại bỏ DN ra đi.

Một DN tại TP.HCM kể rằng, 3 năm qua họ mất đi 3 nhân sự cao cấp là các trưởng phòng, nắm giữ vai trò quan trọng trong sản xuất kinh doanh. Một người chuyển ra nước ngoài làm việc, còn 2 người chuyển sang làm cho công ty FDI với thu nhập cao hơn.

“Cuộc chiến” giữ và kéo người tài

Các DN Việt Nam sẽ còn thêm khó khăn nữa trong việc tìm kiếm và giữ chân nguồn nhân lực, khi cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập vào cuối năm nay.

{keywords}

Các chủ lao động tại 10 quốc gia ASEAN  đều rất khát lao động có kỹ năng, tay nghề. Việt Nam có khoảng 20% lao động có kỹ năng, chuyên môn, nếu không có cách giữ chân, rất có thể họ sẽ di chuyển sang các quốc gia phát triển hơn, khi AEC được thành lập.

Khi đó, thị trường lao động rộng mở. Người lao động hoàn toàn có cơ hội tìm kiếm việc làm tại các nước trong khu vực. DN Việt Nam không chỉ phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt về hàng hóa, dịch vụ, mà còn cạnh tranh trong việc lôi kéo và giữ chân nguồn nhân lực có kỹ năng - ông Phạm Đình Đoàn lo ngại.

TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách - ĐH Quốc gia Hà Nội, khuyến cáo, các nước như Singapore, Thái Lan,... được dự báo sẽ là nơi thu hút nhân tài trong khu vực. Việt Nam có nguy sẽ "chảy máu" nhân tài và càng tạo ra khoảng cách với các nước dẫn đầu.

Theo ông Mark Billington, Giám đốc khu vực Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh & xứ Wales (ICAEW), một "cuộc chiến" giành giật nhân tài đang diễn ra, bởi sở hữu nhân tài tốt sẽ có những sáng tạo trong tương lai. Đây không chỉ là "cuộc chiến" toàn cầu mà còn là "cuộc chiến" trong khu vực ASEAN. Nhiều DN tại Singapore, Thái Lan, Malaysia,... đang “bủa lưới” rộng hơn để thu hút người tài không chỉ trong nước mà cả nước ngoài. Các DN Việt Nam cần có chính sách để giữ chân những người tài giỏi, cùng với đó là chiến lược phát triển nhân sự, nếu không sẽ thất bại ngay tại sân nhà.

Song, dường như các DN Việt Nam mới chỉ phản ứng với tư duy ngắn hạn, chưa có chiến lược dài hạn. Điều này thể hiện rõ nhất qua phương pháp quản lý nhân lực lạc hậu. Trong khi nhiều DN tại Singapore, Thái Lan,... đã chuyển sang quản lý tài năng, quản lý nhân vốn (nguồn vốn con người), thì hầu hết DN Việt Nam vẫn loay hoay với cách quản lý nhân sự và nguồn nhân lực theo hồ sơ tài liệu, tính lương, thưởng.

Tư duy ngắn hạn và thực tiễn quản trị nhân lực yếu kém đã dẫn đến tỷ lệ nguồn nhân lực chất lượng thuyên chuyển cao thời gian qua ở mức15%-25%/năm, thậm chí, có những ngành lên tới mức 30% như trình dược viên hay quản lý khách sạn.

Trần Thủy