Căn biệt thự cổ tọa lạc ngay tại vị trí giáp ba mặt tiền đường Võ Văn Tần - Bà Huyện Thanh Quan - Nguyễn Thị Diệu (thuộc Q.3, TP.HCM) xưa nay vốn mang nhiều câu chuyện bí ẩn, nay lại một lần nữa gây xôn xao dư luận vì thương vụ mua bán trị giá 35 triệu usd.

Bí ẩn chủ nhân mới của biệt thự triệu đô

Một thông tin khiến nhiều người bất ngờ - Công ty Cổ phần MINERVA, đơn vị mới thành lập ngày 28.7.2015 tại TP.HCM lại chính là chủ nhân mới của căn biệt thự cổ tọa lạc tại số 110-112 Võ Văn Tần (theo báo Thanh Niên, số ra ngày 4.11.2015).

Càng bất ngờ hơn khi phóng viên của báo này tìm đến địa chỉ số 20 Nguyễn Huệ (Q.1), tức trụ sở công ty nói trên thì được hướng dẫn đến gặp nhân viên công ty tại tòa nhà Times Square Sài Gòn (số 22 Nguyễn Huệ) của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát do bà Trương Mỹ Lan làm chủ. Đây lại chính là doanh nghiệp mà mới đây vừa mua lại dự án “bỏ hoang” Thuận Kiều Plaza. Được biết, Công ty Cổ phần MINERVA do ông Dương Hoàng Danh (sinh năm 1973) làm Tổng Giám đốc đã ký xong hợp đồng mua bán căn biệt thự nói trên với tổng giá trị mua bán, chuyển nhượng toàn bộ quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở, cùng toàn bộ trang thiết bị nội thất hiện có đi kèm với nhà ở là hơn 700 tỉ đồng.
{keywords}

Xung quanh căn biệt thự cổ nằm giữa trung tâm Sài Gòn còn nhiều điều bí ẩn, độc đáo về những giá trị lâu đời của nó. Hơn 100 năm trước, căn biệt thự cao 2 tầng, tọa lạc trên khu đất rộng 2.820m2, thuộc loại nhà ở cấp 2-3, tường gạch, mái ngói, được xây dựng bởi một đại gia Sài Gòn. Sau khi hoàn thiện, căn nhà lại được bán cho một đại phú hộ rồi có tên “Biệt thự Phương Nam”.

Biệt thự sau đó được ông này tặng cho con gái làm của hồi môn. Sau khi lấy chồng, cô con gái sinh được 7 người con. Theo quyền thừa kế, tài sản này thuộc quyền sở hữu của cả 7 người, nhưng chỉ có hai người đứng tên trên giấy tờ là cụ bà Đặng Kim Chi (sinh năm 1938) và Nguyễn Kim Sa Dang (sinh năm 1934). Dù tồn tại được hơn một thế kỷ nhưng căn biệt thự vẫn giữ nguyên vẹn những đường nét, thiết kế cổ xưa, mang dấu ấn của kiến trúc Pháp. Mái ngói đỏ, cổng vòm, trụ, cửa chính, cửa sổ… đều được chế tác tỉ mỉ và tinh xảo. Biệt thự cổ được rao bán cả chục năm nay nhưng giá trị quá lớn nên chưa ai có cơ hội được sở hữu nó. Vậy nên, sự xuất hiện của chủ nhân mới, dù chưa chính thức công bố cũng khiến dư luận một phen hiếu kỳ.

Bảo tồn giá trị biệt thự cổ

Câu chuyện về thương vụ mua bán căn biệt thự cổ không chỉ khiến nhiều người quan tâm về chủ nhân “triệu đô” mà còn tò mò không biết “vận số” của nó sẽ ra sao khi về tay người mới. Bởi giá trị của khu nhà này nghiêng nhiều về văn hóa, xã hội hơn là giá trị kinh tế riêng đối với một gia đình, cá nhân nào. Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kiến trúc (Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM) nhận định rằng, căn biệt thự nói trên được kiểm kê và khả năng đưa vào diện xem xét cần bảo tồn cao vì có kiến trúc, cảnh quan đẹp.

Ông cũng cho biết thêm, trong thời gian kiểm kê, đánh giá, phân loại biệt thự cổ, các hoạt động giao dịch, mua bán là quyền của chủ sở hữu, nhưng nếu có tác động đến công trình như trùng tu, thay đổi kết cấu, thiết kế... thì phải xin phép và được sự đồng ý của UBND TP.HCM.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, căn biệt thự tọa lạc tại số 110-120 Võ Văn Tần thuộc di tích lịch sử, nhà cổ nên phải được bảo vệ nghiêm ngặt, không ai có quyền đập ra xây lại; nội thất bên trong có thể được thay đổi nhưng phải bảo vệ nguyên vẹn kiến trúc của tòa nhà, ngay cả khi trường hợp nhà cũ quá bị đổ.

Thạc sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc (Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM) cho biết, vừa qua các quận, huyện trên địa bàn thành phố thống kê có khoảng 1.350 nhà cổ, biệt thự cổ, tập trung nhiều ở các quận 1, 3, nằm dọc những tuyến đường như: Nguyễn Thị Minh Khai, Hai Bà Trưng, Trần Quốc Thảo, Tú Xương, Trương Định…

Trong một buổi họp báo định kỳ mới đây, lãnh đạo Sở Xây dựng Thành phố phát biểu, sau khi Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 38/2009 về hướng dẫn quản lý sử dụng nhà biệt thự (kể cả biệt thự Nhà nước và tư nhân) tại khu vực đô thị, UBND TP.HCM đã giao Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố khảo sát, phân loại biệt thự hạng 1, 2, 3, trên cơ sở đó đề xuất phương án cụ thể.

Trong khi chưa có đề án hoàn chỉnh, nếu người dân muốn xây dựng lại phải xin phép Sở Quy hoạch Kiến trúc, sau đó Sở Quy hoạch Kiến trúc sẽ trình UBND Thành phố từng căn một để có phương án trùng tu.

Theo Duyên Dáng Việt Nam