Chủ trương nội địa hóa các dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện như Cao Ngạn, Cẩm Phả, Na Dương II… được đưa ra thì nhiều doanh nghiệp trong nước chỉ biết “than khó” do khả năng nằm “ngoài tầm với”, còn nhà thầu EPC Trung Quốc với giá bỏ thầu rẻ, năng lực chưa được kiểm chứng bỗng trở nên nổi bật và dễ dàng chiếm ưu thế.

Phát hoảng với doanh nghiệp Trung Quốc làm dự án nhiệt điện

Ngày 16/10/2015, lễ khởi công Dự án Nhà máy Nhiệt điện Na Dương II chính thức được diễn ra tại tỉnh Lạng Sơn với tổng mức đầu tư hơn 4.000 tỉ đồng.

Dự án Nhà máy nhiệt điện Na Dương II (110MW) được Chính phủ phê duyệt, là dự án quan trọng trong Chiến lược phát triển lĩnh vực điện của ngành than - khoáng sản nói riêng và trong Quy hoạch điện quốc gia nói chung. Dự án Tổng công ty Điện lực/Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam làm chủ đầu tư; đơn vị tư vấn lập dự án là Công ty Tư vấn Điện 1.

Trong quá trình thực hiện dự án, chủ đầu tư sẽ phải hoàn thiện công tác đền bù, giải phóng một phần mặt bằng dự án; rà phá bom mìn; san lấp mặt bằng; xây lắp hệ thống cấp điện thi công, hệ thống cấp nước thi công; triển khai các thủ tục lựa chọn nhà thầu EPC, thu xếp vốn cho dự án và thực hiện các phần việc/gói thầu khác theo đúng tiến độ được phê duyệt để đảm bảo điều kiện khởi công gói thầu EPC nhà máy chính vào cuối quý II/2016, đảm bảo tiến độ hoàn thành xây dựng và đưa dự án vào phát điện thương mại vào năm 2018.

Dẫn nguồn từ Thời báo Kinh tế Sài Gòn số ra ngày 25/4/2015, trong tổng thể bức tranh triển khai các dự án tổng thầu EPC của Việt Nam, Ủy ban Tài chính và Ngân sách Quốc hội cho biết, tính đến năm 2010, các nhà thầu Trung Quốc đã nắm trong tay 90% các dự án, trong đó có đến 30 dự án trọng điểm quốc gia.

Theo thống kê được công bố hồi đầu tháng 4/2014 của Viện Nghiên cứu cơ khí (Bộ Công Thương), Việt Nam hiện có 20 dự án nhiệt điện thì tới 15 công trình do phía Trung Quốc làm tổng thầu EPC (tư vấn, thiết kế - cung cấp thiết bị - xây lắp, vận hành; hay nói cách khác là thực hiện dự án theo phương thức chìa khóa trao tay).

{keywords}

Nhà máy nhiệt điện Na Dương (Nguồn ảnh: Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam).

Các nhà thầu Trung Quốc được chào đón ở Việt Nam xuất phát từ chính sách mời thầu chuộng giá rẻ của Việt Nam - cũng chính là “tử huyệt” của các dự án - mà hệ lụy là người dân và ngân sách nhà nước lãnh đủ.

Giá rẻ chính là căn nguyên của việc nhà thầu Trung Quốc đưa công nghệ kém chất lượng và lao động Trung Quốc giá rẻ trái phép vào phục vụ các dự án. Điều này không khó hình dung khi các công trình do nhà thầu Trung Quốc thi công thường xuống cấp nhanh chóng, còn lao động Trung Quốc tràn lan, chiếm hết miếng cơm manh áo lẽ ra là của người Việt tại nhiều khu dự án.

Thực tế cho thấy, hầu hết các dự án nguồn điện trong Quy hoạch điện VI (giai đoạn 2006 - 2010) đều bị chậm tiến độ như các nhà máy thủy điện sông Ba Hạ, Pleikrông, Bản Vẽ...; các nhà máy nhiệt điện: Uông Bí (mở rộng 1), Hải Phòng 1, Quảng Ninh 1, Vũng Áng 1, Sơn Động, Mạo Khê, Nông Sơn, Ô Môn 1. Đặc biệt, các dự án điện do các nhà thầu Trung Quốc đảm nhận như: Hải Phòng 1, Hải Phòng 2, Cẩm Phả 1, Cẩm Phả 2, Quảng Ninh 1, Quảng Ninh 2, Mạo Khê, Thái Nguyên, Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1 và nhà đầu tư tư nhân Trung Quốc như Kiên Lương... đều bị chậm; có những dự án đến nay chưa triển khai, chậm tiến độ từ 2 - 3 năm.

Điểm yếu đáng lo ngại nhất là một số thiết bị phụ của Trung Quốc như các bơm, quạt, hệ thống vận chuyển than, đá vôi… trong quá trình vận hành thử bộc lộ những khiếm khuyết dẫn đến thời gian chạy thử, chạy tin cậy bị kéo dài chậm tiến độ của hợp đồng.

Các dự án nhiệt điện đốt than chậm tiến độ thực hiện sẽ đã làm tăng chi phí đầu tư của dự án, như tăng khoản lãi vay, tăng chi phí quản lý dự án, chi phí thuê tư vấn, tăng chi phí chuẩn bị sản xuất đã làm giảm hiệu quả kinh tế của dự án.

Trong khi đó, việc đàm phán để nhà thầu EPC nộp khoản phạt chậm tiến độ là công việc rất khó khăn và thường bị kéo dài, nhất là đối với các nhà thầu Trung Quốc.

Đã thế, năng lực, kinh nghiệm trong cả mô hình làm tổng thầu EPC lẫn việc thi công dự án của Trung Quốc lại rất kém.

Vì vậy khi triển khai dự án, các nhà thầu Trung Quốc có nhiều lúng túng trong công tác điều hành, phối hợp giữa các khâu với nhau như thiết kế, mua sắm thiết bị, triển khai lắp đặt. Thậm chí, các đối tác cũng lung túng khi chủ đầu tư và tư vấn yêu cầu thực hiện theo hợp đồng EPC đã ký. Có lẽ, đa số các nhà thầu thiết kế, thi công xây dựng của Trung Quốc chỉ quen với các tiêu chuẩn của Trung Quốc.

So sánh thực tế vận hành ở Nhà máy nhiệt điện Na Dương I (các thiết bị chính đều có xuất xứ từ Nhật Bản và các nước G7) với nhiệt điện Cao Ngạn, Sơn Động, Cẩm Phả chất lượng thiết bị xuất xứ từ Trung Quốc cũng như các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật (hiệu suất nhà máy) đều thấp hơn các thiết bị của các nước châu Âu, G7.

Cuối cùng, tai hại của việc chuộng nhà thầu Trung Quốc chính là vấn nạn ô nhiễm của các dự án. Một trong những phần việc “khó xơi” nhất trong thi công dự án chính là khâu quản lý và xử lý chất thải công nghiệp. Cho đến nay, không ít công trình do nhà thầu Trung Quốc thi công khiến Nhà nước lẫn người dân sống dở chết dở. Hiện tượng Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 không phải là mới khi trước đó - năm 2012 - Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải (Trà Vinh), do Tập đoàn Đông Phương (DEC) của Trung Quốc làm nhà thầu, khiến không ít người dân phải “bỏ của chạy lấy người” vì mức độ ô nhiễm không thể chấp nhận.

Ở nhiều nước châu Âu và Mỹ, các nhà thầu Trung Quốc luôn nằm trong tầm kiểm soát gắt gao của Chính phủ, nhất là ở các khâu quan trọng: đánh giá tác động môi trường, thi công phần chính dự án, quản lý và xử lý chất thải. Những án phạt triệu đô, hay những quyết sách “phi thầu Trung Quốc” là biện pháp mà các nước này áp dụng.

Hiểm họa lao động “chui” người nước ngoài

Lạng Sơn là tỉnh nằm trên tuyến biên giới đất liền ở phía Bắc có ý nghĩa địa kinh tế, địa chính trị hết sức quan trọng. Khi thực hiện thu hút nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng, thực hiện các chính sách an sinh xã hội... thì không thể không bàn đến vấn đề bảo đảm quốc phòng - an ninh trên toàn tuyến biên giới.

Địa điểm đặt Nhà máy nhiệt điện Na Dương II nằm gần khu vực biên giới, là khu vực trọng yếu và nhạy cảm, nếu nhà thầu Trung Quốc trúng thầu dự án, cùng với số lượng lớn công nhân, lao động phổ thông người nước ngoài có thể được nhận vào làm việc, gây phức tạp cho công tác quản lý dự án, trật tự xã hội và tiềm ẩn nhiều rủi ro về an ninh - quốc phòng.

Có thể nhận thấy, hệ lụy của lao động nước ngoài làm việc “chui” ở Việt Nam là điều không khó nhận ra. Bên cạnh việc gây mất trật tự an ninh xã hội, làm nảy sinh tệ nạn xã hội còn dẫn tới hệ quả là đẩy hàng nghìn, hàng trăm lao động trong nước rơi vào tình trạng thất nghiệp, mất việc làm.

Điều đó không những không giải quyết được vấn đề an sinh xã hội cho người dân địa phương mà còn khiến cho người lao động lao đao tìm việc ngay trên chính mảnh đất của quê hương mình.

Than Na Dương phù hợp với công nghệ xử lý của Nhật Bản

Trong Quy hoạch điện VII yêu cầu Nhà máy nhiệt điện Na Dương II đưa vào vận hành năm 2018, thế nhưng trong Quy hoạch than (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sau Quy hoạch điện) lại quy định mỏ than Na Dương đạt 1,2 triệu tấn/năm vào 2015, trong khi Nhà máy nhiệt điện Na Dương I chỉ tiêu thụ khoảng 500.000 tấn/năm.

Than Na Dương là loại than nâu, ngọn lửa dài, hàm lượng lưu huỳnh lớn chỉ thích hợp cho công nghệ xi măng lò quay phương pháp ướt và nhà máy nhiệt điện với công nghệ lò tầng sôi tuần hoàn. Ngoài ra không thể dùng vào việc gì khác, kể cả đun nấu, đốt gạch, nung vôi... vì rất độc hại và ô nhiễm môi trường, trong khi nguồn than lại lộ thiên, rất dễ khai thác.

Đặc tính than Na Dương có độ bốc cao nhưng chóng tàn, tiêu hao nhiều hơn so với than Đồng Rì hay than Đông Triều. Than xấu nên phải đốt khối lượng lớn hơn, chi phí đầu vào cũng cao hơn. Theo tính toán cứ 5 lạng than Đông Triều chạy được một kWh, nhưng với than Na Dương phải tốn tới 7,2 lạng. Như vậy, việc tận dụng nguồn nguyên liệu từ các mỏ than tại địa phương chính là bài phức tạp khi vận hành nhà máy nhiệt điện do than sản xuất ra sẽ không có nơi tiêu thụ, vì loại than này chỉ có thể sử dụng cho phát điện tại các Nhà máy điện Na Dương I và Na Dương II.

Trước đó, Nhà máy Nhiệt điện Na Dương I được đầu tư xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất khu vực Lạng Sơn, Cao Bằng và vùng lân cận phía Bắc xa nguồn điện. Đồng thời góp phần bù đắp sự thiếu hụt điện năng giai đoạn 1999 - 2010; tận dụng tài nguyên than, cơ sở vật chất mà Nhà nước đã đầu tư vào mỏ than Na Dương và khu vực; góp phần tạo dựng một khu công nghiệp có hiệu quả kinh tế cao ở vùng sâu, vùng xa do sử dụng than tại chỗ để phát điện cấp cho khu vực...

Yêu cầu xây dựng nhà máy nhiệt điện, nhất là nhiệt điện chạy than công nghệ phức tạp là lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ, tiềm ẩn rủi ro lớn của ngành than. Vì vậy việc lựa chọn thiết bị của Nhật Bản cùng Tổ hợp nhà thầu Marubeni - Lilama trong việc thi công nhà máy được xem là tối ưu.

Ngày 02/4/2002, Nhà máy đã chính thức khởi công xây dựng với nhà thầu chính là Tập đoàn Marubeni - Nhật Bản. Nhà máy sử dụng công nghệ tiên tiến: Lò hơi của Hãng Foster Wheeler, tua bin máy phát của Hãng Fuji Electric, thiết bị điện của Hãng Astom-ABB chế tạo, các thiết bị khác được mua chủ yếu từ các nước G7... Sau hơn 3 năm khẩn trương xây dựng, lắp đặt và chạy thử, ngày 01/11/2005, Nhà máy đã chính thức được nghiệm thu và đưa vào vận hành thương mại.

Dù sử dụng loại than xấu, chất lượng thấp nhưng nhà thầu Nhật Bản đã thực hiện thành công dự án Nhà máy nhiệt điện Na Dương I với công nghệ ưu việt, cho tới nay nhà máy vận hành ổn định, độ tin cậy cao, tạo ra sản phẩm chất lượng tốt (nhiều nhà máy xi măng, thép đã thử sử dụng than Na Dương để sản xuất nhưng đều thất bại).

Dự án Nhà máy nhiệt điện Na Dương II sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển hệ thống điện quốc gia, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện năng ngày càng tăng của nền kinh tế. Đồng thời giảm công suất truyền tải từ các vùng khác đến lưới điện khu vực Lạng Sơn và các tỉnh trung du miền núi phía Bắc, góp phần đảm bảo chất lượng điện áp trong chế độ truyền tải cao, giảm tổn thất điện năng và tăng cường độ tin cậy cung cấp điện.

Nếu sử dụng nhà thầu khác, khả năng thành công về công nghệ và xử lý vấn đề than của dự án sẽ xấu tới đâu? Rủi ro về chất lượng thi công công trình, tiến độ thực hiện dự án, ai sẽ là người chịu trách nhiệm?

Nên gỡ nút thắt cho phát triển nhiệt điện bằng công nghệ Nhật Bản

Theo lộ trình phát triển ngành cơ khí điện, Chính phủ đã đặt ra yêu cầu đến 2020 tự chế tạo trong nước, không phải nhập đối với hầu hết các thiết bị lưới điện truyền tải và phân phối, chế tạo 50 - 60% thiết bị của các nhà máy nhiệt điện than; 40 - 50% thiết bị của nhà máy điện hạt nhân.

Trong suốt một thời gian dài, các doanh nghiệp trong nước hầu như không nhận được bất kỳ sự chuyển giao công nghệ nào từ việc tương tác với các doanh nghiệp nước ngoài.

Từ kết quả trên cho thấy, việc chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực nhiệt điện đã vấp phải không ít rào cản, khiến cho việc chuyển giao công nghệ đã không diễn ra hoặc diễn ra với tỉ lệ khá khiêm tốn.

Sở dĩ xảy ra hiện tường này là do tổng thầu EPC, phần lớn các công việc có liên quan đến máy móc, thiết bị là do nhà tổng thầu đảm nhận. Và mặc dù trong số các máy móc, thiết bị này, kể cả các kết cấu kim loại doanh nghiệp trong nước của chúng ta có điều kiện làm được, nhưng trên thực tế sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam là không đáng kể.

Điểm sáng ít ỏi mà các doanh nghiệp Việt Nam hưởng lợi về tỷ lệ nội địa hóa, chuyển giao, hỗ trợ phát triển công nghệ được dựa trên cơ sở mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Nhật Bản, đặc biệt là sự hợp tác trong các lĩnh vực: Nhiệt điện đốt than, năng lượng, công nghệ than sạch… như một số nhà thầu Nhật Bản đã và đang thực hiện tại Dự án Nhà máy nhiệt điện Na Dương I và các dự án khác tại Việt Nam.

Dự án Nhà máy nhiệt điện Na Dương II có quy mô công suất 110MW, bao gồm một tổ máy (một lò hơi CFB, một tua bin hơi, một máy phát) với tổng mức đầu tư trên 4.000 tỷ đồng, tương đương trên 200 triệu USD. Nguồn vốn đầu tư của dự án gồm 20% vốn chủ sở hữu và 80% vốn vay thương mại. Thời gian thực hiện từ năm 2015 - 2018.

Dự án nằm trên khu vực xưởng sàng hiện có của mỏ than Na Dương, thuộc thôn Toòng Giá, xã Sàn Viên, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn với diện tích khoảng 11ha; trong đó, khu vực nhà máy chính 7,56ha.

Với quy mô 110MW, sản lượng điện cung cấp bình quân 650 triệu kWh/năm khi dự án hoàn thành vào năm 2018 sẽ góp phần đảm bảo cung ứng điện chất lượng cao cho Lạng Sơn và các địa phương vùng biên giới phía Bắc.


(Theo Báo Xây Dựng)