Trầm hương, kỳ nam được cho là “tinh hoa đất trời” kết tinh ban tặng cho con người. Tuy nhiên, kỳ hay trầm thì cũng có vô vàn loại khác nhau, mức giá chênh lệch khác nhau… mà ngay cả những phu trầm, dân chơi trầm ở “xứ trầm” nhiều lúc cũng khó đoán định.

Độc đáo “cấy” trầm nhân tạo

Nếu như trước đây, bất kỳ ai muốn có trầm hương bắt buộc phải băng rừng, lội suối vào “thánh địa” của cây dó bầu để tìm kiếm. Tuy nhiên, khoảng một thập niên trở lại đây, dân “xứ trầm” ở Khánh Hòa, bằng một cách khác là thực hiện việc trồng cây dó bầu và tự “cấy” trầm nhân tạo.

Ông Nguyễn Phúc (50 tuổi, thôn Phú Hội 1, xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) kể, người ta trồng cây dó bầu hàng loạt như trồng cây cao su - loại cây duy nhất sinh ra trầm từ vết thương do nhiều yếu tố khác nhau tạo ra, như bị kiến đục khoét, bị gãy đổ, bị khoan nhân tạo...

{keywords}

Trầm "sánh bì" được tạo ra từ vỏ cây dó bầu.

Cây dó bầu được trồng ít nhất 10 năm tuổi thì mới được dân “tạo dó” mua lại để “cấy” trầm. Trên cây dó bầu, người ta có thể tạo trầm bằng 2 cách, hoặc từ lớp vỏ hoặc từ lõi của thân. Sau khoảng 2 năm tính từ lúc “tạo dó” (bôi một loại thuốc đặc biệt ở phần vỏ đã cạo lớp da bên ngoài, hoặc khoan rồi bôi thuốc này ở chỗ mũi khoan - PV), thì trầm mới hình thành và bắt đầu cho khai thác.

{keywords}

Mẩu trầm quý ở Vạn Ninh.

Trầm được tạo từ lớp vỏ gọi là trầm “sánh bì”, còn trầm do khoan vào thân gọi là trầm từ lõi. Để lấy trầm, người ta cưa cây, cắt thành khúc, rồi đẽo ra, phá xác và tỉa sạch thành trầm. “Loại thuốc chúng tôi bôi ở vết khoan là một loại dung dịch đặc biệt để tạo trầm. Cái này ít khi người ta nói ra, nhưng có 2 thứ không thể thiếu là nước mưa và gỉ sắt”, ông Phúc - tiết lộ.

Ông Đinh Văn Trúc (41 tuổi, thôn Phú Hội 3, xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh), tâm sự, dân “soi trầm” (động tác gọt bỏ phần vỏ cây dó bầu để lấy phần lõi trầm bên trong - PV) thường mua cây dó bầu ở trong tỉnh hoặc một số tỉnh khác như Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Phước… để về gia công. Hàng ngày, đều có xe tải chở cây dó bầu đến Vạn Ninh bán, giá khoảng 17.000 đồng/kg.

Theo ông Trúc, người ta phải “soi” ít nhất 1 tấn cây dó bầu mới có thể thu được 20kg trầm sạch. “Dân “soi trầm” mỗi ngày “soi” được vài lạng, một tháng thì được vài kg trầm. Hiện 1kg trầm được thương lái thu mua 2,2 triệu đồng/kg, tuy nhiên cũng có lúc xuống 1,8 triệu đồng/kg”, ông Trúc - nói.

Ở “xứ trầm” Khánh Hòa, hiện nay, các lò “soi trầm” tập trung nhiều nhất ở các xã của huyện Vạn Ninh như Vạn Thắng, Vạn Bình, Vạn Long… Mỗi lò “soi trầm” ít thì 5-7 lao động, nhiều thì 15-20 lao động. Mỗi lao động bình quân được trả 140.000-160.000 đồng/ngày.

“Ma trận” trầm kỳ và mức giá khó tin!

Theo dân “soi trầm” ở Vạn Ninh, trầm sau khi được bán cho thương lái địa phương thì được bán sang Trung Quốc, Đài Loan… Trầm hương, kỳ nam rất khó xác định, giá cả “nhảy múa” thất thường.

Chúng tôi gặp nhiều phu trầm, dân buôn trầm ở Vạn Ninh, nhưng mỗi người định giá một kiểu về trầm hoặc kỳ. Một dân trầm tên T. ở Vạn Thắng (huyện Vạn Ninh) thì nói rằng “kỳ đắt gấp 10 lần trầm”.

Theo người này, thì kỳ có 2 loại phổ biến là “kỳ thanh” (giá khoảng 10 tỷ/kg) và “kỳ hương” (giá khoảng 5 tỷ/kg). “Kỳ thì thường nặng và có nhiều dầu hơn trầm. Do đó, khi đốt lên ngửi thì mùi thơm, độ nồng của kỳ thường đậm và nặng hơn so với trầm”, người này nói về cách phân biệt.

{keywords}

{keywords}

Trầm ở Vạn Ninh, Khánh Hòa sau khi được soi từ lõi cây dó bầu.

Một chủ lò “soi trầm” tên Toàn ở Vạn Ninh thì tiết lộ, dù trầm hay kỳ thì cũng có nhiều loại khác nhau. Theo ông này, khi nói đến kỳ thì người ta có câu: “Nhất bạch, nhì thanh, tam hắc, tứ huỳnh, kỳ hổ…”. Đối với trầm thì có: “trầm kiến xanh, trầm mắt tử, trầm hột mít…”.Đứng sau trầm gọi là “tốc”, gồm: “tốc bông, tốc đá, tốc ớt, tốc kiến, tốc nước, tốc lọ, tốc gỗ…”.

“Giá kỳ bạch thì khoảng 50 tỷ đồng/kg, nhưng loại này thì rất hiếm, hầu như đã không còn nữa. Các loại kỳ khác thì từ 4-10 tỷ đồng/kg, tùy loại. Nói chung ngay cả những người làm trầm lâu năm cũng rất khó để xác định chính xác từng loại, rất đau đầu!”, vị này nói.

Theo người dân Vạn Ninh, ở vùng này người làm trầm thì nhiều, nhưng để thành công, làm giàu thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Họ kể rằng, có những người chỉ buôn trầm vài chuyến là xây biệt thự, mua xe hơi, nhưng cũng không ít người “tan gia, bại sản” chỉ vì một lần thử buôn trầm.

Kỳ nam là do thiên tạo, khác với trầm hương có thể do con người “cấy” nhân tạo từ cây dó bầu. Ngoài việc quý hiếm, kỳ nam còn được cho là có thể trị ngộ độc, trúng gió, hoặc để cứu người. Đối với “kỳ bạch” thì có màu trắng ngà, chất mềm và rất nhiều dầu; “kỳ thanh” có màu xanh bóng, nhiều dầu thì mềm, ít dầu thì cứng; “kỳ huỳnh” vàng như sáp ong, chất cứng và nặng, để lâu khô dầu trở nên nhẹ; “kỳ hắc” có màu đen bóng, ít mùi thơm.

(Theo Dân Trí)