- Chỉ trong 3 tháng, ngân sách quốc gia đã đưa ra một loạt kế hoạch huy động "nóng" với con số ít nhất là 5,3 tỷ USD. Nguyên nhân chủ yếu là thiếu tiền đầu tư và trả nợ. 

Đảm bảo cân đối ngân sách

Thông tin mới nhất từ cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2015 cho biết, 2015, tổng thu ngân sách tăng khoảng 7%, nhưng tăng thu là của địa phương, còn thu ngân sách Trung ương lại hụt thu khỏang 31 nghìn tỷ đồng do giá dầu giảm, việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. 

Thủ tướng chỉ đạo, từ nay đến cuối năm còn 2 tháng, các cơ quan chức năng nỗ lực tăng thu, bảo đảm cân đối ngân sách cho năm 2015.

Để bù đắp một phần thiết hụt, ngân sách sẽ phải vay nợ. Thông báo chính thức người phát ngôn Chính Phủ cho biết, Dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, tổng nhu cầu vay của Chính phủ giai đoạn 2016 - 2020 từ 3,02 đến 3,09 triệu tỷ đồng. Trong đó vay bù đắp bội chi là 1,36 triệu tỷ đồng, vay về cho vay lại khoảng 280 nghìn tỷ đồng, phần còn lại để trả nợ gốc đến hạn theo quy định.

Người Phát ngôn khắng định, Chính phủ đã nghiên cứu, xây dựng khá thận trọng trên cơ sở các phương án vay trả nợ khác nhau cho giai đoạn 2016 - 2020 và đang trình Quốc hội cho ý kiến.

Các phương án xây dựng đều bảo đảm giới hạn nợ công đã được Quốc hội thông qua, theo đó, đến năm 2020 nợ công không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 55% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP.

Để tăng cường quản lý nợ công, nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 14/02/2015, trong đó tập trung: Quản lý chặt chẽ nợ công, nhất là các khoản vay mới. Tính đúng, tính đủ nợ công theo quy định, bảo đảm trong giới hạn cho phép; Tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay, bảo đảm hiệu quả đầu tư, chất lượng công trình và theo đúng quy định của pháp luật. Chủ động ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; Khẩn trương cơ cấu lại nợ công theo hướng tăng tỷ trọng vốn vay dài hạn để giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn. Đẩy mạnh triển khai các nghiệp vụ quản lý và xử lý rủi ro đối với danh mục nợ công. Tăng cường thanh khoản và thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ; Quản lý chặt chẽ các khoản vay có bảo lãnh Chính phủ theo hướng siết chặt điều kiện cấp bảo lãnh, không mở rộng diện, chọn lọc có mục tiêu ưu tiên, tiến tới thu hẹp bảo lãnh Chính phủ và kiểm soát việc bảo đảm trả nợ đối với các khoản vay bảo lãnh Chính phủ; tăng dần tỷ lệ cho vay lại, giảm dần tỷ lệ cấp phát và thu đủ nợ đối với các khoản Chính phủ vay về cho vay lại.

Người phát ngôn chính phủ cho biết, Theo định hướng kế hoạch ngân sách nhà nước 5 năm giai đoạn 2016 - 2020, bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) bình quân sẽ ở khoảng 4,9% GDP, trong khi bình quân 5 năm giai đoạn 2011 - 2015 khoảng 5,4% (số tạm tính, chưa quyết toán). Như vậy, dự kiến giai đoạn 2016 - 2020 bội chi thấp hơn giai đoạn 2011 - 2015.

Những khoản vay tỷ USD

Những sự vay mượn gần đây của ngân sách trung ương luôn gây bất ngờ trong dư luận.

Giữa tháng 8, khi đó, nguy cơ thất bại kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ cả năm nay đã hiện rõ. Mục tiêu huy động 250.000 tỷ đồng, nhưng đã qua 3/4 của năm, tổng khối lượng trái phiếu phát hành ra thị trường mới đạt 140.938 tỷ đồng. Như vậy, số thiếu lên tới khoảng 100.000 tỷ đồng.

Tại thời điểm đó, vẫn chưa có một kế hoạch phát hành ra quốc tế lớn nào được nhắc đến như một giải pháp trọng yếu để khắc phục khó khăn.

Hai tháng sau, kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tới 3 tỷ USD ra nước ngoài lại được công bố. Đây cũng là khối lượng huy động lớn nhất từ trước tới này cho một đợt phát hành. Đầu năm nay, Bộ Tài chính đã phát hành thành công 1 tỷ USD trái phiếu. Thông tin tại thời điểm đó cho biết có thể sẽ tiếp tục động thái tương tự nhưng dự kiến chỉ dừng lại ở mức 1 tỷ USD.

{keywords}

Chỉ trong 3 tháng, ngân sách quốc gia đã đưa ra một loạt kế hoạch huy động "nóng" với con số ít nhất là 5,3 tỷ USD.

Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn tại cuộc họp báo hôm 26/10 trấn an: "Thu chi ngân sách vẫn có cơ sở đảm bảo được. 3 tỷ USD Chính phủ đã trình Quốc hội phát hành trái phiếu quốc tế là mức trần cho cả giai đoạn 2015-2016 để tái cơ cấu nợ ngắn hạn".

Trong khi đó, ông Bùi Đức Thụ, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội, trả lời báo chí đã cho rằng, mức độ đã quá cấp bách khi huy động vốn trong nước quá khó khăn. Các khoản nợ đến hạn phải trả nằm ở giai đoạn 2015-2016 lại chưa có nguồn, nên có thể, kế hoạch phát hành trái phiếu này cần làm ngay, bằng một nghị quyết của Quốc hội. Nghĩa là, chưa hẳn đã phải chờ đến năm 2017 mới thực hiện.

Trước đó, Bộ Tài chính đã bất đắc dĩ phải thừa nhận kế hoạch vay 30.000 tỷ, tương đương 1,3 tỷ USD từ Ngân hàng Nhà nước để ứng phó cho ngân sách. Lãnh đạo bộ này cũng bác bỏ lý do ngân sách thiếu hụt mà chỉ coi đây là vấn đề kỹ thuật, kèm theo đó, cam kết sẽ hoàn trả Ngân hàng Nhà nước cuối năm nay.

Kế đó, bộ này cũng đã cho biết về khoản phát hành trái phiếu 1 tỷ USD giải ngân cho Vietcombank.

Với riêng 3 khoản trên, tổng dự kiến huy động trái phiếu Chính phủ đã là khoảng 5,3 tỷ USD.

Không chỉ có vậy, Bộ Tài chính còn có kế hoạch vay 95.000 tỷ từ Quỹ bảo hiểm xã hội, phát hành tín phiếu kho bạc Nhà nước 20.000 tỷ...

Hàng loạt câu hỏi đặt ra như vay tiền nhiều, đặc biệt là vay nóng nước ngoài như trên và Uỷ ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội khi xem xét đề án phát hành 3 tỷ USD trái phiếu khi nhận xét chưa làm rõ giá trị, danh mục, thời gian của các khoản vay nợ đến hạn phải trả?

Vay nhiều càng phải tính kỹ

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh tuần trước gây sốc khi nói ở nghị trường Quốc hội rằng: "Cả nước ngân sách Trung ương chỉ còn 45.000 tỉ đồng. Với mức này không biết để làm cái gì, chưa nói để trả nợ với các thứ?".

{keywords}

Để giảm áp lực phải đi vay thì chỉ có cách duy nhất là sử dụng nguồn vốn phải hiệu quả và giảm chi thường xuyên.

Bộ Tài chính phản ứng bằng một cuộc họp báo về vấn đề này. Qua giải thích của Bộ Tài chính, thực tế, đó là khoản tiền còn lại của ngân sách trung ương dùng cho chi đầu tư phát triển, chứ không phải của cả ngân sách quốc gia.

Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn giải thích, Bộ trưởng Vinh không nói sai nhưng cần phải tính thêm 50.000 tỷ vốn ODA và vốn này cũng là nhằm cho nhiệm vụ đầu tư phát triển. Nói cách khác, lãnh đạo Bộ Tài chính vẫn muốn làm rõ, ngân sách vẫn đủ chi đầu tư

Tuy nhiên, có thể nói, cách lý giải khá kỹ thuật khiến cho nhiều người cảm nhận khó hiểu là bởi thông tin và các con số cụ thể dự kiến cân đối ngân sách không được công bố.

Ông Tuấn có bản tài liệu về cân đối ngân sách năm 2015-2016 tại cuộc họp nhưng đáng tiếc: "Tài liệu này vẫn đang đóng dấu mật. Từ năm 2017 trở đi, Luật Ngân sách sửa đổi có hiệu lực thì sẽ không còn mật nữa. Khi đó, báo chí mới có thể được phát tài liệu này đầy đủ".

Trong tính huống ngân sách đối mặt nhiều khó khăn, Bộ Tài chính đã xoay đủ kiểu để vay mượn và rất có thể sẽ phải ‘xé rào’ để đảm bảo thành công cho việc huy động vốn.

Từ tháng 7, Bộ này đã phải xin phát hành trái phiếu Chính phủ trở lại kỳ hạn ngắn, dưới 5 năm. Mặc dù nghị quyết của Quốc hội thông qua điều này cũng mới chỉ có nửa năm.

Hay như đề án phát hành trái phiếu 3 tỷ USD trên, mục tiêu là để đảo nợ các khoan vay trong nước. Trong khi Luật Quản lý nợ công quy định không được phát hành trái phiếu ngoại tế để đạo nợ trong nước.

Để giảm áp lực phải đi vay thì chỉ có cách duy nhất là sử dụng nguồn vốn phải hiệu quả và giảm chi thường xuyên. Nhưng nhiều năm qua, yêu cầu này vẫn khó hiện thực. Năm 2016, chi ngân sách dự kiến là hơn 1,27 triệu tỷ đồng, tăng 126 ngàn tỷ đồng, tỷ lệ tăng hơn 11% nhưng tổng thu lại chỉ dự kiến đạt 1,01 triệu tỷ đồng, tăng thêm 87.000 tỷ, tỷ lệ tăng 9,4%.

Hạn chế bội chi ngân sách 2016 – 2020 ở mức 4,9%:

- Đối với thu NSNN: Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, ổn định kinh tế vĩ mô nhằm tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh qua đó tăng thêm nguồn thu cho NSNN; hoàn thiện chính sách và hệ thống thuế góp phần bảo đảm nguồn thu.

- Đối với chi NSNN: Đổi mới chính sách phân phối tài chính thông qua lập và thực hiện kế hoạch tài chính - NSNN trung hạn. Bố trí cho đầu tư phát triển từ NSNN ở mức hợp lý; rà soát tổng thể các chính sách an sinh xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia; cơ cấu lại chi NSNN trong từng lĩnh vực để dành nguồn cải cách tiền lương.

Với mức bội chi NSNN dự kiến như trên, nợ công sẽ được kiểm soát không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 55% GDP.

Phạm Huyền