Ông Huỳnh Văn Sơn - Giám đốc Sở kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An chia sẻ các giải pháp để thực hiện mục tiêu này.

Hướng đến sự hài lòng của doanh nghiệp

- Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, chỉ số PCI năm 2020 của Long An vẫn rất tích cực. Để đạt kết quả đó, xin ông cho biết những nỗ lực của tỉnh trong năm vừa qua?

Chỉ số PCI 2020 của Long An đứng thứ 3 toàn quốc, thuộc nhóm “Rất tốt” với 70,37 điểm; tăng 5 bậc và tăng 1,55 điểm so với năm 2019. Có 7 chỉ số thành phần tăng điểm: Gia nhập thị trường; tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất; chi phí thời gian để thực hiện các quy định của nhà nước; chi phí không chính thức; cạnh tranh bình đẳng; tính năng động của chính quyền tỉnh; đào tạo lao động. Trong đó chỉ số chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước tăng điểm cao nhất, tăng 1,32 điểm; tiếp đến là chỉ số Cạnh tranh bình đẳng tăng 1,17 điểm.

Để đạt được kết quả trên, tỉnh luôn xác định chỉ số PCI là một trong những cơ sở quan trọng để nhà đầu tư, DN tham khảo khi đến đầu tư, kinh doanh tại Long An. Trên cơ sở kết quả PCI các năm qua, Long An đã đánh giá, phân tích các mặt được và hạn chế của tỉnh theo từng nội dung các chỉ số thành phần của PCI để đề ra các nhiệm vụ cụ thể thực hiện, nhằm hướng đến sự hài lòng của DN, qua đó cải thiện, nâng cao chỉ số PCI.

Ngoài triển khai, thực thi tốt các Luật Đầu tư, Luật DN và các quy định có liên quan trực tiếp đến DN, tỉnh chủ động triển khai tốt các chính sách của Trung ương về hỗ trợ, phát triển DN như: ban hành Kế hoạch hành hành động cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Long An theo Nghị quyết số 02 của Chính phủ; Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp và phát triển DN trên địa bàn tỉnh Long An đến năm 2025…Theo đó, chú trọng thực hiện có hiệu quả quy định trình tự thủ tục tiếp nhận quản lý các dự án; tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Với những dự án chậm triển khai, tỉnh có thể thu hồi toàn bộ dự án, điều chỉnh quy mô phù hợp với năng lực của nhà đầu tư hay gia hạn thời gian hợp lý...

{keywords}
UBND tỉnh Long An đối thoại với doanh nghiệp

Trong thu hút đầu tư, tỉnh chủ trương chọn lọc những dự án phù hợp với điều kiện phát triển của địa phương và hạn chế tiếp nhận các dự án gây ô nhiễm môi trường nặng, các dự án sử dụng đất lúa, đất không phù hợp kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất của tỉnh; Tăng cường đối thoại với DN, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của DN. Ngoài ra, tỉnh tăng cường hiệu quả xúc tiến đầu tư, quảng bá trực tuyến thông qua các diễn đàn DN, kênh thông tin DN, các kênh truyền thông quốc tế tại các quốc gia tiềm năng.

Đặc biệt, công tác CCHC được triển khai đồng bộ, toàn diện. Các TTHC được thực hiện theo cơ chế một cửa liên thông, một cửa điện tử, góp phần đơn giản hóa thủ tục và rút ngắn thời gian thực hiện. Bước đột phá trong CCHC của Long An là sớm thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh (cuối năm 2016). Việc hướng dẫn, nhận và trả kết quả hồ sơ được thực hiện tại một đầu mối duy nhất. Hiện tỉnh đã thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công của tất cả các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Nhờ thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, tỉnh Long An luôn tạo được niềm tin, sự hài lòng cho DN, nhà đầu tư khi đến đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Nỗ lực cải thiện 10 chỉ số CPI, nâng cao năng lực cạnh tranh

- Theo ông, đâu là những chỉ số thành phần quan trọng tác động vào PCI của tỉnh? 

10 chỉ số thành phần của chỉ số PCI bao quát những lĩnh vực chính của điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố và liên quan đến sự phát triển của doanh nghiệp. Do đó có thể nói cả 10 chỉ số thành phần đều quan trọng, tác động vào PCI của tỉnh, cũng như môi trường đầu tư của tỉnh.

Muốn có môi trường đầu tư kinh doanh tốt, được cộng đồng DN đồng tình, ủng hộ, địa phương cần luôn có giải pháp xuyên suốt để không ngừng cải thiện cả 10 chỉ số thành phần, trong đó tập trung cải thiện các chỉ số thành phần có điểm số thấp.

{keywords}
 

- Năm 2021, Long An tiếp tục cải thiện tích cực 10 chỉ số thành phần PCI, duy trì vị trí xếp hạng PCI của tỉnh ở nhóm “Rất tốt”. Để thực hiện mục tiêu này, theo ông cần thực hiện những giải pháp căn cơ nào?

Xác định việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh là lợi thế cạnh tranh quan trọng, tạo động lực trong mời gọi, thu hút đầu tư, trong năm 2021 và các năm tiếp theo chính quyền tỉnh Long An chủ động, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành các cấp, các ngành thực hiện đồng bộ các giải pháp để không ngừng nâng cao chất lượng quản lý, điều hành, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nâng cao chỉ số PCI, cải thiện môi trường kinh doanh ngày càng minh bạch, thân thiện, thông thoáng, thuận lợi. Trong đó tập trung vào các giải pháp sau:

Tiếp tục CCHC, chấn chỉnh, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, của công chức, viên chức, tập trung giải quyết nhanh, đúng quy định của pháp luật, thái độ làm việc tốt nhất, từ đó tạo môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh thuận lợi cho DN.

Nghiêm túc triển khai Nghị quyết số 02 của Chính phủ về thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia bằng các kế hoạch và chương trình hành động cụ thể. Trong đó, Long An đã định lượng các nhiệm vụ, giải pháp khi giao cho các ngành và huyện, thị, thành phố thay vì các giải pháp chỉ mang tính định tính. Đặc biệt giao các ngành và địa phương rút ngắn và công bố thời gian giải quyết các TTHC liên quan đến DN.

Tiếp tục vận hành tốt Trung tâm hành chính công của tỉnh và các Trung tâm hành chính công cấp huyện, giúp tiết kiệm thời gian, công sức cho người dân và DN.

Duy trì tổ chức đối thoại với DN theo định kỳ, liên hệ chặt chẽ Hội, Hiệp hội DN các nước và vùng lãnh thổ để kịp thời nắm và giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho DN. Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ DN, phát huy hiệu quả đường dây nóng để lãnh đạo tỉnh tiếp nhận và xử lý các kiến nghị của DN trong quá trình hoạt động trên địa bàn.

Thành lập Đoàn kiểm tra về CCHC và kiểm tra công vụ tại các sở ngành và địa phương, qua đó kịp thời xử lý, chấn chỉnh các trường hợp còn tồn tại, vướng mắc.

Đặc biệt là thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh Covid-19; triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ DN, người lao động,đề ra các giải pháp cụ thể tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN từng bước phục hồi sản xuất, yên tâm, đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Ngọc Hân (thực hiện)