{keywords}

Ngày 29/3, Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp đã chính thức ra nghị quyết bãi nhiệm chức danh Tổng giám đốc đối với ông Trần Ngọc Hà.

Trước đó, từ tháng 8/2018, ông Trần Ngọc Hà đã bị đình chỉ chức danh Tổng giám đốc (nhưng không ghi rõ thời hạn) và được giao nhiệm vụ đi đôn đốc thu hồi nợ.

Hiện quyền Tổng giám đốc của Veam đang là ông Ngô Văn Tuyển (thành viên HĐQT Veam).

Kết quả kinh doanh của các công ty liên doanh, liên kết như Honda Việt Nam, Ford Việt Nam hay Toyota ấn tượng giúp Veam báo lãi "khủng" trong năm 2018.

Năm 2018, Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp (Veam - Mã: VEA) đạt doanh thu thuần 7.073 tỷ đồng, tăng trưởng 8% so với năm 2017; biên lãi gộp 8,5%.

Đáng chú ý, trong năm Veam nhận về 6.849 tỷ đồng tiền lãi từ các công ty liên doanh liên kết, tăng 32,5% so với năm 2017.

Nguồn thu trên đến từ việc Veam nắm giữ 30% cổ phần Honda Việt Nam, 20% cổ phần Toyota Việt Nam, 25% cổ phần Ford Việt Nam, Veam cũng nắm phần vốn chi phối ở nhiều công ty con hoạt động hiệu quả như Futu1, Diesel Sông Công,... Ngoài ra, báo cáo tài chính cũng cho biết việc Veam còn gần 2.250 tỷ đồng tiền phải thu cổ tức từ Công ty Honda Việt Nam.

 

Tháng 10/2018, ông Trần Sơn Châu, Tổng giám đốc Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) đột ngột qua đời. Ghế Tổng giám đốc của Vinataba tạm thời bị bỏ trống.

Theo Nghị quyết số 10-NQ/BCĐ ngày 30/7/2018 của Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương, Bộ này tiến hành quy trình điều động, bổ nhiệm ông Nguyễn Thành Nam giữ chức thành viên Hội đồng thành viên Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam và giới thiệu để Hội đồng thành viên Vinataba bổ nhiệm chức danh Tổng giám đốc từ ngày 1/10/2018.

Tuy nhiên, đến ngày 10/11/2018, Vinataba đã được Bộ Công Thương bàn giao về Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Cho nên, trong một văn bản vào cuối năm 2018, Bộ Công Thương đã đề nghị Ủy ban quản lý vốn tiếp quản và chỉ đạo thực hiện quy trình bổ nhiệm thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Vinataba.

Đến thời điểm này, trên website của Vinataba, ông Nguyễn Thành Nam vẫn chưa có tên trong Hội đồng thành viên của Vinataba cũng như Ban Tổng giám đốc đơn vị này.

Hiện ông Đặng Xuân Phương, Phó Tổng giám đốc được giao nhiệm vụ phụ trách Ban tổng giám đốc.

Từ tháng 5/2016, ông Lại Quang Đạo, Tổng giám đốc SCIC, nghỉ hưu. Sau đó, Bộ Tài chính đã có tờ trình gửi Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch chức danh Tổng giám đốc SCIC đối với 4 trường hợp đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định.

Tuy nhiên, khi ông Đạo nghỉ hưu, ông Hoàng Nguyên Học, Phó Tổng giám đốc SCIC, được cử làm người đại diện theo pháp luật của SCIC, quy hoạch này vẫn chưa được duyệt.

Từ 1/9/2017, ông Hoàng Nguyên Học nghỉ hưu theo chế độ. Đến nay, SCIC vẫn khuyết chức danh Tổng giám đốc như đã đề cập ở trên.

Trên website của SCIC vẫn thể hiện chưa có chức danh Tổng giám đốc. Ông Nguyễn Chí Thành được giao nhiệm vụ Phó tổng giám đốc phụ trách.

Hiện Tổng Công ty Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (SBIC - tên gọi mới của Vinashin) cũng khuyết cả chức danh Chủ tịch và Tổng giám đốc sau khi ông Nguyễn Ngọc Sự, Chủ tịch SBIC, nghỉ hưu từ tháng 8/2017 (sau đó, ông Nguyễn Ngọc Sự đã bị khởi tố, bắt giam vì lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ).

Từ đó đến nay, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Công đã được giao kiêm nhiệm chức danh Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam. Còn ông Cao Thành Đồng giữ chức quyền Tổng giám đốc.

Từ khi con tàu Vinashin bị gặp khó, các sếp Vinashin lần lượt hầu tòa và nhận những bản án nghiêm khắc. Nhưng ngay cả khi đã “thay tên đổi họ” từ Vinashin thành SBIC, thì các sếp Vinashin lại một lần nữa nhận cái kết bẽ bàng.

Tháng 8/2010, ông Phạm Thanh Bình - nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) bị bắt về tội "Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng”. Khi đó, Vinashin ngập trong nợ nần, thua lỗ.

Một tháng sau, vào tháng 9/2010 cựu Tổng giám đốc Vinashin cũng bị bắt. Đó là ông Trần  Quang Vũ.

Khi những lãnh đạo tai tiếng của Vinashin bị pháp luật xử lý, thì Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam cũng được tái cơ cấu thành Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy, tên viết tắt mới là SBIC.

Song lãnh đạo của SBIC vẫn không khác gì những người tiền nhiệm. Ông Nguyễn Ngọc Sự là dẫn chứng tiếp theo.

6 tháng sau khi nghỉ hưu (từ tháng 6/2017), ông Sự đã bị cơ quan bảo vệ pháp luật sờ gáy. Ngày 25/1/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C46) đã ra Quyết định Khởi tố vụ án; Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam và Lệnh khám xét đối với bị can Nguyễn Ngọc Sự, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam Vinashin (SBIC) về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Sau khi ông Sự bị bắt, cựu Tổng giám đốc SBIC cũng chung số phận. Quá trình điều tra cơ quan chức năng xác định ông Trương Văn Tuyến, cựu Tổng giám đốc và ông Phạm Thanh Sơn, Phó Tổng giám đốc đã lạm dụng chức vụ, quyền hạn để ký duyệt gửi tiền có kỳ hạn của Tập đoàn Vinashin (nay là SBIC) vào Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank) trái quy định pháp luật.

Tháng 9/2015, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh - Phó tổng giám đốc giữ chức vụ thành viên, hội đồng thành viên, quyền Tổng giám đốc Vinalines.

Ông Tĩnh giữ chức vụ quyền tổng giám đốc sau khi ông Lê Anh Sơn - Tổng giám đốc được bổ nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinalines thay ông Nguyễn Ngọc Huệ nghỉ hưu theo chế độ.

Từ đó đến nay, Vinalines vẫn chưa chính thức có Tổng giám đốc, trong khi ông Nguyễn Cảnh Tĩnh vẫn giữ nhiệm vụ quyền Tổng giám đốc.

Vinalines cũng là đơn vị gặp nhiều tai tiếng do làm ăn thua lỗ.

Đầu 2012, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Vinalines. Trong số những nhân vật bị khởi tố có Dương Chí Dũng, cựu Chủ tịch Vinalines. Khi ấy, ông Dũng đã rời Vinalines được 2 tháng để giữ chức Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ GTVT).

Tuy nhiên, ông Dương Chí Dũng đã bỏ trốn trước khi cơ quan điều tra thực thi lệnh bắt vào ngày 18/5/2012. Đầu tháng 9/2012, ông Dũng bị bắt theo lệnh truy nã quốc tế.

Tại phiên phúc thẩm xét xử vào tháng 5/2014, Dương Chí Dũng phải nhận án cao nhất: Tử hình!

Tháng 10/2017, ông Trần Bá Huấn, Tổng Giám đốc ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) chính thức nghỉ hưu theo chế độ.

Tháng 11/2017, Thủ tướng Chính phủ giao ông Đào Quang Trường, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam nhiệm vụ Quyền Tổng Giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam kể từ ngày 17/11/2017 đến nay.

Ngoài thiếu chức danh Tổng giám đốc, VDB cũng đang còn khuyết vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị kể từ cuối năm 2017.  Việc này xảy ra sau khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định điều chuyển Chủ tịch VDB Phạm Quang Tùng sang nhận nhiệm vụ tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (khi đó BIDV đang khuyết vị trí Chủ tịch).

Đến nay, website của VDB vẫn chưa đề cập đến chức danh Chủ tịch HĐQT. Ông Bùi Tuấn Minh, Phó chủ tịch HĐQT, được giao phụ trách HĐQT ngân hàng này.

Tháng 11/2018, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam đã công bố quyết định bổ nhiệm nhân sự cấp cao của ngân hàng sau hơn 2 năm “bỏ trống” ghế nóng. Theo đó, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã chính thức bổ nhiệm ông Phan Đức Tú vào vị trí Chủ tịch HĐQT ngân hàng. Trước đó, ông Tú cũng đang là Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc tại nhà băng này.

Sau khi ông Phan Đức Tú giữ chức Chủ tịch HĐQT, đến nay BIDV vẫn thiếu chức danh Tổng giám đốc. Ông Lê Ngọc Lâm được giao giữ vị trí Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành.

Vào cuối tháng 11/2018, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã tống đạt lệnh bắt tạm giam, khám xét đối với đối với ông Trần Bắc Hà (cựu Chủ tịch BIDV) và nhiều cấp dưới về tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.

Từ ngày 28 đến 30/5/2018, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp kỳ 26 và kết luận nhiều sai phạm tại BIDV.

Cụ thể, Ban Thường vụ Đảng ủy BIDV nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát, để BIDV có nhiều vi phạm nghiêm trọng mang tính hệ thống trong thực hiện quy chế làm việc, quy định về phân cấp thẩm quyền và quy trình, thủ tục cấp tín dụng, gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm tăng nợ xấu, nhất là các khoản nợ có khả năng mất vốn;

Để nhiều cán bộ vi phạm kỷ luật đảng và pháp luật nhà nước, bị xử lý hình sự; làm giảm nguồn thu ngân sách, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, đến thu nhập, việc làm và đời sống của người lao động Ngân hàng BIDV.

Ông Trần Bắc Hà, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020.

Ông Hà đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, có biểu hiện áp đặt, thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành; vi phạm nghị quyết của Ban Thường vụ Đảng ủy về nghĩa vụ, trách nhiệm của người giữ chức vụ trong hệ thống BIDV.

Vi phạm quy trình, thủ tục, thẩm quyền, quy định về tín dụng trong việc phê duyệt chủ trương, quyết định một số khoản cho vay, bảo lãnh, đầu tư, quản lý nợ, trong đó có việc phê duyệt chủ trương cho vay 4.700 tỷ đồng đối với 12 công ty liên quan đến vụ án xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng.

Ông Đoàn Ánh Sáng, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Tổng Giám đốc và ông Trần Lục Lang, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Tổng Giám đốc BIDV cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy.

Những vi phạm của ông Trần Bắc Hà là rất nghiêm trọng, vi phạm của Ban Thường vụ Đảng ủy BIDV nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020 và các ông Đoàn Ánh Sáng, Trần Lục Lang là nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng và Ngân hàng BIDV, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.

Hà Duy

Thiết kế: K.H