Măng được ngâm trong axit, tẩy trẳng bằng javen, độn thêm vàng ô cho màu đẹp, còn măng khô thì hong sấy bằng chất lưu huỳnh... ăn đặc sản măng này, người Việt đang được “khuyến mãi” kèm 'thần chết'. 

Măng ngâm tẩm hàng chục chất độc

Gần đây, người tiêu dùng vô cùng hoang mang khi hay tin, vàng ô - loại chất cấm cực độc, được xếp vào top 3 chất có nguy cơ gây ung thư cao nhất có trong măng tươi. Theo đó, có 7/9 mẫu măng bán tại các chợ, cơ sở chế biến thực phẩm tại Đà Nẵng nhiễm chất độc này.

Chưa đầy chục ngày sau, Công an Thừa Thiên - Huế lại phát hiện tiểu thương tại chợ đầu mối Phú Hậu (TP. Huế) dùng chất Auramine O (vàng ô) để nhuộm măng tươi. Tiểu thương thừa nhận, họ dùng chất đó từ lâu rồi.

{keywords}

Măng tươi, măng khô được ngâm tẩm hàng loạt các loại hóa chất hại

Trước khi phát hiện măng có chất cấm vàng ô, tháng 5/2015, cơ quan chức năng tỉnh Bình Định đã kiểm tra và phát hiện một cơ sở chế biến măng tươi ngâm hóa chất tại xã Hàm Trí. Tại đây, măng được ngâm và tẩy trắng với chất bột lạ trong các thau chậu lớn.

Ngoài ra, tháng 1/2015, nhà chức trách TP.HCM phát hiện 3 cơ sở sản xuất, kinh doanh măng tươi ở phường Tân Thới Nhất (quận 12) có hành vi ngâm tẩm măng trong hóa chất để giữ tươi trong thời gian dài.

Theo chuyên gia trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, hóa chất lạ có thể là sunfit, nước tẩy rửa javen, thậm chí bất kỳ loại chất có tác dụng tẩy rửa nào để làm trắng và đẹp măng.

Không chỉ có vậy, măng còn được ngâm đủ loại hóa chất khác. Nửa đầu tháng 4/2016, cơ quan chức năng Lạng Sơn đã phát hiện hơn 20 tấn măng có ngâm chất diêm sinh

Điều tra ban đầu cho thấy, đối tượng Triệu Tiến Thành mua hơn 21 tấn măng tươi ở Bắc Giang, sau đó dùng 320kg bột vàng đốt ủ măng để bảo quản được lâu và giữ được màu đẹp. Chất vàng được xác định là chất diêm sinh, hay còn gọi là lưu huỳnh.

Việc sử dụng lưu huỳnh để bảo quản măng không còn là câu chuyện mới. Cách đây 4 năm, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Thanh Hóa đã tạm giữ 530kg măng sợi khô đã hấp qua lưu huỳnh. Nơi phát hiện là cơ sở sấy măng ở Xuân Bái (Thọ Xuân, Thanh Hóa). Còn ngay chiều 12/4 vừa qua, tại Nghệ An còn phát hiện măng tươi chế biến tại phường Lê Mao đầy giòi bọ.

{keywords}

NgườiViệt đang liên tưởng ăn món măng họ được “khuyến mãi” thêm cái chết

Ăn măng được khuyến mãi 'thần chết'

PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, khẳng định, đã là chất độc hại thì dù có cho lượng ít hay nhiều vào ngâm tẩm măng vẫn cứ độc hại, ảnh hưởng tới sức khỏe con người khi ăn.

Ví như lưu huỳnh (SO2) là chất độc, nếu người tiêu dùng ăn hay hít và ngửi phải chất này có thể ảnh hưởng đến các cơ quan bên trong như phổi, mắt. Khi ngâm hoặc đốt SO2 xong thì sẽ có lớp bao phủ trên bề mặt giúp tiêu diệt vi sinh vật để măng được giữ lâu hơn. Trong quá trình chế biến, phần SO2 này nếu còn tồn tại sẽ gây độc, ông Thịnh cho hay.

Theo PGS. TS Trần Đáng, Nguyên Cục trưởng cục An toàn Thực phẩm, việc các cơ sở sản xuất, chế biến măng tươi dùng hóa chất để ngâm trắng, tẩy rửa đã có từ lâu. Thường họ dùng sunfat, nước javen, thậm chí bất kỳ loại chất có tác dụng tẩy rửa nào để làm trắng và đẹp măng. Đây đều là những hóa chất không nằm trong danh mục phụ gia và gây độc hại, nguy hiểm cho sức khỏe như làm viêm da, mắt, miệng, phá hủy đường tiêu hóa, ảnh hưởng tới chức năng gan, thận, không loại trừ khả năng gây ung thư.

Không bàn tới chuyện độc hại, một chuyên gia trong ngành thực phẩm chia sẻ: “Từ quá trình sản xuất tới bàn ăn, món măng được tẩm ướp hàng chục hóa chất độc hại. Người tiêu dùng ăn món măng này vô hình chung sẽ được ‘khuyến mãi’ thêm cái chết,... ”.

Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Ban An toàn thực phẩm thành phố Hà Nội, nói: “Giờ vệ sinh an toàn thực phẩm đã trở thành quốc nạn. Nhìn đâu cũng ra đồ độc hại, tìm thực phẩm an toàn còn khó hơn đồ độc hại. Hệ lụy của nó là tỷ lệ người mắc bệnh ung thư tăng nhanh chóng trong những năm qua, dự báo sẽ thành đại dịch trong năm năm tới.”.

Theo ông Phú, sở dĩ xảy ra tình trạng trên là do vấn đề an toàn thực phẩm chưa được quan tâm và đầu tư đúng mức, hệ thống phân phối hàng hóa không theo khoa học, quản lý vùng biên giới lỏng lẻo tạo điều kiện cho nhập lậu các hóa chất độc hại vào Việt Nam. Thế nên, người làm ăn chân chính thì chết, dân phải mua đồ độc hại, kém an toàn về ăn.

Nhắc tới chuyện người dân đang dần mất niềm tin vào thực phẩm nội, ông Phú chia sẻ, khách hàng vẫn được gọi bằng một ngôn từ hoa mỹ “Người tiêu dùng thông thái”, nhưng thông thái làm sao khi mình không biết nguồn gốc sản phẩm.

B. Hân