Mỳ ăn liền trong ly, khay, tô hay có thịt, rau thậm chí có cả xúc xích với hàm lượng dinh dưỡng đủ cho một bữa ăn, thị trường mì gói đang chuyển mình để đa dạng hóa nhu cầu người tiêu dùng, lấy lại đà tăng trưởng.

Định vị thêm sản phẩm mì ăn liền cao cấp được xem là cách các nhà sản xuất hướng đến nhằm tạo sức bật cho thị trường mì ăn liền hiện nay.  

Về lại mức 5 tỉ gói/năm

Theo thống kê của Hiệp hội mì ăn liền thế giới, sau hai năm 2015-2016 sụt giảm về dưới 5 tỉ gói, năm 2017, tiêu thụ mì gói ở Việt Nam đã tăng về trên mức 5 tỉ gói, tuy vẫn chưa quay về được mức con số đỉnh 5,2 tỉ gói của năm 2013 nhưng điều đó cũng cho thấy sự khả quan của thị trường. Với số lượng tiêu thụ này, Việt Nam đứng thứ 5 trên thế giới về tiêu thụ sau Trung Quốc, Indonesia, Nhật Bản, Ấn Độ.

Tuy nhiên sự dịch chuyển trong hành vi tiêu dùng của thị trường này mới là điều đáng chú ý. Các sản phẩm mì ly, mỳ khay hay mì trong tô đang lấn lướt mì gói tại nhiều cửa hàng tiện lợi và trở thành sản phẩm bán chạy, đóng góp vào doanh số của không ít doanh nghiệp sản xuất mì gói.

Ông Junichi Kajiwara, Tổng Giám đốc Acecook Việt Nam cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2016, mì ly là dòng sản phẩm dẫn đầu tăng trưởng toàn công ty với mức tăng trưởng vượt bậc tới 45%.

{keywords}
Thị trường mì ăn liền đang có sự dịch chuyển về hành vi người tiêu dùng

Theo một khảo sát gần đây của công ty nghiên cứu thị trường Q&Me, mì gói đang chiếm tỉ lệ cao trong các siêu thị ở ngành hàng tiêu dùng nhanh, đặc biệt trong hệ thống cửa hàng tiện lợi thì mì dạng ly lại chiếm đa số mức tiêu thụ. Khảo sát của tổ chức này tại hơn 200 cửa hàng tiện lợi ở TP.HCM cũng ghi nhận Hảo Hảo chiếm thị phần lớn nhất trong danh mục mì gói, Modern lại có tỉ lệ thị phần cao nhất trong danh mục mì dạng ly.

Giám đốc một siêu thị nước ngoài tại VN cho biết hiện tại các dòng sản phẩm cao cấp từ 15.000 đồng trở lên chiếm khoảng 30% tỷ trọng hàng mì ăn liền của siêu thị. “Đặc biệt để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, chúng tôi cũng trưng bày và bán nhiều sản phẩm với nhiều chủng loại và xuất xứ khác nhau mì gói ăn liền, mì ly, mì xào, mì khô, mì không chiên, mì chay.. Những sản phẩm này bán khá chạy”, vị này nói.

Cuộc đua về chất lượng

Thị trường mì ăn liền Việt Nam được đánh giá đầy tiềm năng nhưng sẽ ngày càng khó khăn hơn do cạnh tranh mạnh mẽ và nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, do đó, đổi mới là yêu cầu bắt buộc để các doanh nghiệp tồn tại, chứ không thể đầu tư theo kiểu “ăn liền”, sản xuất được sản phẩm là có lời. Hiện nay, nhiều hãng mì đã liên tục tung ra các sản phẩm mới sau khi “thăm dò” kỹ người tiêu dùng.

Mức tăng trưởng hằng năm hiện tại của Acecook Việt Nam - doanh nghiệp đang có thị phần lớn trong ngành mì ăn liền, là khoảng 7% - 8%. Không bằng lòng với ngôi vị “Vua” mì gói ở phân khúc trung cấp, gần đây Acecook đang mở rộng qua mảng mì cao cấp, các dòng mì ly và đạt doanh số ấn tượng. Hiện công ty đang đẩy mạnh các sản phẩm mì cao cấp có rau, củ, trứng, thịt, hải sản…, đồng thời gia tăng các sản phẩm ăn liền từ gạo, trong đó có phở, bún, hủ tiếu (vốn chiếm khoảng 25 - 32% cơ cấu tỷ lệ nguồn cung sản phẩm ra thị trường của công ty này).

{keywords}
 

Nhằm bắt kịp thị hiếu của thị trường, các doanh nghiệp mì ăn liền lớn đang đẩy mạnh đầu tư nguồn vốn lớn vào hệ thống nhà máy, trang thiết bị, phòng thí nghiệm để tăng cường quản lý chất lượng, cũng như nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới

Ông Kajiwara JunichiTổng Giám đốc Acecook Việt Nam, chia sẻ: “Chúng tôi trung thành với triết lý kinh doanh mang tên Kaizen, là tập trung cải tiến và quản trị chất lượng sản phẩm với mục tiêu cuối cùng là phục vụ khách hàng, gia tăng lợi ích sản phẩm. Và người hưởng lợi cuối cùng là khách hàng”.

Trong tương lai, Acecook định hướng: “Phát triển thêm các sản phẩm mang nhiều giá trị gia tăng như sản phẩm gạo, các sản phẩm mì ăn liền bổ sung thêm dinh dưỡng. Mục tiêu tăng trưởng của công ty là không chỉ khoảng 7% - 8% mà là từ 10% - 15%”, ông Kajiwara Junichi nói.

Theo thống kê của một doanh nghiệp mì gói, cách đây 25 năm, tổng lượng tiêu thụ mì ăn liền tại Việt Nam là 1,2 tỷ gói/năm. Sau khi Acecook Việt Nam tham gia thị trường và bán ra sản phẩm Hảo Hảo vào năm 2000, sản lượng sản xuất cùng nhu cầu tiêu dùng đã liên tục gia tăng, và hiện nay tổng lượng tiêu thụ đã đạt mức 5 tỷ gói một năm.

Như Bình