Ở Nhật, việc bạn nhậu giỏi hay hoàn thành công việc được đánh giá là quan trọng ngang nhau. Còn nếu từ chối tiệc rượu, gần như chắc chắn bạn sẽ bị sếp ghét!

Meir Jeans là một người Kazhastan đến Nhật đã 4 năm, trong đó anh có 2 năm học thạc sỹ, tốt nghiệp ra trường anh đã đi làm được 2 năm.

Hàng ngày anh làm việc trong bộ phận IT, chịu trách nhiệm về phát triển các công cụ giúp quảng bá sản phẩm trên Internet. Hay nói cách khác, công việc của anh khá thuần kỹ thuật, không phải giao tiếp nhiều. Anh cũng đã từng nghĩ vậy trước khi vào làm nhưng đến bây giờ anh thấy khác.

Mỗi tối thứ Sáu hàng tuần sau khi đã làm việc cả 5 ngày đến mệt nhoài, chính thức giờ làm việc đến 17h nhưng chưa bao giờ anh được đứng lên đúng 17h, thường cũng phải 19-20h tối, hoặc thậm chí 21h, nhưng không được trả lương thêm giờ.

Mọi chuyện không dừng lại ở đó, dù anh làm trong bộ phận kỹ thuật nhưng có một quy định bất thành văn của công ty, đó là có buổi tiệc rượu vào tối ngày thứ Sáu sau khi hết công việc và ai cũng sẽ phải tham gia.

{keywords} 

Trong buổi này, anh sẽ phải uống hết ly này đến ly khác, với đồng nghiệp, quản lý cấp thấp, quản lý cấp cao, trưởng bộ phận và tương tự như vậy với phòng ban bên cạnh cũng như nhiều phòng ban khác và cuối cùng là Tổng giám đốc. Tất nhiên không phải tuần nào cũng đầy đủ những đối tượng như trên nhưng luật bất thành văn cứ thứ Sáu là đi nhậu khiến anh mệt nhoài, chán ngấy.

Mỗi năm tập đoàn của anh có khoảng 6 lần tiệc toàn tập đoàn, có nghĩa là đến cả gần 1 nghìn người tham dự buổi tiệc. Và ác mộng bắt đầu từ đây, anh không được phép từ chối rằng tôi không muốn uống, hay tôi không biết uống rượu.

Khi tiệc bắt đầu dù chưa ai ăn được một miếng nào là các lần kanpai (nâng cốc chúc mừng) được khởi động. Và cứ thế, uống hết lần này lần khác, đến nỗi cuối cùng anh rời khỏi tiệc trong trạng thái say mèm, nôn ọe nằm dài trên góc một chuyến tàu nào đó, hay cố kiếm một cái taxi để leo lên, hoặc thậm chí nằm luôn tại ga cho đến khi tỉnh lại mới về được.

Suốt những ngày cuối tuần, anh chưa kịp tỉnh lại sau buổi rượu thì lại đến tuần đi làm mới và guồng quay mệt mỏi của công việc và nhậu nhẹt bắt đầu.

Sau vài tháng như thế, Meir bắt đầu có suy nghĩ chống đối. Trong những buổi tiệc tập đoàn hoặc tiệc tuần sau đó, anh chỉ nâng ly với đúng vài đồng nghiệp thân cũng như quản lý trực tiếp, còn lại anh ngồi im, ăn và nói loanh quanh vài câu chuyện với người nào ngồi gần anh nhất có thể. Và không vì nể sếp mà anh ngồi đến cuối cùng như trước, đúng 11h đêm anh cầm túi đi về với lý do: “Tôi mệt”.

Quản lý của anh tất nhiên dù rất bận rộn nhưng cũng không rời mắt khỏi anh. Và sau khoảng 3 lần như vậy anh đã bị gọi riêng ra để nhắc nhở về thái độ khi đi tiệc. Meir trả lời rất thẳng thắn: “Tôi đi làm là để làm chứ không phải để uống rượu. Khi nhậu nhẹt quá nhiều như vậy tôi cũng không còn đủ sức khỏe để cống hiến cho công ty.” Bởi anh là một nhân viên giỏi nghề nên sếp cũng không muốn sa thải anh, nhưng tự Meir cũng cảm thấy thái độ của sếp với mình sau đó cũng khác.

Meir vẫn còn độc thân với mức lương cao mà anh còn sợ những bữa tiệc rượu đến như thế. Vậy nên không ngạc nhiên khi mà rất nhiều người Nhật khác cũng sợ tiệc rượu như anh.

Theo truyền thống tại Nhật, những ông chồng thường sẽ đưa hết lương cho vợ, người chịu trách nhiệm quản lý tài chính cho toàn bộ gia đình. Sau đó họ chỉ lấy lại một phần tiền để chi trả cho chi phí đi lại, ăn trưa, các buổi tiệc giúp xây dựng quan hệ với đồng nghiệp, đối tác hoặc các buổi tiệc rượu với công ty.

Kết quả cuộc khảo sát thực hiện năm 2015 của ngân hàng Shinsei cho thấy trung bình mỗi ông chồng Nhật nhận lại từ vợ khoảng 3 man 9 mỗi tháng (khoảng hơn 8 triệu đồng Việt Nam) – con số này tương đương khoảng 1/6 đến 1/12 thu nhập của người đi làm trong độ tuổi từ 22 đến 40. Thế nhưng khi mà chi phí tối thiểu cho một buổi tiệc rượu thường khoảng 2.860 yên và mỗi bữa ăn trưa có giá khoảng 510 yên, nhiều đàn ông Nhật đã trốn không tham gia các buổi tiệc rượu.

Tuy nhiên khi mà việc đi nhậu đã trở thành văn hóa và luật bất thành văn trong nhiều doanh nghiệp Nhật thì việc họ trốn nhậu sẽ có thể là vật cản rất lớn trong con đường thăng tiến của họ, theo nhiều chuyên gia về nhân sự Nhật.

Ông Shinsuke Suzuki, chuyên gia tư vấn nhân sự lâu năm tại Nhật, khẳng định văn hóa tiệc rượu vô cùng quan trọng trong công sở Nhật và những nhân viên từ chối uống hay tham gia các buổi tiệc rượu sẽ không thể thăng tiến được.

Ông Suzuki nói: “Trong vai trò tư vấn nhân sự, tôi đã làm việc với khoảng hơn 100 doanh nghiệp, và tôi nhận ra rằng thực sự nhiều nhân viên Nhật không hiểu tầm quan trọng của những buổi tiệc rượu. Đó chính là nơi đồng nghiệp cùng sống với nhau trong không khí thoải mái, sẵn sàng chia sẻ những câu chuyện mà trong công việc tiếp xúc hàng ngày họ không muốn nói.”

Và việc tham gia đều đặn các buổi tiệc rượu cũng là một cách rất đơn giản để thể hiện tính cam kết của bạn đối với các mối quan hệ trong công việc.

Khi không chịu nhậu với sếp và đồng nghiệp, chắc chắn bạn khiến sếp rất mất cảm tình, ông Suzuki nhấn mạnh: “Suy cho cùng, trong công việc hay cuộc sống, ai cũng có quan hệ yêu ghét. Hay nói rộng ra nếu bạn không phải một nhân viên có năng lực cực tốt, không nhiều người sở hữu những kỹ năng mà bạn có mà bạn vẫn muốn thăng tiến hay ít nhất tồn tại trong công ty của mình, bạn nên chấp nhận văn hóa công sở của Nhật. Việc xây dựng mạng lưới các quan hệ trong doanh nghiệp cũng quan trọng như việc bạn cống hiến hết mình cho doanh nghiệp.”

Còn theo nhiều chuyên gia nhân sự khác, chắc chắn sẽ có những người phản bác rằng các buổi tiệc rượu của công ty chỉ tổ tốn kém và chẳng dùng làm tiêu chí để quyết định cái gì, họ đã sai.

Ông Hirose Manochi, giáo sư tại đại học Hiroshima, khẳng định rằng đối với các ông chủ Nhật, việc một nhân viên có thể tổ chức thành công buổi tiệc công ty, nhân viên đó hoàn thành tốt các dự án được giao và có kỹ năng giao tiếp tốt với đồng nghiệp cũng quan trọng như nhau.

Nhiều người làm công ăn lương Nhật lại cho rằng mức lương quá thấp khiến họ không còn hào hứng gì tham gia các buổi tiệc công ty nữa. Trên thực tế, quan điểm này sai lầm.

Ông Manochi nhấn mạnh: “Đừng chỉ nghĩ đến những lợi ích ngắn hạn khi bạn cố gắng tiết kiệm tiền bằng việc không tham gia các buổi tiệc rượu. Nếu bạn muốn trong tương lai bạn sống trong bần hàn, thiếu thốn về tài chính, hãy chịu khó đi tiệc rượu với sếp.”

(Theo Trí thức trẻ)