Sau ngày được đặc xá, anh em ông Đoàn Văn Vươn trở về, quyết tâm làm lại từ đầu trên mảnh đất đầu sóng ngọn gió, nơi từng xảy ra vụ cưỡng chế cách đây 4 năm.

Ngày trở về đầm bãi hoang tàn

Chiều một ngày cận Tết Nguyên đán Bính Thân, chúng tôi trở lại khu bãi bồi ven biển xã Vinh Quảng, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng nơi gia đình, bạn bè thân hữu và người dân Vinh Quảng nồng nhiệt, vui mừng khôn xiết chào đòn ông Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý trở về sau thời gian xa cách do phải thụ án liên quan đến vụ cưỡng chế gây xôn xao dư luận 4 năm trước.

Trong căn nhà cấp 4 được “người ta” xây đền bù, ông Vươn với nụ cười hiền lành, rạng rỡ, thân thiện chia sẻ: “Ngày được đặc xá, rời khỏi trại giam Hoàng Tiến, bản thân tôi rất hạnh phúc. Về đến gia đình, gặp gỡ người thân, tổ chức đón nồng nhiệt, tôi rất cảm động".

Trở về với gia đình, với khu đầm thân thuộc ngày nào, ông đi thăm, cảm ơn gia đình, bạn bè và bà con trong thôn, ngoài xã, những người đã giúp đỡ gia đình ông trong những ngày vướng vào vòng lao lý suốt mấy năm qua.

"Tuy nhiên, sau 4 năm xa đầm, cảnh tượng đầm vùng hoang tàn, hàng trăm cây ăn quả, hàng ngàn cây chuối già cỗi không người chăm sóc, cây cỏ ùm tùm, ngay cả con đường từ trên đê về dưới nhà đầm cỏ móc chắn cả lối đi. Tôi thấy buồn lắm và không khỏi chạnh lòng”, ông Vươn chia sẻ.

Trước những gì đang bày ra trước mắt, khu đầm rộng hàng chục héc ta được kiến tạo nên bằng bao tiền của mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu, giờ thấy hoang tàn, khiến anh em ông Vươn bao đêm mất ngủ, trằn trọc năm canh.

“Suy nghĩ nhiều đêm, tôi có dự định phải tập trung đầu tư cải tạo lại đầm vùng, phải tiếp tục mở mang làm ăn cho cả đại gia đình chứ không thể để thế này được”, ông Vươn nói thêm.

{keywords}
Phía sau niềm vui mừng ngày đoàn tụ của gia đình ông Đoàn Văn Vươn là khu đầm rộng hàng chục héc ta lau sậy, cỏ dại mọc ngập đầu người đang chờ anh em ông về cải tạo - Ảnh MK

Sau hơn một tháng chuẩn bị, chạy vạy khắp nơi, nhờ vả anh em, bạn bè huy động được trên 200 triệu đồng, ông Vươn thuê máy cuốc, nhân công tiến hành cải tạo lại toàn bộ khu đầm.

Những luống chuối tàn tạ giữa đầm, những cây cối xác sơ, lăn lóc, cỏ dại mọc um tùm được máy cuốc san phẳng, dâng lập, tạo độ sâu thích hợp, quy hoạch thành những ao nuôi tôm, cua, cá. Bước đầu gia đình ông đã thả hàng vạn con cua giống, dự định sang tháng 6/2016 có thể thu cả tấn cua.

{keywords}
Con đường này mới cách đây cỏ dại còn mọc um tùm, giờ đã được cải tạo, dâng lập, xe ô tô chạy xuống tận đầm - Ảnh MK

Toàn bộ bờ bao quanh đầm cỏ dại mọc um tùm được bồi trúc, dâng lập vững chãi để chống chọi với mưa bão và để sau Tết Nguyên đán Bính Thân này, gia đình ông sẽ “làm ăn lớn”.

Sẽ đăng ký thương hiệu: “Vịt biển sạch Đoàn Văn Vươn”

Vốn là anh kỹ sư nông nghiệp, cộng với bao năm kinh nghiệm lặn lội nơi bờ sông bái sú và học hỏi, đúc kết từ thực tiễn, ông Vươn quyết định đầu tư nuôi vịt biển.

Đây là giống vịt được lấy giống từ Trung tâm Vịt Đại Xuyên (Hà Nội), chịu được nước mặn, tốc độ lớn nhanh, dễ nuôi, sản phẩm thịt ngon. Vịt được chăn nuôi theo quy trình nuôi vịt sạch, không sử dụng thức ăn công nghiệp.

Thức ăn chính gồm thóc, cá tươi, ngô và men tiêu hóa được chế biến tạo thành hỗn hợp thức ăn cho vịt. Ngoài ra, sử dụng men vi sinh để xử lý chuồng trại và nguồn nước đầm nuôi vịt... tạo thành quy trình an toàn, kép kín, bền vững, thịt vịt sạch, thơm ngon. Trọng lượng trung bình vần 3kg/con, thời gian nuôi ngắn chỉ khoảng gần 3 tháng là được xuất chuồng.

Ông Vươn cho biết, đến thời điểm hiện tại, anh em ông đã nuôi thí điểm được trên 1.000 con, hiện thành vịt thịt, tiêu thụ thử được hơn 100 con (gồm vịt đực và vịt cái không đạt tiêu chuẩn để đẻ), còn lại lọc ra để nuôi vịt đẻ trứng bán ra thị trường.

Để đàn vịt khỏe mạnh, không bị nhiễm các loại bệnh, vịt nuôi được tiêm vắc xin định kỳ theo hướng dẫn của Trạm Thú y huyện Tiên Lãng do chính các cán bộ, nhân viên thú y của Trạm thực hiện, đảm bảo không ảnh hướng đến chất lượng thịt vịt và sức khỏe người tiêu dùng.

{keywords}
Trong tương lai gần, ông Vươn sẽ đăng ký thương hiệu "Vịt biển sạch Đoàn Văn Vươn" - Ảnh MK

Theo ông Vươn, do mới bước đầu nuôi nên dù đã nắm chắc kỹ thuật trong tay, ông vẫn phải nghe ngóng tín hiệu từ thị trường. Khi vịt được thịt, ông đã đi tiếp thị ở một số khách sạn, nhà hàng lớn, nếu được thị trường chấp nhận, có dấu hiệu tích cực, ông Vươn sẽ đầu tư phát triển chăn nuôi với số lượng, quy mô lớn và tiến tới sẽ đăng ký thương hiệu vịt sạch, vịt an toàn mang tên Đoàn Văn Vươn. “Tương lai vịt biển sạch của tôi sẽ được thị trường chấp nhận”, ông Vươn khẳng định.

Đi tiên phong, vận động người dân cùng làm

Không chỉ nuôi tôm, cua, cá và kế hoạch chăn nuôi, sản xuất “Vịt biển sạch Đoàn Văn Vươn”, ông Vươn cũng đang ấp ủ một kế hoạch làm ăn lớn khác.

Với lợi thế về mặt bằng đất đai vừa được gia đình ông cải tạo, tận dụng toàn bộ diện tích bờ đầm (khoảng 2ha), được sự giúp đỡ, chuyển giao kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm của một doanh nghiệp chế biến dược liệu ở Hải Dương, sau Tết Nguyên đán Bính Thân, ông Vươn sẽ đầu tư thuê máy móc, nhân lực cải tạo, xử lý cỏ dại để trồng xả, lấy nguyên liệu chưng cất dầu xả.

Sau khi có sản lượng trồng được, ông Vươn sẽ đầu tư hệ thống lò chưng cất tinh dầu xả, để cung cấp trở lại cho doanh nghiệp liên kết, do họ hỗ trợ về kỹ thuật, quy trình, giống cây, hệ thống lò chưng cất và bao tiêu sản phẩm.

Sau khi sản xuất có hiệu quả, ông Vươn sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng trên khu đầm của gia đình, đồng thời vận động người dân địa phương tận dụng những diện tích bờ đầm, vườn tược quanh nhà để trồng xả, lấy nguồn nguyên liệu sản xuất tinh dầu cho nhà máy, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương.

Theo quan điểm của ông Vươn, bước đầu, gia đình ông phải là người tiên phong đi đầu sản xuất, khi thực sự có hiệu quả mới hướng dẫn, giúp đỡ bà con làm theo để cùng phát triển và giữ uy tín cho mình. “Tôi không thể bán rẻ uy tín của mình được” - ông khẳng định.

Khi được hỏi về việc chuẩn bị đón Tết của gia đình, ông Vươn cho biết: “Cũng như bao gia đình khác thôi, gia đình tôi cũng chuẩn bị đón cái tết bình dị, nhưng Tết năm nay về tinh thần thì gia đình tôi được đầm ấm, xum vầy, hạnh phúc lắm sau nhiều năm anh em tôi ‘vắng nhà” ông Vươn chia sẻ.

Chia tay ông Vươn trong chiều muộn, nhìn đàn vịt gần 1.000 con đang ăn no diều sắp vào chuồng; nhìn khu đầm mênh mông nước, với những ao nuôi tôm, cua, cá và bờ bao đầm dài hun hút, dưới tiết trời mưa phùn gió rét nơi cửa biển, nhưng trong lòng tôi thấy ấm áp, vui vui và mừng thầm cho gia đình ông.

Bao năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, lặn ngụp nơi bờ sông bãi sú và gần 4 năm vướng vòng lao lý, từ Xuân này, một cuộc sống mới đang dẫn mở ra trước mắt cho gia đình người kỹ sư nông nghiệp Đoàn Văn Vươn.

Theo VTC