“Địa chỉ đỏ” thu hút nhà đầu tư

Mặc dù chịu nhiều tác động của đại dịch Covid-19, thu hút đầu tư của tỉnh Long An thời gian qua vẫn đạt nhiều kết quả tích cực, là “điểm sáng” của khu vực ĐBSCL. Đây cũng là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Đến nay, toàn tỉnh có 13.483 doanh nghiệp đăng ký thành lập với tổng vốn đăng ký 348.715 tỷ đồng. Tỉnh thu hút 2.112 dự án đầu tư trong nước được cấp phép với số vốn đăng ký 251.614 tỷ đồng; 1.124 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 9.373,5 triệu USD, trong đó 588 dự án đi vào hoạt động, chiếm 52,3% tổng số dự án đăng ký, với tổng vốn thực hiện khoảng 3.624 triệu USD, đạt 38,8% tổng vốn đăng ký.

Hiện có 40 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Long An, trong đó Đài Loan (Trung Quốc) đứng đầu cả về số dự án và vốn đầu tư đăng ký, tiếp theo là các quốc gia: Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Hoa Kỳ, Thái Lan… Các lĩnh vực thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn là dệt may, da giày, công nghiệp chế biến thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản; chế biến thực phẩm, đồ uống; công nghiệp chế tạo… Có trên 50% số dự án FDI nằm trong các khu, cụm công nghiệp của tỉnh.

{keywords}
KCN Nhựt Chánh - Bến Lức - Long An

Lãnh đạo tỉnh Long An cho biết, thời gian qua, tỉnh tập trung tổ chức đưa các tổ chức, DN Nhật Bản đi khảo sát và làm việc tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn; làm việc với Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc cùng đoàn DN Hàn Quốc đến thăm và tìm hiểu môi trường đầu tư; tổ chức Tọa đàm định hướng phát triển vùng kinh tế công nghệ cao, với sự tham gia của đại diện các tập đoàn lớn từ Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Đức.

Tỉnh chú trọng xúc tiến đầu tư “tại chỗ”. Trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp, các hội nghị đối thoại giữa UBND tỉnh với DN được triển khai trực tuyến, vừa đảm bảo giãn cách xã hội vừa kịp thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh ứng phó với đại dịch. Bên cạnh đó, tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư.

Nhờ lợi thế về vị trí địa lý, đất đai, lao động cùng chủ trương, chính sách đúng đắn, sự chỉ đạo xuyên suốt của lãnh đạo tỉnh với phương châm “Chính quyền địa phương phải đồng hành cùng DN, coi khó khăn của DN là khó khăn của tỉnh”, Long An đã tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, an toàn, hiệu quả.

Tăng tốc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh

Là một địa phương năng động, tích cực, chủ động trong các hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế và tìm kiếm các cơ hội phát triển, Long An đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ.

Năm 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 5,91%. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực, toàn hệ thống chính trị đặt ưu tiên hàng đầu vào phòng chống, dập dịch, kinh tế của tỉnh vẫn duy trì mức tăng trưởng tương đối khá, dự báo tăng hơn 2 lần tăng trưởng chung của cả nước và là mức tăng trưởng cao nhất vùng ĐBSCL. GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 77 triệu đồng, tăng 5,75% so cùng kỳ, tương đương 3.304 USD/người/năm.

Đặc biệt, trong Bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2020, Long An đứng thứ 3 toàn quốc, được xếp vào nhóm I, tức là nhóm “Rất tốt” với 70,37 điểm; tăng 5 bậc và tăng 1,55 điểm so với năm 2019. Có 7 chỉ số thành phần tăng điểm: Gia nhập thị trường; tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất; chi phí thời gian để thực hiện các quy định của nhà nước; chi phí không chính thức; cạnh tranh bình đẳng; tính năng động của chính quyền tỉnh; đào tạo lao động. Trong đó chỉ số chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước tăng điểm cao nhất, tăng 1,32 điểm; tiếp đến là chỉ số Cạnh tranh bình đẳng tăng 1,17 điểm.

Xác định chỉ số PCI là tiêu chí quan trọng để đánh giá năng lực, môi trường kinh doanh, địa phương này tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Trong đó, trọng tâm là cải cách TTHC, chủ động tạo thuận lợi, thông thoáng cho DN triển khai các dự án.

{keywords}
Hội nghị đối thoại, tiếp xúc, gặp gỡ nhà đầu tư, DN, Hiệp hội DN tỉnh và Hội doanh nhân trẻ tỉnh Long An tháng 1/2021

Theo ông Huỳnh Văn Sơn - Giám đốc Sở kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An, nhằm tiếp tục cải thiện tích cực 10 chỉ số thành phần PCI, duy trì vị trí xếp hạng PCI của tỉnh luôn ở nhóm “Rất tốt”, tỉnh đang thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm như: định kỳ hàng tháng, hàng quý tổ chức đối thoại, tiếp xúc với DN để kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc DN; Tiếp tục cắt giảm thời gian giải quyết các TTHC, nâng cao năng lực và hiệu quả Trung tâm Phục vụ hành chính công.

Tỉnh nỗ lực đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC, công khai thông tin, tiếp nhận và phản hồi các phản ánh, kiến nghị của người dân, DN... Trọng tâm là nâng cao tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, hoàn thiện kết nối liên thông trong tỉnh và thực hiện kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia…

Bên cạnh đó, thực hiện cơ chế phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, linh hoạt giữa các ngành, địa phương trong giải quyết các vấn đề liên quan DN. Có giải pháp tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN yên tâm, đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

“Năm 2021 là năm đầu tiên của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025, trước ảnh hưởng khó lường của đại dịch Covid-19, Long An quyết tâm tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao lực cạnh tranh, tiếp tục cải cách hành chính, thực hiện chủ trương thu hút đầu tư vào tỉnh... nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển khu, cụm công nghiệp và chuẩn bị đón nhận chuyển dịch chuỗi cung ứng trên thế giới, hướng đến mục tiêu đưa tỉnh Long An phát triển nhanh và bền vững’ - đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An cho biết.

Tin rằng với quyết tâm, nỗ lực lớn nhất, cùng cam kết nhất quán trong chính sách, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN, luôn đồng hành cùng DN trong quá trình xây dựng và phát triển tại địa phương, Long An tiếp tục là “mảnh đất lành” hấp dẫn các nhà đầu tư.

Ngọc Hân