- Dường như các nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng đều quan tâm tới vẻ hào nhoáng bên ngoài của chiếc xe mà quên đi các thiết bị an toàn mỗi khi cầm lái, đặc biệt là với túi khí. Chính vì thế, hầu hết các hãng ô tô, kể cả danh tiếng, mới đây đã phải triệu hồi hàng triệu chiếc xe do lỗi túi khí.

Cuộc triệu hồi xe trên toàn cầu

Mới đây, Honda vừa phát lệnh triệu hồi 223.578 xe hơi thuộc các loại CR-V, City, Civic và Jazz tại Ấn Độ do vấn đề lỗi túi khí. Tờ Indiatimes của nước này cho hay, đây là một trong những đợt triệu hồi xe lớn nhất của nhà sản xuất xe Nhật Bản - Honda - tại Ấn Độ. Các mẫu xe trên được sản xuất vào những năm 2003-2012, bị lỗi hệ thống bơm khí cho túi khí do hãng Takata sản xuất.

Takata là cái tên được nhắc tới gần như hàng ngày trong ngành công nghiệp ô tô và trên các phương tiện truyền thông gần đây do là nhà cung cấp túi khí dẫn tới hàng loạt đợt triệu hồi xe lớn trên toàn thế giới.

Hầu hết các nhà sản xuất ô tô lớn đều có xe dùng túi khí bị lỗi của Takata, gồm: Honda, Nissan, Subaru, Ford, Chrysler, BMW, Mitsubishi và Mazda. Trong đó, Honda là khách hàng lớn nhất của Takata.

{keywords}
Túi khí an toàn nhưng giờ lại trở thành một kẻ thù nguy hiểm với các lái xe

Tính đến thời điểm này, công ty mẹ Honda Motor đã triệu hồi hơn 20 triệu xe hơi trên phạm vi toàn cầu để thay thế các túi khí lỗi do Takata sản xuất. Đầu năm nay, Honda tại Ấn Độ cũng triệu hồi tới 11.381 chiếc xe hơi để thay thế các túi khí.

Sau Honda, đến lượt BMW, Ford và Mitsubishi đồng loạt thông báo triệu hồi thêm hàng trăm ngàn cho đến hơn 1,5 triệu xe do lỗi túi khí Takata, nâng tổng số xe bị triệu hồi trên toàn thế giới do lỗi này lên hơn 40 triệu chiếc.

Tại Việt Nam, các nhà sản xuất đang tiến hành một cuộc thu hồi lớn các dòng xe bị lỗi tương tự. Cụ thể, Honda Việt Nam sẽ tiến hành triệu hồi 21.181 xe ôtô Civic và CR-V để khắc phục lỗi tại bộ phận túi khí. Chương trình triệu hồi dự kiến bắt đầu được thực hiện từ ngày 20/11/2015. 

Tương tự, Toyota Việt Nam buộc phải thực hiện chiến dịch triệu hồi xe để kiểm tra và thay thế cụm bơm khí của túi khí Takata trên các mẫu Corolla nhập khẩu chính hãng và Vios (phiên bản E và G) lắp ráp trong nước.

Sẽ có tổng số 3.958 xe nằm trong diện triệu hồi lần này, bao gồm: 148 chiếc Corolla nhập khẩu chính hãng được sản xuất trong khoảng thời gian từ ngày 03/11/2004 đến 28/04/2005 và 3.810 chiếc Vios được sản xuất tại Việt Nam trong khoảng thời gian từ ngày 13/09/2007 đến 31/12/2008.

Còn tại Nissan Việt Nam, số lượng xe tại Việt Nam có liên quan đến đợt triệu hồi này bao gồm 166 chiếc, trong đó có 10 chiếc Sunny, 122 chiếc X-Trail, 27 chiếc Patrol và 7 chiếc Navara và được sản xuất từ ngày 2/2/2005 đến 9/3/2007.

Không triệu hồi công khai, nhà phân phối chính thức xe BMW tại Việt Nam Euro Auto đang âm thầm thay túi khí mới cho một số xe dòng 3-series mã E46.

Cơn sóng triệu hồi hàng loạt các mẫu xe trên thế giới vì lỗi túi khí Takata trong thời gian vừa qua khiến người tiêu dùng ở Việt Nam vô cùng lo lắng. Khách hàng đang mất sự tự tin lái xe, khi túi khí được thiết kế để bảo toàn mạng sống con người, nay lại là mối hiểm họa tiềm tàng. 

Hiểm họa của người tiêu dùng

Ngày nay, hầu như mọi chiếc xe được sản xuất ra trên thế giới đều được trang bị túi khí. Được giấu vào bên trong xe, các hệ thống túi khí trên nguyên tắc có thể chịu được biên độ nhiệt rất lớn, từ -40 tới 93 độ C, chúng cũng đã trải qua các thử nghiệm ngặt nghèo trước khi được đưa vào lắp đặt.

{keywords}
Nhà sản xuất túi khí lớn nhất khiến các hãng xe phải lao đao

Về cơ bản, đó là một hệ thống được dấu kín cho tới khi xảy ra tai nạn, túi khí sẽ bung ra như một chiếc gối hơi làm giảm lực va đập. Các túi khí trong xe hơi từng được coi là công nghệ an toàn quan trọng nhất từng được phát minh, nhưng ngày càng nhiều người lo ngại rằng những túi khí quá cũ có thể là mối đe dọa cho hàng triệu người lái xe. 

Các túi khí này được cho là nguyên nhân gây ra ít nhất 8 ca tử vong và hàng nghìn trường hợp bị thương khác trong xe hơi. Khi Cục an toàn đường cao tốc liên bang Mỹ (NHTSA) tiến hành điều tra với các vụ việc, họ phát hiện ra tình hình có thể còn tồi tệ hơn.

Thông tin từ hãng xe Nhật Bản cho biết, nguyên nhân dẫn đến lỗi buộc phải triệu hồi là do hiện tượng quá áp bộ thổi khí của túi khí ghế lái hoặc ghế phụ. Hiện tượng này có thể khiến cụm túi khí hoạt động quá mức khi va chạm làm cho các linh kiện bị bắn ra ngoài, gây thương vong cho hành khách.

Bằng cách chạy theo lượng hàng bán ra, các hãng xe thường chú trọng tung ra các chiếc xe ít đắt đỏ, bán rộng rãi ở các thị trường mới nổi mà dường như đã quên đi các thiết bị an toàn. Hàng loạt đợt thu hồi ô tô do quá tập trung vào thị phần và lợi nhuận.

Trong suốt chiều dài lịch sử của ngành công nghiệp ô tô thế giới, số lượng các chiến dịch triệu hồi sửa chữa xe lỗi cộng dồn đến thời điểm hiện tại nhiều đến mức chưa có bất kỳ một tổ chức nào dám công bố một con số cụ thể.

Những cuộc thu hồi do lỗi trên sản phẩm có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới danh tiếng trên thị trường toàn cầu, song các hãng xe đều chấp nhận các hậu quả đi kèm. Đến nay, các hãng sản xuất có phần chủ động và minh bạch hơn trong việc triệu hồi xe. 

Tuy nhiên, nhiều hãng vẫn lờ đi trách nhiệm của mình. Trung tâm An toàn ôtô của Mỹ đã cáo buộc Honda cung cấp dữ liệu sai lệch về số lượng người bị thương và tử vong vì túi khí khi được chính phủ yêu cầu.

Tháng 3/2014 Bộ Tư pháp Mỹ  đã tuyên bố án phạt 1,2 tỷ USD đối với tập đoàn chế tạo ô tô Toyota của Nhật Bản vì đã lừa dối khách hàng về lỗi trong hệ thống an toàn của xe. 

Trong bối cảnh công ty Takata đang vướng vào vụ bê bối ngày một nghiêm trọng liên quan đến việc hơn 20 triệu xe bị triệu hồi do lỗi túi khí, chủ tịch Stefan Stocker đã quyết định từ chức. 

Sau cuộc khủng hoảng về việc triệu hồi xe, các hãng đang phải đau đầu lấy lại niềm tin của người tiêu dùng. Tuy chưa tuyến bố sẽ ngừng hợp tác với hãng sản xuất túi khí Takata, nhưng Toyota đang trong quá trình thử nghiệm sử dụng túi khí của hãng sản xuất khác trên thế hệ ô tô mới của mình. Trong những nỗ lực khôi phục lại danh tiếng của hãng, Honda cũng từ bỏ Takata và có kế hoạch bắt tay với đối tác khác.

Nam Hải