- Ngày càng nhiều tổ chức tín dụng áp dụng chính sách, hệ thống và quy trình cho vay có tính đến các rủi ro môi trường xã hội cũng như phát triển các sản phẩm tín dụng xanh để giảm các tác động tiêu cực của khối doanh nghiệp đến môi trường và xã hội.

Mở lối cho tín dụng xanh

Vài năm gần đây, nhờ sự tham gia và yêu cầu của cổ đông chiến lược nước ngoài, một NHTMCP đã áp dụng chính sách quản lý rủi ro môi trường xã hội khá chặt chẽ. NH duy trì yêu cầu trong báo cáo thẩm định tín dụng phải có nội dung thẩm định các điều kiện bảo vệ môi trường. Trong đó, báo cáo phải đánh giá đựợc mức độ ảnh hưởng đến môi trường của quá trình sản xuất và biện pháp bảo vệ. Ngoài ra, thẩm định cho vay tín dụng phải rà soát được rủi ro đối với môi trường khi khách hàng vi phạm quy định bảo vệ môi trường.

Đại diện NH này cho biết, ngoài những điều kiện cần, điều kiện đủ để một DN sản xuất kinh doanh được cấp hạn mức tín dụng từ NH là đảm bảo tuân thủ các quy định về môi trường, và NH sẽ nói không với tất cả những khách hàng có hành vi phá hoại môi trường.

“Tiêu chí hoạt động là tạo ra các giá trị cho cổ đông, cho cộng đồng. Đây chính là thế mạnh cạnh tranh và góp phần mang đến sự khác biệt, cho sự phát triển lâu dài và bền vững của NH”, đại diện NH này cho biết.

Trên thế giới, tín dụng xanh đang là một chiến lược rất phổ biến và ngày càng được nhiều các TCTD áp dụng. Chiến lược này giúp các TCTD đảm bảo quá trình phát triển của tổ chức mình không làm tổn hại đến con người, nguồn tài nguyên thiên nhiên và hệ sinh thái. Việc này cũng giúp các TCTD bảo vệ danh mục tín dụng của mình khỏi những rủi ro kinh doanh và tìm kiếm những cơ hội kinh doanh mới thân thiện với môi trường.

“Việc 80 NHTM trên khắp toàn cầu cam kết tự nguyện thực hiện Nguyên tắc Xích đạo - một khuôn khổ quản lý rủi ro tín dụng để xác định, đánh giá và quản lý rủi ro môi trường xã hội trong hoạt động tài trợ dự án có thể trả lời phần nào cho câu hỏi lợi ích kinh tế trong triển khai quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động tín dụng và đầu tư”, ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN Việt Nam nói.

{keywords}

Ngày càng nhiều tổ chức tín dụng áp dụng chính sách, hệ thống và quy trình cho vay có tính đến các rủi ro môi trường xã hội cũng như phát triển các sản phẩm tín dụng xanh.

Một số ví dụ về cơ hội kinh doanh mới như đầu tư vào năng lượng tái tạo, công nghệ sạch, tái chế, quản lý nước và cải tạo đất. Các DN do phụ nữ làm chủ, kinh doanh trong ngành nông nghiệp và các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đang mang lại những cơ hội cho vay tiềm năng với những lợi ích lớn về môi trường và xã hội.

Những thách thức toàn cầu hiện nay tạo sức ép đòi hỏi khu vực tài chính phải đóng một vai trò chủ động hơn. Hệ quả của biến đổi khí hậu, khan hiếm nguồn lực, ô nhiễm trầm trọng, dân số gia tăng và mối đe dọa đến an ninh lương thực chỉ là một vài trong số những sức ép ngày càng lớn đang tác động đến nền kinh tế các nước.

Trên thực tế, trong vài năm gần đây, khá nhiều NH trong nước đã bắt đầu quan tâm tới tín dụng xanh. Các quy định về chính sách này đã thấy ở VietinBank, Techcombank, ABBANK, Sacombank … Xu hướng tín dụng hướng tới phát triển toàn diện và bền vững có thể còn mạnh hơn trong thời gian tới với sự hỗ trợ mạnh mẽ về chính sách của cơ quan quản lý.

Điều này cũng được ông Đông cho biết thêm: “Rất nhiều TCTD trong nước đã và đang triển khai các sản phẩm tín dụng xanh như cho vay tiết kiệm năng lượng, cho vay năng lượng tái tạo, cho vay sản xuất sạch hơn…”

Sau các chỉ thị đầu năm về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và xử lý nợ xấu, cuối tháng 3/2015, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Chỉ thị 03/CT-NHNN năm 2015 về việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Theo đó, ngay từ năm 2015, hoạt động cấp tín dụng của ngành NH cần chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng. Đồng thời, cải thiện chất lượng môi trường và bảo vệ sức khỏe con người, đảm bảo sự phát triển bền vững. Các TCTD xây dựng và triển khai thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh nhằm khuyến khích hoạt động kinh doanh thân thiện với môi trường và xã hội…

Là máu thịt của DN

Ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưng Viện nghiên cứu và quản lý Trung ương cho biết, trước đây từ “xanh” phần lớn chỉ được cácở lãnh đạo cấp cao nói tới nhưng giờ đây, tín dụng xanh, phát triển kinh tế xanh… được các NH và DN nói tới và nói đến rất nhiều. Xanh và bền vững là một đặc trưng của các nền kinh tế thế giới và giờ trở thành máu và thịt của DN. Không có xanh, sạch, không trách nhiệm xã hội DN chắc chắn sẽ gặp khó.

{keywords}

Xanh và bền vững là một đặc trưng của các nền kinh tế thế giới và giờ trở thành máu và thịt của DN.

“Các định chế tài chính ngày càng coi việc có hay không khía cạnh “xanh” trong dự án, trong sản xuất kinh doanh như một yêu cầu bắt buộc để có thể cung ứng vốn”, ông Thành chia sẻ.

Ông Đông nhấn mạnh: “Các TCTD cũng có thể từ chối hợp tác với những khách hàng mới nếu những khách hàng này không cam kết tuân thủ hoặc không có khả năng tuân thủ các quy định về môi trường và xã hội của TCTD”.

Thực tế cho thấy, quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta trong thời gian qua còn chưa quan tâm thích đáng đến yếu tố môi trường và xã hội của các dự án đầu tư. Rất nhiều sự kiện, vụ việc liên quan đến môi trường đã xảy ra với nhiều hậu quả nặng nề như vụ việc nhà máy Vedan xả nước thải chưa qua xử lý gây đầu độc con sông Thị Vải trong một thời gian dài, hay vụ làng ung thư ở Thạch Sơn, Lâm Thao do chất thải của Nhà máy Supe phốt phát Lâm Thao, vụ lấp Đồng Nai để xây khu đô thị của Tập đoàn Toàn Thịnh Phát...

Ông Lakhdeep Babra, chuyên gia IFC về môi trường, xã hội và quản trị khu vực châu Á cho biết, trong 3 năm qua, NHNN đã tiến hành nhiều nghiên cứu để chuẩn bị cho phát triển tín dụng xanh cũng như đưa ra các chính sách và quy định để quản lý rủi ro môi trường và xã hội. Việc ban hành Chỉ thị 03 mới đây thể hiện cam kết mạnh mẽ của NHNN trong nỗ lực thúc đẩy tín dụng xanh và chỉ thị mới này sẽ tạo hành hang cho phép tất cả các NH tại Việt Nam có cơ sở trong quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng của mình.

Tuy nhiên, IFC cũng đã nhận thấy kinh nghiệm từ các thị trường khác là các NH luôn gặp các thách thức trong thực hiện. Do đó, sẽ còn nhiều việc phải làm để quy định mới này thực hiện có hiệu quả. Nhiều nghiên cứu của IFC cũng như các tổ chức khác đã chỉ ra, khi các DN có những cam kết mạnh mẽ về môi trường và xã hội, thì hoạt động kinh doanh của họ sẽ hiệu quả và bền vững hơn.

Theo IFC, với việc Cộng đồng Kinh tế ASEAN sẽ có hiệu lực vào cuối năm nay, các NH của Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các NH trong khu vực mà trong đó rất nhiều NH đã đi theo các tiêu chuẩn về môi trường và xã hội quốc tế. Khách hàng và những đối tác tài trợ như IFC đều luôn yêu cầu các tiêu chuẩn về môi trường và xã hội từ các đối tác của họ. Vì vậy, để giành chiến thắng trong các cơ hội kinh doanh mới và mở rộng thị phần thì các NH của Việt Nam cần đáp ứng được với xu hướng chung đó.

Với NH, phát triển bền vững không chỉ là việc “chính nghĩa” mà còn giúp đảm bảo lợi ích kinh tế như bảo vệ tài sản, củng cố giá trị nhãn hiệu và giảm chi phí vốn.

Cụ thể hóa lợi ích mang lại cho các NH khi triển khai tín dụng xanh, ông Đông nói: “Thứ nhất, mở rộng thị phần nhờ sản phẩm/dịch vụ mới thân thiện với môi trường (tài trợ tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo, công nghệ sạch, các thị trường chưa khai thác…), củng cố mạng lưới khách hàng hiện có và thu hút mới các khách hàng chất lượng tốt; Thứ hai, cải thiện đáng kể chất lượng danh mục tín dụng nhờ xác định và quản lý hiệu quả rủi ro môi trường và xã hội, kiểm soát tốt hơn rủi ro tín dụng và rủi ro tài sản đảm bảo của từng khoản vay do các vấn đề về môi trường và xã hội tạo nên; Thứ ba, cải thiện danh tiếng và giá trị thương hiệu của tổ chức nhờ giảm thiểu được rủi ro danh tiếng và rủi ro pháp lý nếu liên đới đến các dự án hay hoạt động không tuân thủ các quy định về môi trường và xã hội; Thứ tư, mở ra cơ hội hợp tác, thu hút nguồn lực và hỗ trợ từ các tổ chức tài chính quốc tế khi mà vấn đề biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững đang trở thành mối quan tâm lớn của cộng đồng quốc tế”.

Lợi ích của phát triển xanh, phát triển bền vững cho các bên là thấy rõ. Tuy nhiên, tín dụng xanh vẫn còn là khá niệm khá mới mẻ và để thực hiện điều này, các NH và DN phải có cam kết mạnh mẽ thì mới có thể thành công bởi chi phí ban đầu là rất lớn. Bên cạnh đó, để đi đến thành công, cần có sự hỗ trợ của nhiều bộ ban ngành như: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Thương mại, Khoa học Công nghệ và Môi trường…

Lê Hà